Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có văn bản hoả tốc đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện các khối lượng công việc còn lại của 5 gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (tuyến số 41, 42, 43, 44, 45) sau khi hoàn thành quyết định chấm dứt hợp đồng thầu với Công ty TNHH Bắc Hà.
Theo Sở GTVT Hà Nội, các tuyến buýt trên sẽ kết thúc hợp đồng thầu cũ với Công ty Bắc Hà từ 1/8/2022, vì vậy để đảm bảo các tuyến buýt được vận hành liên tục không bị gián đoạn, ảnh hưởng nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân cũng như chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố, công tác lựa chọn nhà thầu đối với 5 tuyến buýt này phải thực hiện xong trước 31/7/2022 để đơn vị trúng thầu có thời gian chuẩn bị phương án thực hiện hợp đồng mới từ ngày 1/8.
Do đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phê duyệt. Thông tin cụ thể về các gói thầu, Trung tâm Quản lý GTCC Hà Nội (Tramoc), 5 tuyến buýt số 41,42, 43, 44, 45 có hợp đồng gói thầu là 5 năm (60 tháng), thời gian thực hiện đến ngày 1/8/2022. Năm tuyến buýt trong 5 năm thực hiện theo hợp đồng có giá trị hơn 298 tỷ đồng, giá trị hợp đồng đến hết ngày 31/7/2022, 5 tuyến buýt đạt doanh thu bán vé hơn 42 tỷ, chi phí vận hành hơn 172 tỷ, trợ giá hơn 130 tỷ.
Giá trị theo hợp đồng gói thầu còn lại của các gói thầu tính từ 1/8 tới đây khi Công ty Bắc Hà ngừng hoạt động cho thấy: Đối với giá trị theo hợp đồng gói thầu, doanh thu của 5 tuyến buýt là hơn 97 tỷ, trong đó chi phí vận hành hơn 395 tỷ đồng, trợ giá hơn 298 tỷ đồng. Giá trị còn lại tính từ 1/8: Doanh thu hơn 54 tỷ, chi phí vận hành 223 tỷ, trợ giá hơn 168 tỷ, tương đương giá trị hợp đồng còn lại là 56,4%.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đề xuất 2 phương án xử lý khi Công ty Bắc Hà xin bỏ loạt tuyến buýt. Theo đó, cả 2 phương án này đều phải tiến hành thủ tục trình UBND thành phố cho phép chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà để xem xét phương án lựa chọn đơn vị thực hiện phân khối lượng còn lại.
Phương án 1 có ưu điểm là thay thế, lựa chọn ngay được nhà thầu để thực hiện khối lượng còn lại, duy trì liên tục hoạt động của các tuyến buýt, không gây xáo trộn về hoạt động đi lại của người dân, thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp nhận, kế thừa khoảng 200 người lao động có khả năng mất việc làm đối với đơn vị được chỉ định thay thế. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là nhà thầu được lựa chọn thay thế thực hiện có ít thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu về phương tiện, nhân lực thực hiện.
Phương án 2 có ưu điểm không bị áp lực về thời gian khi tổ chức lựa chọn nhà thầu. Song phương án này có nhiều nhược điểm lớn khi phải tạm dừng hoạt động các tuyến buýt trong khoảng thời gian nhất định để tổ chức lựa chọn nhà thầu khác (từ 6 - 9 tháng). Việc vận hành tuyến không liên tục gây xáo trộn hoạt động đi lại của người dân, khó khăn cho việc kế thừa lao động, người lao động có nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…
Liên quan đến việc đơn vị buýt khó khăn về kinh tế nên phải xin trả lại 5 tuyến buýt, không ít người đặt ra câu hỏi, liệu có việc thành phố thanh toán chậm và doanh nghiệp buýt phải tự xoay xở tiền để cầm cự qua ngày hay không? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, không có chuyện thành phố chậm chi trả thanh toán cho các tuyến xe buýt này.
https://cand.com.vn/Giao-thong/khi-nao-se-chon-duoc-nha-thau-xe-buyt-moi--i662319/