Chính trường Thái Lan giữa vòng xoáy mới

Trong vòng chưa đầy hai tuần, Thái Lan đã trải qua một loạt biến động chính trị gây chấn động, trong đó đỉnh điểm là việc Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra bị đình chỉ nhiệm vụ.

Việc này không chỉ làm lung lay quyền lực của chính phủ đương nhiệm, mà còn phản ánh sự bất ổn đã kéo dài nhiều năm tại nước này, nguy cơ đưa chính trường Thái Lan vào vòng xoáy mới.

thai-lan.jpg
Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã tạm đình chỉ nhiệm vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, ngày 1-7.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 1-7 đã tạm đình chỉ nhiệm vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trong vòng 15 ngày, để điều tra cáo buộc nhà lãnh đạo này thiếu minh bạch và vi phạm chuẩn mực đạo đức liên quan đến cuộc điện đàm bị rò rỉ thông tin với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen. Chính quyền Thái Lan hiện do Phó Thủ tướng Suriya Juangroongruangkit tạm quyền lãnh đạo.

Phát biểu trước báo giới sau diễn biến trên, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra tuyên bố chấp nhận quyết định của tòa án, song khẳng định sẽ tự bảo vệ mình trước tòa. Nhà lãnh đạo này cũng giải thích, cuộc điện đàm với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen xuất phát từ thiện chí vì lợi ích của đất nước. Ý định của bà hoàn toàn là nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự an toàn của binh sĩ Thái Lan, đồng thời kêu gọi những ai đã lắng nghe kỹ đoạn ghi âm bị rò rỉ hãy hiểu rằng bà không hề có ác ý.

Việc tạm đình chỉ nhiệm vụ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm ẩn chứa nhiều mâu thuẫn trên chính trường Thái Lan. Lúc này, nhiều lực lượng chính trị đã lên tiếng, đòi hỏi phế truất đương kim Thủ tướng Thái Lan. Các cuộc biểu tình lớn cũng nổ ra tại Bangkok với nhiều yêu sách.

Thị trường tài chính Thái Lan cũng phản ứng tức thì với những bất cập trong nền chính trị. Chỉ 3 ngày sau vụ rò rỉ ghi âm, chỉ số chứng khoán SET sụt giảm hơn 4%. Các nhà đầu tư quốc tế lo ngại không chỉ vì một đoạn băng, mà vì một Thái Lan với hệ thống chính trị quá mong manh. Ngân hàng Trung ương Thái Lan vừa quyết định duy trì lãi suất ở 1,75% nhưng cảnh báo có thể tiếp tục hạ chỉ số này nếu tình hình kinh tế trở nên tiêu cực hơn trong bối cảnh hiện nay. Việc Thái Lan - một trong những mắt xích kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới rơi vào bất ổn cũng khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo lắng. Bình luận về diễn biến hiện nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh bày tỏ hy vọng đối tác này sẽ duy trì ổn định và phát triển.

Theo giới quan sát, diễn biến mới kéo dài vòng xoáy mâu thuẫn gần hai thập kỷ giữa lực lượng dân túy và quân sự trong lịch sử chính trị Thái Lan. Nhà nghiên cứu chính trị Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn (Bangkok) nhận định, việc duy trì được quyền lực sẽ là thách thức lớn trước mắt. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng, nhất là khi Đảng Pheu Thai hiện chỉ chiếm đa số sít sao trong Quốc hội gồm 495 thành viên của Thái Lan. Sự không đồng hành của một số đối tác - như Bhumjaithai, đảng lớn thứ hai trong liên minh - có thể khiến cán cân quyền lực dễ dàng bị xoay chuyển.

Một số lối thoát khả thi được nêu ra như: Đảng Pheu Thai chọn lãnh đạo mới để tránh rơi vào vòng xoay tiếp theo của khủng hoảng; Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra tự giải tán Quốc hội, tổ chức bầu cử sớm vào năm 2026, qua đó phục hồi niềm tin và bảo đảm tính chính danh. Trong tình huống xấu nhất, Thái Lan có thể lại đối mặt với một cuộc đảo chính quân sự, đặc biệt là nếu tòa án và quân đội không thể kiểm soát tình hình bằng pháp luật.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia chính trị Thái Lan, Đảng Pheu Thai cũng cần sớm thực hiện một chiến lược khôi phục niềm tin một cách bài bản, bền vững và đa chiều thông qua một số bước chiến lược như minh bạch và nhất quán trong chính sách; chứng minh rằng họ ưu tiên lợi ích quốc gia và người dân hơn là thỏa hiệp chính trị. Pheu Thai cũng cần triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế, phúc lợi và có kết quả rõ ràng; đồng thời kết nối lại với giới trẻ và lực lượng ủng hộ bằng cách tăng cường đối thoại, cải cách nội bộ.

Cho dù chính trường Thái Lan đang trải qua giai đoạn bất ổn, nhưng vẫn còn những tia hy vọng trong trung và dài hạn nếu các lực lượng chính trị đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Từ đó, tận dụng khủng hoảng để thúc đẩy cải cách thể chế, biến khủng hoảng thành bước ngoặt để xứ sở Chùa Vàng thoát khỏi chu kỳ bất ổn kéo dài.

Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đặt trọng tâm vào hàng loạt cải cách nhằm vực dậy nền kinh tế và hiện đại hóa quốc gia, như chương trình “ví điện tử 10.000 baht” nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhỏ. Nhà lãnh đạo này cũng muốn thúc đẩy việc hợp pháp hóa các khu phức hợp giải trí có casino, kỳ vọng tạo động lực cho du lịch và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, những cải cách thể hiện mong muốn chuyển mình toàn diện của Thái Lan trong thập kỷ mới này chỉ có thể được hiện thực hóa với một nền chính trị ổn định.

https://hanoimoi.vn/chinh-truong-thai-lan-giua-vong-xoay-moi-707870.html

Hoàng Linh (Theo The Guardian, Bangkok Post) / Hà Nội Mới