Khaisilk bán khăn Trung Quốc: ĐBQH hỏi khó

Lực lượng chức năng đã ở đâu, làm gì trong suốt nhiều chục năm qua để một thương hiệu quốc gia làm ăn gian dối mà không phát hiện ra?

Quốc hội sẽ thảo luận

Liên quan tới thương hiệu Khaisilk bán lụa Trung Quốc, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu quan điểm, trong cơ chế hội nhập thị trường việc doanh nghiệp nhập nhiều mặt hàng, của nhiều nước về kinh doanh là chuyện rất bình thường.

Ông Hoàng Khải với những phát ngôn về đạo đức kinh doanh

Tuy nhiên, điều bất bình thường ở chỗ, Khaisilk là một thương hiệu lớn như thế mà chủ thương hiệu đã lên tiếng thừa nhận có nhập hàng Trung Quốc từ hàng chục năm nay. Vậy lực lượng chức năng đã ở đâu, làm gì trong suốt nhiều chục năm qua để một thương hiệu quốc gia làm ăn gian dối mà không phát hiện ra?

Vị đại biểu cho biết, qua diễn biến của vụ việc hoàn toàn có thể đặt nghi vấn có dấu hiệu tiếp tay, bao che của cơ quan quản lý trường cho thương hiệu này lừa dối khách hàng để trục lợi trong suốt thời gian dài.

"Cơ quan quản lý đã làm hết trách nhiệm của mình chưa hay có sự tiếp tay, làm ngơ nên mới không phát hiện ra vụ việc nghiêm trọng như vậy?", ông Thắng đặt câu hỏi.

Dù thừa nhận, đối với một mặt hàng thủ công, lại được chủ doanh nghiệp che giấu, làm gian dối có chủ đích thì để phát hiện, xử lý được cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông nói rõ, không vì lý do đó mà có thể bỏ qua trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường, trách nhiệm của ngành công thương.

Qua đây có thể thấy rõ năng lực của ngành công thương, ngành quản lý thị trường còn quá hạn chế, yếu kém. Trong quá trình quản lý, thanh tra, kiểm tra còn thụ động, chủ yếu các vụ việc sai phạm đều được phát hiện nhờ khách hàng tố cáo, phản ánh chứ không phải do cơ quan quản lý phát hiện ra.

Vị đại biểu đoàn Vĩnh Long nhấn mạnh, vụ việc đã làm ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt.

Sự việc gây nhiều chú ý không phải do Khaisilk mắc những sai phạm đơn thuần về kinh tế, mà Khaisilk lại nhân danh thương hiệu quốc gia trục lợi dựa trên niềm tin của người tiêu dùng.

"Đây chính là một ví dụ cụ thể để Quốc hội trao đổi, thảo luận về những bất cập trong công tác quản lý thị trường khiến người tiêu dùng luôn chịu thiệt", ông Thắng nói.

Theo đó, ông Thắng cho rằng, cần phải xem xét lại:

"Một là quy trình thanh tra, kiểm tra trong quản lý đã phù hợp, chặt chẽ, khả thi chưa? Làm sao bằng quy trình đó có thể phát hiện, ngăn chặn được những vụ việc lừa dối khách hàng, nhập hàng Trung Quốc gắn mác sản phẩm truyền thống quốc gia để trục lợi của Khaisilk?

Thứ hai là phải xem xét rõ trách nhiệm, năng lực của những con người đứng trong đội ngũ quản lý thị trường. Cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm người cán bộ, lãnh đạo thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm của doanh nghiệp này?

Cuối cùng, từ câu chuyện của Khaisilk đã đặt ra vấn đề về quản lý một thương hiệu, một mặt hàng. Chính những người trong nghề đã lên tiếng nói thẳng hiện trên thị trường chỉ có khoảng 10% lụa Việt, 90% lụa Trung Quốc. Hơn nữa, hiện tượng làm ăn gian dối, nhập hàng Trung Quốc rồi bán ra với cái mác Made in Việt Nam không chỉ có Khaisilk mà còn nhiều Khaisilk khác là một bất cập lớn.

Điều này cho thấy, quy mô, tính chất vụ việc đã vượt khỏi phạm vi mang tính cá thể và nó đã trở thành phổ biến với quy mô rộng lớn, bao phủ gần như 100% thị trường. Đây rõ ràng do công tác quản lý thị trường làm ăn quá lỏng lẻo, khiến khách hàng phải chịu thiệt. Do đó, yêu cầu phải xem xét lại trách nhiệm, năng lực của cơ quan quản lý trong trường hợp này là rất cần thiết ", ông Thắng đề nghị.

Sai tới đâu xử lý tới đó

ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cũng cho rằng để một thương hiệu lớn lừa dối khách hàng trong suốt thời gian dài như vậy rõ ràng cơ quan quản lý thị trường đã chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Ông Tuấn nhấn mạnh, ngoài vấn đề về đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp thì còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cụ thể là cơ quan quản lý thị trường và Bộ Công thương.

"Cơ quan quản lý cần trả lời được vì sao lại để một thương hiệu lớn dễ dàng qua mặt được người tiêu dùng, qua mặt cơ quan quản lý một cách dễ dàng như vậy?

Các cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc điều tra làm rõ có hay không chuyện bao che, tiếp tay? Nếu có dấu hiệu bao che, tiếp tay phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật", ông Tuấn nhấn mạnh.

Liên quan tới vụ việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Hà Nội.

Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Ông Tuấn nói rõ, Khaisilk có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như nền tảng đạo đức doanh nghiệp.

Từ vụ Khaisilk buôn lụa, bán phở: Nghèo nàn ý tưởng khởi nghiệp

Nhìn lại quá trình khởi nghiệp, kinh doanh của doanh nhân Hoàng Khải (Khai Silk), thấy nổi bật nét yếu kém phổ biến của doanh ...

Vụ Khaisilk: Sao chỉ là “việc của hai bên”? Sao lại “đừng có tranh luận” nữa...?

Đó là những lời từ ông Chi cục trưởng Chi cục Quản lí thị trường Hà Nội, khiến dư luận đang sôi bỏng trong vụ ...

Vụ Khaisilk: Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Cục Quản lý thị trường đang làm gì?

Câu hỏi đặt ra sau vụ Khaisilk mua khăn Trung Quốc gắn mác Made in Vietnam bán cho người tiêu dùng chính là vai trò ...

(http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/khaisilk-ban-khan-trung-quoc-dbqh-hoi-kho-3346352/)

/ Theo Thái An/Đất Việt