Đoàn người biểu tình kéo tới tổng hành dinh cảnh sát Hong Kong đòi thả người bị bắt và muốn bà Carrie Lam từ chức.
Người biểu tình tập trung trước trụ sở cảnh sát Hong Kong ngày 21/6. Ảnh: AFP. |
Hàng nghìn người mặc áo đen, đeo khẩu trang sáng nay tập trung bên ngoài tổng hành dinh sở cảnh sát Hong Kong trong cái nắng oi bức, hô khẩu hiệu đòi trả tự do cho những người biểu tình bị cảnh sát bắt trong cuộc đụng độ hồi tuần trước. Một số người biểu tình thậm chí gỡ bỏ rào chắn để tiến sâu vào khu vực trụ sở cảnh sát, bất chấp nỗ lực ngăn dòng người biểu tình của lực lượng này.
Ngoài việc tố cáo cảnh sát có hành vi bạo lực với người biểu tình, những người này còn ra yêu sách đòi trưởng đặc khu Carrie Lam phải hủy bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi và từ chức.
"Chính quyền vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của chúng tôi sau rất nhiều ngày, nên chúng tôi phải xuống đường để nói với họ rằng người dân sẽ không chấp nhận những phản hồi dối trá như vậy", Poyee Chan, 28 tuổi, nói.
Động thái được xem là gây thêm áp lực lên chính quyền Hong Kong, sau khi bà Lam tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 18/6 rằng sẽ tiếp tục hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự", cho phép bàn giao nghi phạm ở Hong Kong đến quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.
Tại họp báo, bà Lam gửi lời xin lỗi tới toàn thể người dân Hong Kong, nhưng không tuyên bố từ chức và bày tỏ mong muốn "tiếp tục làm việc hết sức mình trong ba năm tới để đáp ứng những nguyện vọng của người dân Hong Kong".
Người Hong Kong đeo khẩu trang, mặt nạ chống độc và mũ bảo hiểm tham gia biểu tình sáng nay. Ảnh: AFP. |
Hong Kong chứng kiến các cuộc biểu tình quy mô lớn vào hai ngày 9/6 và 12/6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi. Đụng độ nổ ra sau đó giữa người biểu tình và cảnh sát đã khiến hàng chục người bị thương và ít nhất 32 người bị bắt, trong đó có 5 người bị truy tố tội gây bạo loạn, tội danh có thể bị kết án tới 10 năm tù.
Nhiều người Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ bởi lo ngại rằng nếu được thông qua, nó có thể làm ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục ở đặc khu này gia tăng, đồng thời khiến họ bị điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật khác. Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được quyền duy trì một hệ thống pháp lý riêng biệt, độc lập với đại lục.
Mai Lâm (Theo AFP)
Sau biểu tình lịch sử, lãnh đạo Hong Kong 'chân thành xin lỗi'
Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói rằng bà "chân thành xin lỗi" người Hong Kong sau những tranh cãi liên quan ... |