Đụng độ bùng phát trong cuộc biểu tình tại miền Nam Bangladesh

Lãnh đạo lâm thời của Bangladesh Muhammad Yunus cho biết trong một bài đăng trên nền tảng X rằng, các thành viên đảng Công dân quốc gia (NCP), cảnh sát và giới truyền thông đã bị tấn công trong cuộc biểu tình ở miền Nam nước này.

banglades.jpg
Cuộc biểu tình diễn ra tại miền Nam Bangladesh. Ảnh: Dhaka Tribune.

"Việc ngăn cản các công dân trẻ tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa để kỷ niệm 1 năm phong trào cách mạng của họ là một sự vi phạm đáng xấu hổ đối với các quyền cơ bản" - Muhammad Yunus đồng thời đổ lỗi cho đảng Awami League của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina và nhóm sinh viên của đảng này về vụ bạo lực đêm 16-7 (theo giờ Việt Nam).

Các nguồn tin địa phương cho biết, cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các nhà hoạt động của Awami League với thành viên NCP tại thị trấn Gopalganj đã khiến 4 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Chính phủ lâm thời Bangladesh đã áp đặt lệnh giới nghiêm tại Gopalganj trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

NCP đã thông báo sẽ tổ chức một cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày hôm nay để phản đối vụ tấn công vào cuộc biểu tình tại Gopalganj.

Các cuộc biểu tình dự kiến sẽ phong tỏa nhiều nơi trên cả nước, bao gồm cả thủ đô Dhaka.

Chủ tịch NCP Nahid Islam đưa ra tối hậu thư cho chính quyền trong vòng 24 giờ, yêu cầu bắt giữ ngay lập tức những kẻ chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Thời điểm này năm 2024, các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo đã buộc Thủ tướng lâu năm của Bangladesh, bà Sheikh Hasina, phải sang lưu vong tại Ấn Độ. Kể từ đó, chính quyền lâm thời đã có một số trì hoãn liên quan đến cải cách như đã hứa hẹn, làm gia tăng các cuộc biểu tình và chia rẽ chính trị.

Chủ tịch Chi nhánh Đại học Dhaka thuộc đảng Jatiyatabadi Chhatra Dal, ông Sahosh Chondro Roy phát biểu: “Sau ngày 5-8-2024, chúng tôi đã hy vọng và được đảm bảo rằng các cơ sở của chúng tôi - từ trường tiểu học đến trường đại học - sẽ thực sự thân thiện với sinh viên, nơi sinh viên có thể tập trung vào việc học và sự nghiệp của mình. Nhưng bất chấp những kỳ vọng đó, chúng tôi vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, đặc biệt là trong tuyển dụng việc làm. Chế độ trước đây đã áp đặt một hệ thống ngăn cản cơ hội cho những sinh viên bình thường như chúng tôi. Chính phủ không thể đáp ứng mong muốn của sinh viên, mà còn dung túng cho một đám đông và văn hóa phân biệt đối xử trong các cơ sở giáo dục”.

https://hanoimoi.vn/dung-do-bung-phat-trong-cuoc-bieu-tinh-tai-mien-nam-bangladesh-709315.html

Quỳnh Dương / Hà Nội Mới