Hội nhập kinh tế Á - Âu để trở thành một trung tâm trong thế giới đa cực

Trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị leo thang trên thế giới, hợp tác kinh tế Á - Âu theo hướng tăng cường cam kết hội nhập đang nổi lên như một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo tính bền vững, tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.

Bước ngoặt trong không gian đại Á - Âu

Diễn đàn kinh tế Á - Âu lần thứ hai vừa được tổ chức trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) của Nga. Mục đích là để cải thiện mối quan hệ hợp tác trong không gian Á - Âu theo phương châm “Hội nhập Á - Âu trong một thế giới đa cực”. Phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng, việc thành lập EAEU là một bước ngoặt, liên minh đã hoàn tất quá trình định hình và đang dần nổi lên như một tổ chức quốc tế quan trọng, có uy tín trên toàn cầu.

Hội nhập kinh tế Á - Âu để trở thành một trung tâm trong thế giới đa cực  ảnh 1

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế Á-Âu lần thứ hai

EAEU do các nhà lãnh đạo Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus và Cộng hòa Kazakhstan thành lập ngày 29-5-2014. Năm 2015, EAEU có thêm 2 thành viên nữa là Armenia và Kyrgyzstan. Ưu tiên hàng đầu của EAEU một chính sách thống nhất trong lĩnh vực thương mại, kinh tế, tài chính và thuế nhằm hướng tới mục tiêu là đạt hiệu quả hội nhập kinh tế tối đa.

Dù chỉ là một tổ chức hội nhập trẻ nhưng ngay từ khi mới ra đời, EAEU đã tỏ rõ triển vọng của một mối liên kết nhiều tiềm năng. Là một thị trường rộng lớn có diện tích tự nhiên 20 triệu km2 với khoảng 175 triệu dân, EAEU có tổng GDP trên 2.000 tỷ USD, chiếm tới 85% GDP của tất cả các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Đây cũng là một thị trường mới mở cửa, có tốc độ tăng trưởng ổn định. Năm 2021, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa các thành viên EAEU đạt mức cao lịch sử là 72,6 tỷ USD.

Trong khuôn khổ EAEU, một lộ trình công nghiệp hóa đã được hình thành. Hiện nay, đã có hơn 180 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ USD. Một chương trình phát triển ngành nông nghiệp cũng đã được chuẩn bị, bao gồm hơn 170 dự án trị giá 16 tỷ USD. Theo các chuyên gia kinh tế, Nga, Belarus và Kazakhstan có ngành công nghiệp phát triển, tiềm năng mạnh mẽ về nhân lực và văn hóa. Còn vị trí địa lý chiến lược thì cho phép Nga, Belarus và Kazakhstan thành lập những tuyến đường vận chuyển hậu cần thuận lợi, không chỉ mang ý nghĩa khu vực mà cả trên toàn cầu, kết nối về mình những dòng chảy thương mại lớn của châu Âu và châu Á.

Sau gần một thập kỷ phát triển, EAEU đang hướng tới mục tiêu cao hơn. Tại hội nghị thượng đỉnh EAEU diễn ra hôm 25-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố EAEU ngày càng được củng cố thành một trong những trung tâm độc lập và tự chủ của thế giới đa cực đang hình thành. Ông Putin nhấn mạnh hợp tác giữa các nước EAEU luôn xây dựng trên các nguyên tắc cùng có lợi, tính đến lợi ích của nhau và hướng tới đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, gia tăng phúc lợi của người dân tất cả các nước trong khối.

Không chỉ tăng cường hợp tác nội khối, EAEU còn hướng tới mở rộng liên kết với các tổ chức đa phương khác như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan; Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Việc mở rộng sự hợp tác cùng có lợi giữa các cơ chế hội nhập (EAEU-SCO-BRICS) không chỉ góp phần vào sự tăng trưởng của các nền kinh tế quốc gia thành viên, mà còn có thể có tác động đáng kể đến việc tạo ra biện pháp tiếp cận mới đối với cách thức vận hành của thị trường toàn cầu. Không gian đại Á - Âu có những lợi thế độc đáo về thương mại, kinh tế, vận tải và hậu cần, trong khi tiềm năng con người và nguồn lực của các nước BRICS có thể nâng cao đáng kể hiệu quả của sự hợp tác này. Sự phối hợp giữa các khối EAEU, SCO và BRICS sẽ góp phần ổn định tình hình kinh tế chung trên thế giới.

Đối tác tiềm năng về thương mại và đầu tư của Việt Nam

Nắm bắt tiềm năng và cơ hội hợp tác với EAEU, Việt Nam là một trong những nước sớm mở quan hệ với liên minh này. Năm 2016, Việt Nam trở thành đối tác ký hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên với EAEU, mở ra cơ hội rất lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam, tạo động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp hai bên, giảm bớt các rào cản thuế quan, phi thuế quan và là cửa ngõ thuận lợi để thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trong EAEU.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 24 trong số các nước nhập khẩu từ EAEU và đứng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu sang EAEU. Điểm thuận lợi là cả Việt Nam và EAEU đều coi trọng và mong muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên. Các nước EAEU đều nhận định Việt Nam là đối tác quan trọng cả về khía cạnh chính trị lẫn kinh tế, bởi thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nước EAEU thâm nhập vào thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rộng lớn. Đối với Việt Nam, việc khôi phục và phát triển các thị trường truyền thống trong EAEU sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước SNG và Đông Âu.

Vì vậy, hai bên cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục tồn tại, tháo gỡ khó khăn nhằm tận dụng triệt để những ưu đãi mà FTA VN - EAEU mang lại. Trước mắt là tận dụng các cơ hội mà hiệp định này mở ra trong lĩnh vực thương mại. Với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu (trong đó 59,3% dòng thuế được xóa bỏ ngay khi FTA có hiệu lực) là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EAEU. Cụ thể, theo FTA giữa Việt Nam và EAEU, đối với ngành dệt may, cam kết cắt giảm 82% tổng số dòng thuế, 42% xóa bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa trong 10 năm, 36% xóa bỏ hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực; đối với ngành giày dép, cắt giảm 77% tổng số dòng thuế, 73% xóa bỏ hoàn toàn, lộ trình tối đa 5 năm; đối với ngành thủy sản, được cắt giảm 95% tổng số dòng thuế, lộ trình tối đa 10 năm, trong đó 71% số dòng thuế có thuế nhập khẩu về 0% ngay khi FTA.

Việt Nam cũng cần khai thác cơ hội thu hút đầu tư trong những lĩnh vực mà EAEU có thế mạnh như khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất năng lượng, chế tạo máy, hóa chất...; mở rộng cơ hội tiếp thu công nghệ tiên tiến trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các nước thành viên EAEU, nhất là Liên bang Nga, nhìn chung là những nước đã có nền công nghiệp phát triển tương đối cao trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghiệp như năng lượng, dầu khí, công nghệ chế tạo máy... Hợp tác sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh, học hỏi và trao đổi kiến thức quản lý tiên tiến. Thêm vào đó, Việt Nam cũng có cơ hội đẩy mạnh và mở rộng đầu tư sang các nước EAEU trong công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, khai thác dầu khí.

https://www.anninhthudo.vn/hoi-nhap-kinh-te-a-au-de-tro-thanh-mot-trung-tam-trong-the-gioi-da-cuc-post541494.antd

HOÀNG SƠN / ANTD