Học sinh THPT sẽ được học môn Âm nhạc

Thay vì chỉ dạy ở tiểu học và THCS như hiện nay, Âm nhạc sẽ được đưa vào bậc THPT. Học sinh được làm quen với nhạc cụ, hợp xướng.

Theo Ban soạn thảo, chương trình môn Âm nhạc trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều thay đổi so với hiện nay.

Thứ nhất, chương trình được mở rộng về phạm vi đối tượng giáo dục, lần đầu tiên được dạy ở bậc THPT. Thứ hai, chương trình được hoàn thiện về nội dung dạy học, lần đầu tiên nội dung nhạc cụ và hợp xướng được đưa vào.

Thứ ba, chương trình vừa có nội dung tích hợp (lý thuyết âm nhạc), vừa có nội dung phân hóa (nhạc cụ); vừa là môn học bắt buộc (từ lớp 1 đến lớp 9), vừa là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình có hướng mở, để tác giả sách giáo khoa và giáo viên vận dụng linh hoạt, tránh quá tải.

Thứ tư, chương trình tập trung phát triển năng lực thẩm mỹ và năng lực âm nhạc, với 4 thành phần: thể hiện âm nhạc, cảm thụ âm nhạc, phân tích và đánh giá âm nhạc, sáng tạo và ứng dụng âm nhạc.

Thứ năm, chương trình có những đổi mới về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, ví dụ đọc nhạc theo ký hiệu bàn tay, bộ gõ cơ thể, hát bè... Thứ sáu, chương trình có điều chỉnh tên một vài nội dung, ví dụ: hát, đọc nhạc, thường thức âm nhạc, câu chuyện âm nhạc...

Nội dung giáo dục cốt lõi của chương trình

Hát là một nội dung phổ biến và xuyên suốt chương trình môn Âm nhạc, gồm: bài hát tuổi học sinh, dân ca Việt Nam, bài hát nước ngoài, hợp xướng. Nội dung hợp xướng chỉ được học ở trường THPT.

Nhạc cụ là nội dung mang tính phân hóa, gồm: chơi tiết tấu (từ lớp 1), chơi giai điệu (từ lớp 4), chơi hòa âm (từ lớp 6). Tùy theo điều kiện thực tiễn của nhà trường, giáo viên có thể dạy học sinh chơi bộ gõ cơ thể, nhạc cụ tự làm, nhạc cụ Việt Nam (trống nhỏ, song loan, thanh phách, sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, nhạc cụ phổ biến ở địa phương...). hoặc nhạc cụ nước ngoài (melodica, recorder, ukulele, harmonica, guitar, keyboard...).

Nghe nhạc là một hoạt động phổ biến trong giáo dục âm nhạc, gồm: nghe nhạc không lời, nghe nhạc có lời. Nội dung và yêu cầu cần đạt về nghe nhạc được tích hợp trong tất cả phân môn, đặc biệt là ở phần học về tác giả và tác phẩm.

Đọc nhạc gồm nội dung: đọc mẫu âm đơn giản ở giọng Đô trưởng theo ký hiệu bàn tay (từ lớp 1), đọc giai điệu ở giọng Đô trưởng theo ký hiệu ghi nhạc (từ lớp 4), đọc giai điệu ở giọng Đô trưởng hoặc La thứ (từ lớp 6)...

Lý thuyết âm nhạc là kiến thức cơ bản, phổ thông và mang tính ứng dụng, làm nền tảng cho các hoạt động thực hành âm nhạc, gồm: ký hiệu âm nhạc và các loại nhịp, kiến thức bổ sung. Lý thuyết âm nhạc không học riêng mà tích hợp trong hát, nhạc cụ, đọc nhạc. Học sinh chỉ học lý thuyết sau khi đã trải qua thực hành. Thay đổi nhằm khắc phục tình trạng dạy lý thuyết khô khan và nặng nề.

Thường thức âm nhạc gồm tìm hiểu nhạc cụ, câu chuyện âm nhạc, tác giả và tác phẩm, hình thức biểu diễn, thể loại và cấu trúc âm nhạc, âm nhạc và đời sống. Nội dung được bố trí dạy học phù hợp với khả năng nhận thức và năng lực của học sinh trong từng cấp học.

Tại sao chương trình có thêm nội dung nhạc cụ?

Ban soạn thảo lý giải, học nhạc cụ làm bối cảnh học tập trở nên đa dạng hơn, vừa giúp học sinh phát triển năng lực âm nhạc (nghe, hát, đọc nhạc) và năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác, vừa để giảm bớt lý thuyết, tăng cường thực hành và nâng cao tính ứng dụng.

Thông qua nhạc cụ, môn học giúp học sinh được học bằng đa giác quan, có thể tận hưởng tiết học Âm nhạc một cách thú vị, nâng cao sự trải nghiệm âm nhạc, thể hiện cảm xúc theo những cách khác nhau, khác với cách hát thông thường.

Nhiều học sinh không có khả năng ca hát, một số em đến độ tuổi 12-14 thường bị vỡ giọng, nhạc cụ sẽ là phương tiện để các em học tập và thể hiện bản thân.

Học nhạc cụ còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế, thông qua việc học những nhạc cụ Việt Nam và nhạc cụ nước ngoài.

hoc sinh thpt se duoc hoc mon am nhac Chương trình các môn học mới sẽ thay đổi thế nào

Môn Toán không còn những dạng bài lắt léo và thiết thực hơn. Môn Ngữ văn học sinh chỉ học 6 tác phẩm học bắt ...

hoc sinh thpt se duoc hoc mon am nhac Học sinh không phải học thuộc trong chương trình ngữ văn mới

Đây là mục tiêu nổi bật nhất trong chương trình môn Ngữ văn sắp được công bố tới đây.

/ VnExpress