Khác biệt trong hai lần xem xét bãi nhiệm Trump

Trump lần thứ hai trong 13 tháng bị Hạ viện Mỹ xem xét bãi nhiệm, nhưng lần này, ông có thể bị luận tội khi đã rời nhiệm sở.

Quy trình xem xét bãi nhiệm được quy định trong Hiến pháp Mỹ tương đối đơn giản: khi Tổng thống phạm "trọng tội hoặc sai phạm khác", Hạ viện bỏ phiếu để xem xét bãi nhiệm, Thượng viện tiến hành xét xử. Quy trình không thay đổi, nhưng mỗi lần xem xét bãi nhiệm sẽ không giống nhau.

Hạ viện đang đẩy nhanh quá trình luận tội sau khi cáo buộc Tổng thống kích động bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1. Zachary B. Wolf, biên tập viên của CNN, nhận định nỗ lực xem xét bãi nhiệm Trump lần thứ hai sẽ tương đối khác với lần đầu năm 2019, liên quan tới cuộc điều tra Ukraine.

Hiến pháp Mỹ quy định tổng thống, phó tổng thống và tất cả quan chức chính phủ đều có thể bị xem xét bãi nhiệm và kết tội phản quốc, hối lộ, hoặc các trọng tội và sai phạm.

Trong lần xem xét bãi nhiệm đầu tiên, tranh cãi đã nổ ra về việc hành vi Trump gây sức ép với Tổng thống Ukraine có được xếp vào mục trọng tội hoặc sai phạm, hay đây chỉ đơn giản là một phần trong chính sách đối ngoại của ông.

Nhưng lần này, điều khoản luận tội được các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện đưa ra mang tính rõ ràng và quyết liệt hơn, khi họ cáo buộc Trump kích động bạo loạn chống chính phủ và liệt hành vi này vào nhóm "trọng tội và sai phạm". Cáo buộc này được cho là mang tính thuyết phục hơn so với ý kiến cho rằng Trump phạm tội phản quốc liên quan đến vụ bạo loạn tại quốc hội hôm 6/1.

4456 trump 12 1 3485 1610537240
Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng ngày 13/11. Ảnh: AFP.

Điều khoản xem xét bãi nhiệm của Hạ viện nêu rõ Trump đã kích động những người ủng hộ bằng cách liên tục bác bỏ kết quả bầu cử trước cuộc kiểm phiếu đại cử tri, gây áp lực cho Tổng thư ký bang Georgia để "tìm phiếu", "gây nguy hiểm cho an ninh Mỹ và các thể chế của chính phủ", "đe dọa tính toàn vẹn của hệ thống dân chủ, can thiệp quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình và gây trở ngại cho một chính quyền mới".

Hiến pháp Mỹ nêu rõ Hạ viện là bên duy nhất có quyền xem xét bãi nhiệm tổng thống. Trong nỗ lực lần đầu năm 2019, Hạ viện mất 86 ngày để thúc đẩy quá trình xem xét bãi nhiệm Trump, nhưng lần này, thời gian để họ đưa ra điều khoản luận tội chỉ là một tuần.

Hồi năm 2019, các bằng chứng về việc Trump gây áp lực đối với Tổng thống Ukraine được rò rỉ từng chút một trong nhiều tuần, cho đến khi Hạ viện lôi kéo đủ sự ủng hộ để khởi động tiến trình xem xét bãi nhiệm Trump. Còn lần này, các nhà điều tra của phe Dân chủ tại Hạ viện không phải tốn quá nhiều công sức tìm bằng chứng, khi lời kêu gọi "kéo tới Đồi Capitol" của Trump trước đám đông biểu tình trong ngày 6/1 được phát công khai trên truyền hình.

Với thời gian tại nhiệm của Trump không còn nhiều, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết Trump có thể tránh khả năng bị xem xét bãi nhiệm nếu ông chấp nhận từ chức hoặc Phó tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án thứ 25 để truất quyền Tổng thống.

Khi hai lựa chọn này bị bỏ qua, các thành viên Dân chủ ở Hạ viện đã thúc đẩy tiến trình xem xét bãi nhiệm lần hai với Trump và lịch sử Mỹ nhiều khả năng sẽ lần đầu ghi nhận việc Thượng viện phải luận tội một tổng thống hết nhiệm kỳ.

Hiến pháp Mỹ cũng quy định Thượng viện là bên duy nhất có quyền xét xử các điều khoản luận tội và nó chỉ được thông qua nếu nhận được ủng hộ của ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ.

Năm 2019, Trump phải mất 48 ngày kể từ khi bị xem xét bãi nhiệm cho tới lúc được Thượng viện tha bổng vào ngày 5/2/2020. Quá trình bị kéo dài do vướng kỳ nghỉ lễ và phiên xét xử Trump ở Thượng viện chỉ thực sự được bắt đầu vào ngày 16/1 năm ngoái.

Biên tập viên Wolf nhận định khi điều khoản luận tội được trình lên Thượng viện, tiến trình xét xử cũng có thể bị gián đoạn, khi Thượng viện phải dành thời gian phê chuẩn các đề cử nội các của chính quyền Joe Biden, cũng như tập trung vào các quyết sách của tân tổng thống để ứng phó Covid-19 và cứu trợ người dân bị ảnh hưởng.

Hồi năm 2020, công việc của Thượng viện cơ bản bị đình trệ vì xem xét bãi nhiệm Trump. Tuy nhiên, Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số Thượng viện tương lai, hy vọng lần này họ vừa có thể xét xử luận tội, vừa tiến hành các công việc còn lại.

Trong trường hợp bị Thượng viện "kết tội", các tổng thống sẽ bị phế truất khỏi mọi chức vụ, đồng thời đảng của tổng thống cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý, theo quy định của Hiến pháp Mỹ.

Tuy nhiên, phiên tòa của Thượng viện nhiều khả năng chỉ được mở khi Trump đã trở thành cựu tổng thống. Điều này giúp ông tránh kịch bản bị truất quyền khi đương nhiệm, nhưng cũng coi như đóng lại cánh cửa tái tranh cử của ông vào năm 2024. Đồng thời, nó cũng có thể khiến Trump bị tước khoản lương hưu 200.000 USD mỗi năm cùng nhiều đặc quyền khác.

Ngoài ra, có nhiều thông tin cho rằng Trump đang cân nhắc việc tự ân xá cho bản thân cũng như người nhà trước khi mãn nhiệm. Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ nêu rõ tổng thống có quyền ban hành các lệnh ân xá và giảm án, ngoại trừ trường hợp xem xét bãi nhiệm. Nhiều cố vấn và cựu quan chức, trong đó có cựu bộ trưởng tư pháp William Barr, từng cảnh báo Trump rằng việc ông tự ân xá là "ý tưởng tồi".

Thanh Tâm (Theo CNN)

Trump bị xem xét bãi nhiệm lần hai Trump bị xem xét bãi nhiệm lần hai
Thượng viện Mỹ mở phiên tòa luận tội Trump sau lễ nhậm chức của Biden Thượng viện Mỹ mở phiên tòa luận tội Trump sau lễ nhậm chức của Biden

/ vnexpress.net