Mỹ đóng băng tài khoản 1 tỷ USD của quân đội Myanmar

Trước những hành động trấn áp mạnh tay của chính quyền quân đội với người biểu tình, Bộ Thương mại Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Myanmar.

Hôm 4/3, Bộ Thương mại Mỹ áp đặt các hạn chế giao dịch đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và các tập đoàn quân sự MEC và MEHL của Myanmar. Các biện pháp hạn chế này có hiệu lực từ 8/3.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay, Washington sẽ có hành động tiếp theo để lên án trước tình trạng bạo lực gia tăng sau cuộc đảo chính ở Myanmar nhằm lật đổ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

Mỹ đóng băng tài khoản 1 tỷ USD của quân đội Myanmar - 1
Biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar ngày càng gia tăng. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, chính quyền quân sự của Myanmar đã cố gắng chuyển khoảng 1 tỷ USD được phong tỏa tại Ngân hàng dự trữ liên bang New York vài ngày sau khi thực hiện đảo chính, nắm quyền hôm 1/2. Các quan chức Mỹ đã đóng băng các khoản tiền đó vô thời hạn.

Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Myanmar được thực hiện trong bối biểu tình phản đối đảo chính tiếp diễn ở Myanmar, trong khi lực lượng an ninh nước này sử dụng các biện pháp mạnh tay đối phó với người biểu tình.

Theo các số liệu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, ít nhất 54 người thiệt mạng kể từ khi đảo chính nổ ra hôm 1/2 và hơn 1.700 người bị quân đội Myanmar bắt giữ một cách tùy tiện, các vụ bắt giữ tiếp tục gia tăng.

Giám sát viên vấn đề nhân quyền của Liên hợp quốc về Myanmar, Thomas Andrews, hối thúc giục Hội đồng Bảo an - cuộc họp dự kiến được tổ chức để thảo luận về tình hình Myanmar hôm 5/3, áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào chính quyền cầm quyền quân sự nước này.

Theo đó, ông Thomas Andrews cho rằng, các quốc gia nên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp dầu khí Myanmar, hiện do quân đội kiểm soát và là nguồn doanh thu lớn nhất của quân đội.

Hôm 22/2, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tướng Maung Maung Kyaw - Tư lệnh không quân Myanmar và tướng Moe Myint Tun - cựu Tham mưu trưởng lục quân và chỉ huy hoạt động đặc biệt của quân đội Myanmar. Đây là hai thành viên trong Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar.

Trước đó, Mỹ ban hành lệnh trừng phạt với 10 quan chức quân đội Myanmar chịu trách nhiệm vụ đảo chính hôm 1/2. Trong số này có Thống tướng Min Aung Hlaing - người hiện nắm quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp ở Myanmar và Bộ trưởng Quốc phòng Mya Tun Oo.

Theo lệnh trừng phạt của Washington, tài sản tại Mỹ của các quan chức quân đội Myanmar sẽ bị đóng băng, đồng thời họ cũng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Ít nhất 54 người thiệt mạng trong biểu tình ở Myanmar Ít nhất 54 người thiệt mạng trong biểu tình ở Myanmar

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar ngừng các cuộc đàn áp với những người biểu ...

/ vtc.vn