Mỹ tuyên bố thành lập được liên minh ở vùng Vịnh với 5 nước châu Âu. Đức đã lên tiếng tham gia vào quá trình này.
Ngày 24/7, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Mỹ đã có lời xác nhận của một số quốc gia châu Âu để thành lập liên minh bảo vệ an ninh hàng hải ở eo biển Hormuz (vùng Vịnh) trước mối đe dọa từ Iran.
Bao gồm cả Mỹ, liên minh này sẽ có 6 nước là Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Hà Lan, Đan Mạch. Các quốc gia này đang lên kế hoạch bổ sung tàu chiến đến vùng Vịnh còn Lầu Năm Góc đã gửi đi bản lộ trình hoạt động cụ thể cho hoạt động của nhóm tàu chiến đồng minh.
Ngày 25/7, phía Đức cũng đã lên tiếng chính thức về khả năng tham gia vào liên minh này. Theo đó, Đức có thể sẽ sát cánh cùng liên quân này để bảo vệ tàu thương mại và an ninh hàng hải ở đây.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Berlin quan tâm tới việc tham gia vào sứ mệnh bảo vệ tàu thương mại, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng hiện chưa phải thời điểm thích hợp để nói liệu Berlin có phái tàu chiến của mình đến khu vực này hay không.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer |
"Quan điểm của Đức là không chấp nhận cho những hành động gây tổn hại đến tự do hàng hải. Tuy nhiên mọi hoạt động quân sự ở hải ngoại đều phải có sự phê chuẩn của Quốc hội. Vì thế thời điểm này còn quá sớm để khẳng định Đức có gửi tàu chiến để tham gia vào liên minh này hay không" - Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm, bà Annegret Kramp-Karrenbauer cũng khẳng định trên Reuters rằng Đức chưa có ý định hành động quân sự vào thời điểm này:
"Đây là thời khắc dành cho các nỗ lực ngoại giao. Việc Đức gửi quân đi hay không hiện tại không phải là chủ đề của các cuộc đối thoại giữa chúng tôi với Pháp hay Anh. Chúng tôi tôn trọng quan điểm của EU đưa ra và không muốn tăng thêm áp lực cho khu vực vốn đã như thùng thuốc súng này".
Như vậy, quan điểm của Đức đến thời điểm này không có nhiều thay đổi, mặc dù họ đã lên tiếng chấp thuận liên minh của Mỹ - một quốc gia đồng minh lâu năm. Bởi lẽ, hiện tại căng thẳng ở vùng Vịnh đang tác động đến nền kinh tế Đức theo một hướng khác. Berlin không phải là đối tác quan trọng của Tehran và các chính quyền khác trong vùng Vịnh về năng lượng. Nguồn cung chính của Đức đến từ dầu và khí đốt của Nga với quãng đường ngắn hơn, chi phí vận chuyển và bảo hiểm thấp hơn. Điều này đảm bảo chi phí cho nặng lượng của Đức rẻ đi.
Trong khi đó, Mỹ gây căng thẳng ở vùng Vịnh khiến giá dầu tăng cao, và nghiêm nhiên Đức bị tác động bởi việc tăng giá dầu này. Gửi thêm tàu chiến đến vùng Vịnh, tất nhiên Đức trực tiếp đổ thêm dầu vào lửa và giá dầu không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tàu chở dầu Stena Impero ở gần eo biển Hormuz trước khi bị Iran bắt giữ |
Một câu chuyện khác cần bàn tới trong vấn đề này, đó là sự xuất hiện của Pháp ở "liên minh kìm chế Iran". Paris luôn khẳng định với Đức và Nga về việc tôn trọng JCPOA, đảm bảo an ninh và đối thoại ở vùng Vịnh. Nhưng họ tuyên bố sẽ tham gia vào liên minh này và gửi tàu chiến đến vịnh Ba Tư.
Đây thực chất là hành động bảo vệ lợi ích của chính nước Pháp. Các tập đoàn của Pháp đang có lợi ích khổng lồ ở các mỏ dầu tại Syria và Iraq. Paris là thành viên tích cực bậc nhất sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố IS ở 2 quốc gia Trung Đông này.
Đổi lại, các tập đoàn của Pháp đang thâu tóm một loạt mỏ dầu ở phía Đông Syria, hiện đang bị kiểm soát từ lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Ngoài ra, một số mỏ dầu trọng điểm phía Nam và Đông Nam Iraq đã bị tập đoàn Pháp đấu thầu thâu tóm. Vịnh Ba Tư và eo Hormuz là con đường huyết mạch cho dòng chảy lợi ích năng lượng của Pháp ở khu vực này.
Và tất nhiên, việc Paris chấp thuận gửi tàu quân sự đến khu vực là điều giúp họ lợi đơn lợi kép. Đảm bảo an ninh cho những tàu chở dầu treo cờ Pháp và không đẩy mình vào thế đối đầu căng thẳng với Mỹ.
Về phía Iran, một mặt, nước này tỏ thái độ cứng rắn với đối phương, bao gồm cả Mỹ, Anh... tuy nhiên họ vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán, không tham gia vào các hoạt động leo thang xung đột và luôn nhất quán quan điểm "không muốn căng thẳng với bất kỳ quốc gia nào".
Động thái mới nhất, Iran đã chủ động đề nghị Anh trao đổi tàu dầu. Theo đó, Tehran trao trả tàu dầu Stena Impero, ngược lại, London trả lại tàu Grace 1 và mọi xung đột được hóa giải.
Trong khi đó, Mỹ lại đột ngột có những ứng xử đầy tính ngoại giao. Khi được hỏi liệu có sẵn lòng tới thủ đô Tehran của Iran hay không, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: "Tôi sẽ vui mừng tới đó. Tôi luôn hoan nghênh cơ hội được đối thoại trực tiếp với người Iran". Tất nhiên, nếu Mỹ vẫn giữ quan điểm Tehran phải từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, viễn cảnh đó là khó có thể xảy ra.
Tóm lại, căng thẳng ở Vùng Vịnh có thể sẽ không sớm hạ nhiệt. Tuy nhiên, các bên liên quan dường như đều ý thức rằng, khơi dậy một lò lửa chiến tranh ở khu vực này sẽ có thể lợi bất cập hại.
Ngoại trưởng Mỹ sẵn sàng tới Iran đàm phán Ngoại trưởng Pompeo hôm 25/7 nói sẵn lòng đối thoại với Tehran, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran vẫn ở mức cao. |
Những sự cố có thể châm ngòi xung đột quân sự Mỹ - Iran Các đợt tấn công nhỏ lẻ của dân quân thân Iran và lực lượng Mỹ - Iran hoạt động gần nhau có thể khiến chiến ... |
Iran yêu cầu Mỹ trưng bằng chứng bắn hạ UAV Iran cho rằng tuyên bố của Mỹ về việc bắn hạ hai UAV nước này trên eo biển Hormuz là không thuyết phục nếu Washington ... |
Iran dọa tiếp tục bắn hạ trinh sát cơ Mỹ Tổng thống Iran hôm nay cảnh báo sẽ tiêu diệt máy bay Mỹ cố tình xâm phạm không phận nước này, nhưng tỏ ý không ... |