Giới chức Mỹ thông báo số ca tử vong giảm 90% từ tháng một nhờ nỗ lực tăng tốc tiêm vacicne Covid-19, song nước này "còn nhiều việc phải làm".
Thế giới ghi nhận 178.513.114 ca nhiễm nCoV và 3.864.682 ca tử vong, tăng lần lượt 325.893 và 6.567, trong khi 161.246.386 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.388.960 ca nhiễm và 616.783 ca tử vong do nCoV, tăng 9.421 và 280 ca so với một ngày trước đó.
Một quan chức Nhà Trắng ngày 18/6 cho biết Mỹ tiêm 300 triệu mũi vaccine Covid-19 trong 150 ngày qua. Nhờ nỗ lực tăng tốc tiêm chủng của chính phủ Tổng thống Joe Biden, số người nhiễm nCoV, nhập viện và tử vong giảm xuống mức thấp nhất từ khi dịch bùng phát tại Mỹ, các quan chức cho biết.
Biden sẽ "khẳng định rõ ràng rằng còn nhiều việc phải làm" để đảm bảo ứng phó công bằng với đại dịch, song nền kinh tế Mỹ đang trải qua đợt phục hồi mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, Nhà Trắng cho biết trong thông cáo.
"Kết quả rất rõ ràng. Nước Mỹ đang trở lại như nó vốn có, bước vào một mùa hè vui vẻ và tự do", thông cáo của Nhà Trắng cho biết.
Nhân viên y tế Mỹ tiêm vaccine Covid-19 cho một thiếu niên 16 tuổi tại Pasadena, California ngày 14/5. Ảnh: Reuters. |
Thông tin được đưa ra vài ngày sau khi Mỹ ghi nhận số ca tử vong vượt 600.000, cao nhất thế giới. Nhà Trắng cho biết số ca tử vong đã giảm 90% từ khi Biden nhậm chức hồi tháng một, khi đó 3.300 người Mỹ chết mỗi ngày. Nhà Trắng nhấn mạnh các thành tựu lớn trong kinh tế khi mọi người quay lại làm việc.
Hơn 175 triệu người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, 55% số người trưởng thành nước này đã hoàn thành liệu trình tiêm. Nhà Trắng cho biết giải quyết tình trạng mất cân bằng chủng tộc trong tỷ lệ tiêm chủng đang tiếp diễn. 54% lượt tiêm vaccine Covid-19 trong tháng 5 dành cho người da màu, vốn chiếm 40% dân số nước Mỹ.
Chính quyền Biden ngày 17/6 thông báo đầu tư 3,2 tỷ USD để thúc đẩy thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc kháng virus điều trị Covid-19. Thuốc kháng virus, được dùng để điều trị các triệu chứng sau nhiễm virus, đang trong quá trình phát triển và một số ứng viên có thể ra mắt vào cuối năm nay nếu thuận lợi.
Khoản đầu tư của chính phủ Mỹ sẽ nhằm thúc đẩy các thử nghiệm lâm sàng, cũng như hỗ trợ thêm cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất ở khu vực tư nhân.
Trước đó, Mỹ đồng ý chi 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir đang trong giai đoạn thử nghiệm. Thuốc Molnupiravir được hãng dược Đức Merck và đối tác Mỹ Ridgeback Biotherapeutics cùng hợp tác phát triển.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 29.821.028 ca nhiễm và 385.119 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 59.064 và 1.221 ca.
Giới chức y tế tại các bang giàu nhất Ấn Độ hối thúc giới chức nước này chuẩn bị chống lại đợt bùng phát thứ ba, nguy cơ xảy ra vào tháng 10. Dù có thể được kiểm soát tốt hơn so với đợt bùng phát hồi đầu năm, đại dịch tiếp tục là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng tại Ấn Độ trong ít nhất một năm nữa, các chuyên gia cảnh báo.
Sau nấm đen, Ấn Độ hiện lo ngại về tình trạng nấm xanh xuất hiện trên người từng mắc Covid-19. Nấm xanh là một bệnh nhiễm trùng do loại nấm mốc phổ biến tên aspergillus, tồn tại trong môi trường trong nhà và ngoài trời gây ra.
Người bình thường có thể hít phải aspergillus mà không mắc bệnh nấm xanh, song điều này rất nguy hiểm với người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh phổi, như người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, nấm xanh không phải bệnh lây nhiễm.
Dù là nhà sản xuất vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới, Ấn Độ mới tiêm được hơn 5% trong số 950 triệu người trưởng thành đủ điều kiện.
Nga là vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, báo cáo 5.281.309 người nhiễm và 128.445 người chết, tăng lần lượt 17.262 và 453 ca.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin ngày 17/6 cảnh báo biến chủng nCoV mới với khả năng lây lan mạnh hơn nguy cơ "xuyên thủng hệ miễn dịch". Lãnh đạo cơ quan giám sát sức khỏe Nga trong một cuộc họp báo khác cảnh báo biến chủng Delta, hay B.1.617.2, có nguồn gốc từ Ấn Độ là nguyên nhân gây ra loạt ca nhiễm mới trên khắp nước Nga.
Cảnh báo của Thị trưởng Moskva được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến chủng Delta từ Ấn Độ đã xuất hiện tại hơn 80 quốc gia và tiếp tục đột biến khi lan rộng khắp toàn cầu.
Thị trưởng Sobyanin hôm 16/6 ra lệnh tiêm vaccine Covid-19 bắt buộc với hai triệu người làm trong ngành nghề giao tiếp nhiều với công chúng. Lệnh bắt buộc được áp dụng từ thợ làm tóc, tài xế taxi cho đến giao dịch viên ngân hàng, giáo viên và người trình diễn nghệ thuật.
Nhật Bản báo cáo 780.898 ca nhiễm và 14.320 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 1.557 và 51 ca trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Yoshihide Suga ngày 17/6 thông báo Nhật Bản sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở tất cả các tỉnh trừ Okinawa từ ngày 20/6, khi số ca nhiễm mới tiếp tục giảm. Tuy nhiên, các biện pháp bán khẩn cấp vẫn được áp dụng tại 7/9 quận, gồm Tokyo, Osaka, Hokkaido, Aichi, Hyogo, Kyoto và Fukuoka. Tình trạng khẩn cấp ở Okinawa và 7 quận sẽ được áp dụng cho đến ngày 11/7.
Nhật thông báo nới lỏng biện pháp khẩn cấp khi chỉ còn chưa đầy 5 tuần nữa, Thế vận hội Tokyo sẽ chính thức khai mạc ngày 23/6.
Cùng ngày 17/6, Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato thông báo Nhật Bản sẽ bắt đầu cấp hộ chiếu vaccine vào cuối tháng 7, nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể du lịch nước ngoài. Hộ chiếu vaccine gồm các thông tin như ngày tiêm chủng và loại vaccine, bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.963.266 ca nhiễm, tăng 12.990, trong đó 54.043 người chết, tăng 290. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục được Indonesia ghi nhận từ khi dịch bùng phát.
Tổng thống Joko Widodo lệnh cho quan chức y tế thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 để đạt mức một triệu liều mỗi ngày vào tháng tới, thay vì mức nửa triệu người hiện tại. Yêu cầu được ông Widodo đưa ra giữa lúc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo quốc gia này cần gia tăng các biện pháp hạn chế để ngăn đợt bùng phát ca nhiễm mới.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 181 triệu trong 270 triệu dân vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, đến hiện tại, chỉ có 22 triệu người được tiêm đủ mũi và 12 triệu người tiêm một mũi. Indonesia đã nhận được 92,2 triệu liều vaccine cho đến nay.
Trước đó, hơn 350 nhân viên y tế Indonesia được xác nhận nhiễm Covid-19, trong đó hàng chục người phải nhập viện, dù đã tiêm vaccine của Sinovac.
Singapore, vùng dịch lớn thứ 6 khu vực và thứ 110 thế giới, ghi nhận 62.382 ca nhiễm, tăng 16 ca, trong đó 34 ca tử vong.
Nhiều người Singapore ngày 18/6 đổ xô tới các phòng khám tư nhân để tiêm vaccine Covid-19 ủa Sinovac trong ngày đầu tiên sản phẩm này được sử dụng. Một số là các công dân Trung Quốc, những người cho rằng việc tiêm vaccine Sinovac sẽ giúp họ về nhà dễ hơn và không phải cách ly.
Singapore cho phép các cơ sở y tế tư nhân sử dụng vaccine Sinovac, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp sản phẩm này hồi đầu tháng. Giới chức Singapore chọn 24 phòng khám tư nhân triển khai tiêm 200.000 liều vaccine Sinovac trong kho dự trữ. Các phòng khám tư tính phí 7,5 - 18,6 USD mỗi liều.
Gần một nửa trong 5,7 triệu người Singapore đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna, với hiệu quả hơn 90% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, hiệu quả của vaccine do Sinovac sản xuất là 51%.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)