Đi tìm nền hòa bình ở Gaza: Cần một giải pháp chính trị bền vững

Israel và Hamas đã tiến hành đàm phán về lệnh ngừng bắn 60 ngày tại Dải Gaza và thảo luận một kế hoạch mới nhằm rút Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) khỏi vùng lãnh thổ này.

Sau chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, các bên đã bày tỏ thiện chí thỏa hiệp, tuy nhiên sự lạc quan ban đầu về một thỏa thuận có thể đạt được đã giảm dần. Điều cần nhất vẫn là có một giải pháp chính trị bền vững tại Gaza.

gaza.jpg
Người dân chờ nhận thực phẩm tại một điểm phân phát ở Gaza. Ảnh: Anadolu

Israel và Hamas đã bắt đầu đàm phán tại thủ đô Doha, Qatar từ ngày 6-7 với hy vọng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 21 tháng. Mặc dù có tín hiệu cho thấy Israel sẵn sàng điều chỉnh một số yêu cầu dưới sức ép của Mỹ, nhưng các đề xuất mới vẫn chưa đáp ứng được mong muốn từ phía Hamas.

Theo bản đồ tái bố trí mới của IDF, Israel sẽ tiếp tục kiểm soát khoảng 1/3 diện tích Dải Gaza và thành lập một “thành phố nhân đạo” ở Rafah, nơi cư dân Gaza sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ và bị hạn chế tự do đi lại. Hamas lập tức bác bỏ kế hoạch này và cho rằng, đây là hành động hợp pháp hóa việc tái chiếm lãnh thổ và chia cắt Gaza thành các khu vực biệt lập.

Phong trào Hồi giáo từ chối tiếp tục đàm phán nếu vấn đề rút quân của Israel không được giải quyết triệt để. Một quan chức Palestine khẳng định các cuộc đàm phán tại Doha đang gặp trở ngại nghiêm trọng vì lập trường cứng rắn từ phía Israel.

Đầu tháng 7 này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ "phản hồi tích cực" từ phía Hamas đối với đề xuất ngừng bắn. Tuy nhiên, lực lượng này nghi ngờ về tính bền vững của thỏa thuận và nhấn mạnh sự bảo đảm của quốc tế về một lệnh ngừng bắn. Theo Hamas, thỏa thuận ngừng bắn phải là một bước tiến tới chấm dứt hoàn toàn xung đột.

Tahani Mustafa, nhà phân tích cấp cao của Nhóm khủng hoảng quốc tế về Palestine nhận định, không có đột phá trong các cuộc đàm phán là điều dễ hiểu bởi: "Tất cả các vấn đề then chốt vẫn chưa được giải quyết" và "kỳ vọng Israel từ bỏ quyền kiểm soát, điều mà họ vẫn luôn duy trì, đơn giản là không phù hợp với thực tế"...

Hiện các nhà trung gian hòa giải đang yêu cầu tạm hoãn đàm phán cho đến khi Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff tới Doha để thúc đẩy tiến trình này.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán bị đình trệ, làn sóng phản đối trong nội bộ tại Israel đã gia tăng mạnh mẽ. Tối 12-7, hàng nghìn người dân đã xuống đường tại nhiều thành phố trên khắp đất nước để tham gia các cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ khẩn trương đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hamas, trao đổi con tin và tổ chức tổng tuyển cử.

Sau 21 tháng Israel tiến hành cuộc tấn công vào Dải Gaza, số người thiệt mạng tại khu vực này đã vượt quá 58.000, nhưng các chuyên gia ước tính số người bỏ mạng do các cuộc không kích, bị chết đói trong các cuộc phong tỏa lương thực, hoặc bị bỏ mặc do thiếu vật tư y tế, cao hơn nhiều, chưa kể hàng chục nghìn người khác vẫn mất tích. Tính từ tháng 10-2023 đến ngày 10-7 này, dân số Gaza đã giảm 10%.

Đối với người Palestine, một lệnh ngừng bắn dường như đang đến gần hơn bao giờ hết, đơn giản vì không còn gì để phá hủy. Liên hợp quốc ước tính 92% số nhà ở, tương đương khoảng 436.000 ngôi nhà, đã bị hư hại hoặc phá hủy sau khi cuộc xung đột Israel - Hamas. Bị tước đoạt mọi phương tiện sống, người Palestine chỉ còn biết hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Trong khi áp lực từ nội bộ gia tăng, tình hình tại Gaza tiếp tục leo thang. Chỉ trong ngày 12-7, các cuộc tấn công của Israel đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Tính trong 3 ngày, từ 12 đến 14-7, con số thương vong đã vượt 163 người chết và hơn 300 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Theo đánh giá của giới quan sát, cuộc khủng hoảng tại Gaza hiện nay không chỉ đơn thuần là một cuộc đối đầu quân sự mà còn phản ánh sâu sắc những thách thức chiến lược kéo dài giữa Israel và các lực lượng Palestine. Con số thương vong dân sự tiếp tục tăng cao cho thấy một thực trạng: Các giải pháp quân sự đơn thuần khó có thể mang lại hòa bình bền vững cho khu vực.

Người dân Gaza không thể chịu đựng thêm một "khoảng dừng" nữa, chỉ để đếm ngược đến cuộc chiến tiếp theo. Lệnh ngừng bắn phải là khởi đầu của một tiến trình hòa bình rộng lớn, khẳng định quyền của người Palestine được sống tự do trên quê hương, được tiếp cận lương thực, nước sạch, an toàn với một tương lai tươi sáng.

Mặc dù Israel đã phát đi những tín hiệu mới nhằm hạ nhiệt căng thẳng nhưng đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải kiên quyết yêu cầu về những điều vượt ra ngoài lệnh ngừng bắn, hướng tới một giải pháp chính trị bền vững tại Gaza.

https://hanoimoi.vn/di-tim-nen-hoa-binh-o-gaza-can-mot-giai-phap-chinh-tri-ben-vung-709304.html

Thùy Dương / HNM