Ông del Rosario bị Hong Kong từ chối cho nhập cảnh và trục xuất khỏi đặc khu, một ngày sau khi có bình luận tiêu cực về Trung Quốc đại lục.
Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. Ảnh: UNTV.
Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario sớm nay đáp chuyến bay của Cathay Pacific tới Hong Kong. Ông xuất trình hộ chiếu ngoại giao Philippines ở cửa kiểm soát xuất nhập cảnh nhưng lại bị đưa đến khu vực nhập cảnh dành cho người nhập cư và bị giữ ở đây gần ba tiếng rưỡi.
"Ông ấy bị từ chối nhập cảnh và bị trục xuất", Anne Marie Corominas, luật sư của del Rosario nói và cho biết thêm các nhà chức trách Hong Kong không đưa ra bất cứ lý do nào về việc từ chối cho thân chủ nhập cảnh. Rosario sau đó phải lên máy bay trở về Philippines.
Truyền thông Philippines dẫn lời del Rorasio cho rằng nhà chức trách Hong Kong đã vi phạm công ước quốc tế về ngoại giao trong trường hợp của ông và ông vẫn chưa nhận được đầy đủ thông tin về sự việc.
Giới chức phụ trách xuất nhập cảnh Hong Kong hiện chưa đưa ra bình luận. Cơ quan này thường xuyên từ chối bình luận các trường hợp liên quan đến cá nhân.
Việc cựu ngoại trưởng Philippines bị từ chối nhập cảnh Hong Kong diễn ra chỉ một ngày sau khi ông del Rosario bình luận Trung Quốc "không đáng tin" vì đâm chìm một tàu cá Philippines trên Biển Đông.
Trung Quốc trước đó đã thừa nhận tàu cá Yuemaobinyu 42212 của họ đâm chìm tàu Gemvir-1 chở 22 thuyền viên Philippines tại bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đêm 9/6, nhưng khẳng định đây chỉ là tai nạn. Tuy nhiên, nhiều quan chức và dư luận Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc đã cố tình bỏ chạy sau khi đâm chìm tàu cá này.
Tổng thống Duterte gọi sự cố trên là "tai nạn hàng hải" và không có ý định triệu đại sứ Trung Quốc bởi ông cảm thấy Bắc Kinh "đã làm những gì cần làm". Phản ứng mềm mỏng của Duterte vấp phải chỉ trích của nhiều nghị sĩ đối lập.
Vụ trục xuất del Rosario cũng diễn ra vào thời điểm hàng nghìn người Hong Kong vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối dự luật sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự", cho phép bàn giao nghi phạm ở Hong Kong đến quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.
Nhiều người Hong Kong lo ngại rằng dự luật sửa đổi được thông qua có thể làm ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục ở đặc khu này gia tăng, đồng thời khiến họ bị điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật khác. Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được quyền duy trì một hệ thống pháp lý riêng biệt, độc lập với đại lục.
Cựu ngoại trưởng Rosario được biết đến là người duy trì đường lối ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc trong thời gian tại nhiệm. Ông chính là người đề xuất đưa vụ tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài quốc tế năm 2013.
Tòa án có trụ sở ở The Hague sau đó đã đưa ra phán quyết có lợi cho Manila, khẳng định các yêu sách của Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế. Hồi tháng 3, Rosario đệ đơn khiếu nại lên Tòa án hình sự quốc tế, cáo buộc chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì hủy hoại môi trường do các hoạt động xây dựng trái phép mà nước này tiến hành ở Biển Đông.
Người Hong Kong tiếp tục biểu tình đòi trưởng đặc khu từ chức
Đoàn người biểu tình kéo tới tổng hành dinh cảnh sát Hong Kong đòi thả người bị bắt và muốn bà Carrie Lam từ chức. |
Hong Kong xem xét cấp máy tính bảng cho phạm nhân
Cục Cải huấn Hong Kong cho rằng máy tính bảng sẽ giúp phạm nhân kết nối với thế giới công nghệ để mau chóng tái ... |
Tam đại ác nhân màn ảnh Hong Kong đều qua đời trong nghèo khó
Lý Triệu Cơ, Thành Khuê An, Hà Gia Câu đều có cuộc sống vất vả, suy sụp trước khi qua đời. |
Sau biểu tình lịch sử, lãnh đạo Hong Kong 'chân thành xin lỗi'
Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói rằng bà "chân thành xin lỗi" người Hong Kong sau những tranh cãi liên quan ... |