Chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper không giúp Mỹ "làm hòa" được với Triều Tiên hay cải thiện quan hệ Nhật - Hàn.
Ông chủ Lầu Năm Góc Esper vừa trở về Washington sau chuyến công du dài ngày nhiều nước châu Á, nhưng có vẻ như ông không gặt hái được những thành công như mong đợi trong các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên. Giới quan sát cho rằng những thách thức này nếu không được giải quyết nhanh chóng có thể gây nguy hại đến an ninh Mỹ và Hàn Quốc, một trong những đồng minh quan trọng nhất của nước này trong khu vực.
Vấn đề "hóc búa" nhất và được cho là có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhất là Bình Nhưỡng từ chối quay trở lại bàn đàm phán với Washington về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bất chấp những nỗ lực cải thiện tình hình gần đây.
Esper, cựu bộ trưởng Lục quân Mỹ, được phê chuẩn làm Bộ trưởng Quốc phòng hồi cuối tháng 7 và hầu như không có vai trò trực tiếp trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều được khởi động từ năm ngoái. Tuy nhiên, trong chuyến công du châu Á, Esper đã đưa ra một quyết định quan trọng với hy vọng thúc đẩy tiến trình đàm phán vốn đang đình trệ giữa hai bên.
Khi đang ở thăm thủ đô Bangkok của Thái Lan cuối tuần trước, Esper bất ngờ tuyên bố đình chỉ cuộc tập trận không quân chung Vigilant Ace dự kiến tổ chức với Hàn Quốc vào cuối tháng 12. Ông hy vọng quyết định này sẽ tạo thêm cơ hội cho tiến trình ngoại giao Mỹ - Triều được tiếp tục, bởi Bình Nhưỡng từ lâu đã lên án cuộc tập trận này là hành động khiêu khích.
Quyết định hoãn tập trận được Esper đưa ra bất chấp những lo ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ và Hàn Quốc, bởi ông kỳ vọng rằng hành động thể hiện thiện chí này sẽ "xoa dịu" và thuyết phục được Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.
Mark Esper tuyên bố hoãn tập trận chung cùng người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo trong cuộc họp báo ở Bangkok hôm 17/11. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã ngay lập tức "dội gáo nước lạnh" vào động thái nhượng bộ này của Esper. Quan chức cấp cao Triều Tiên Kim Yong-chol tuyên bố nếu Washington muốn nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, nước này cần xóa bỏ hoàn toàn cuộc tập trận và chấm dứt thái độ thù địch đối với Bình Nhưỡng.
Trả lời báo chí hôm 21/11, Esper không che giấu nỗi thất vọng về phản ứng của Triều Tiên. "Tuy nhiên, tôi không hối hận về lựa chọn đó và luôn mở rộng cánh cửa ngoại giao và hòa bình", ông nói.
Nguy cơ lớn nhất hiện nay chính là khả năng quan hệ Mỹ - Triều sau một thời gian được cải thiện sẽ quay lại mức độ căng thẳng như thời kỳ 2017, khi cả hai bên đều tung ra lời đe dọa chiến tranh nhắm vào nhau. Esper cũng thừa nhận rằng vào năm 2017, khi ông là Bộ trưởng Lục quân, "chúng tôi đã trên con đường hướng tới chiến tranh, tôi biết rất rõ điều đó vì lục quân đã có những động thái sẵn sàng".
Bruce Bennet, một chuyên gia phân tích về Triều Tiên của tổ chức tư vấn RAND Corp., cho rằng giữa Mỹ và Triều Tiên đang có sự "đứt đoạn ngoại giao" nguy hiểm.
"Triều Tiên không giải thích việc Mỹ chấm dứt 'chính sách thù địch' là gì ngoài việc kêu gọi Washington không được tiếp tục coi Bình Nhưỡng như kẻ thù", Bennett nói. "Hàng chục tuyên bố của Mỹ về việc họ không tìm cách lật đổ chế độ Triều Tiên không đáp ứng được yêu cầu này của Bình Nhưỡng".
Bennett nhận định rằng Triều Tiên nhiều khả năng chỉ thấy hài lòng nếu Mỹ rút toàn bộ 28.500 quân đồn trú ở Hàn Quốc và chấm dứt quan hệ đồng minh quốc phòng Mỹ - Hàn có từ sau chiến tranh 1950-1953 trên bán đảo.
Triều Tiên yêu cầu Mỹ đến cuối năm nay phải đưa ra cách tiếp cận mới có thể làm vừa lòng đôi bên nhằm nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Nhưng đến nay, khi chỉ còn hơn một tháng nữa là hết thời hạn này, Mỹ vẫn chưa thể xây dựng được một cơ chế đáp ứng yêu cầu này.
"Có thể họ đang đi theo một hướng hoàn toàn khác", Esper nói. "Nên tôi cho rằng chúng tôi sẽ phải tiến về phía trước, phải luôn thử mới biết được".
Trong khi chưa tìm được biện pháp cải thiện quan hệ với Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Esper lại tiếp tục đối mặt với một khó khăn khác, đó là cuộc đàm phán chi phí an ninh với đồng minh Hàn Quốc.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Hàn Quốc tăng mức chi từ một tỷ USD hiện nay lên 4,7 tỷ USD để duy trì hiện diện binh sĩ và vũ khí của Mỹ tại nước này nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Triều Tiên. Yêu cầu của Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Hàn Quốc.
Mặc dù Esper không phụ trách các cuộc đàm phán về chi phí an ninh này, ông cho biết tại Seoul hồi tuần trước rằng Hàn Quốc có đủ tiềm lực kinh tế để trang trải thêm các chi phí an ninh cho lực lượng quân sự Mỹ đồn trú.
Ông Esper tại thủ đô Manila của Philippines hôm 19/11. Ảnh: Reuters. |
Các cuộc đàm phán về chi phí an ninh do Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn đầu với đối tác Hàn Quốc đến nay đều thất bại. Seoul nhất quyết cho rằng Washington đang đưa ra một yêu cầu vô lý, khiến phái đoàn Mỹ bỏ về khi đang đang phán hôm 19/11.
Esper phủ nhận những thông tin cho rằng Mỹ đang đe dọa rút một phần lực lượng khỏi Hàn Quốc nếu Seoul không đáp ứng yêu cầu tăng chi phí an ninh. "Chúng tôi không đe dọa đồng minh về vấn đề này", ông nói.
Vấn đề thứ ba Esper gặp phải ở Seoul chính là rạn nứt trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ ở Đông Á. Seoul tuyên bố rằng Hàn Quốc trong tuần này sẽ rút khỏi Hiệp định Chia sẻ Thông tin Tình báo Quân sự (GSOMIA) có hiệu lực từ năm 2016 và được gia hạn thường niên, bất chấp Mỹ kêu gọi hai bên giải quyết mâu thuẫn.
Tại Seoul, Esper khẳng định với người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc trong nhiều cuộc họp rằng mâu thuẫn giữa hai nước chỉ đem lại lợi ích cho Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy nhiên, lời nói của ông dường như không thay đổi được cục diện, khi cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều quyết không nhượng bộ.
Quan hệ Seoul - Tokyo đã xấu đi từ năm 2018, khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc một công ty Nhật Bản phải bồi thường cho người lao động cưỡng bức từ Thế chiến II. Kể từ đó, hai nước liên tục có những đòn đáp trả thương mại khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng.
Quốc Hưng (Theo AP)