Hé lộ lý do Liên Xô ký hòa ước với phát xít Đức

Ngày 23/8/1939, tại Moscow, Liên Xô và Đức đã kí “Hiệp ước không tấn công lẫn nhau”, còn được biết dưới tên gọi “Hiệp ước Molotov – Ribentrov”.

 

Sự kiện này trong một thời gian dài ít được nói đến, và ngược lại, vào thời kì “Cải tổ” ở Liên Xô, nó lại được các lực lượng “dân chủ” hăng hái sử dụng như một cớ để bài xích Đảng Cộng sản Liên Xô và dấy lên các hoạt động bài Xô. Vậy thực chất vấn đề này như thế nào?

Từ rất sớm, Liên Xô đã nắm được ý đồ của Hitler tấn công Liên Xô để thực hiện âm mưu chinh phục châu Âu và thế giới. Vì vậy, Liên Xô cố gắng thuyết phục các nước phương Tây ký một hiệp ước để cùng nhau chống hoạ phát xít đang đến gần. Tuy nhiên, Anh và Pháp vẫn tin rằng Hitler chỉ tấn công Liên Xô mà sẽ không đe dọa gì đến phương Tây, thậm chí mong mượn bàn tay Hitler tiêu diệt Liên Xô, vì vậy, họ đàm phán với Liên Xô chỉ là hình thức.

Joseph Stalin (18/12/1878 – 5/3/1953)

Sau nhiều lần thúc giục, mãi đến ngày 5/8/1939 các đoàn đàm phán Anh, Pháp ở cấp rất thấp mới khởi hành đến Moscow với phương châm hội đàm chậm chạp, theo dõi các diễn biến chính trị. Trong khi đó, nước chủ nhà đã cử một đoàn do Dân uỷ (Bộ trưởng) Quốc phòng Voroshilov đứng đầu và bao gồm Tổng Tham mưu trưởng Shaposhnikov, Dân uỷ Hải quân Kuznetsov, Tư lệnh Không quân Lortionov và Phó Tổng tham mưu trưởng Smordinov. Điều này cho thấy Liên Xô sẵn sàng đàm phán nghiêm túc.

Trong khi các đoàn Anh, Pháp đang nghỉ ngơi sau mấy ngày đi đường “vất vả”, ngày 11/8 đã diễn ra cuộc gặp bí mật giữa Hitler với giáo sĩ Buxhardt – phái viên không chính thức của Chính phủ Anh và Pháp. Tại cuộc gặp này, Hitler bắn tin rằng “nước Đức rất cần lúa mì và gỗ của Nga Xô. Tôi không đòi hỏi gì ở phương Tây, kể cả bây giờ và trong tương lai. Tôi đảm bảo với chính phủ Anh, Pháp về hòa bình và sẵn sàng kí với 2 nước này hiệp ước tôn trọng lẫn nhau. Tôi cần rảnh tay để chiếm phía đông ..“.

Thông điệp của Hitler ngay lập tức được chuyển về London và Paris.

Ngày 12/8, bắt đầu cuộc đàm phán Liên Xô-Anh-Pháp, nhưng đến ngày 14/8 thì trở nên rõ ràng rằng hai nước này chỉ giả vờ và do vậy sẽ không có một kết quả tích cực nào. Trong khi đó, các hoạt động ngoại giao khác cũng diễn ra dồn dập. London bắt đầu triển khai một số bước đi để tìm cách đàm phán với Berlin. Hitler đánh hơi thấy sự bế tắc trong cuộc đàm phán Liên Xô-Anh-Pháp và để tránh phải đối đầu với một liên minh lớn mạnh, đã ra lệnh cho các nhà ngoại giao Đức tiến hành tiếp xúc với cả 3 nước này.

Do không thành công trong việc kí hiệp ước với Anh và Pháp, nhà lãnh đạo Stalin đi đến quyết định không loại trừ khả năng tiếp xúc với Đức. Sau các cuộc gặp cấp bộ trưởng, Hitler (ngày 20/8) và Stalin (ngày 21/8) đã trao đổi điện văn, nhất trí chủ trương kí thoả thuận không xâm lược lẫn nhau. Hitler giao cho Ngoại trưởng Đức Ribentrof có toàn quyền xây dựng và kí hiệp ước cùng các văn bản khác.

Ngày 23/8, Ribentrof đến Moscow và lập tức có cuộc gặp kéo dài 3 giờ với Stalin và Ngoại trưởng Molotov. Chiều tối diễn ra vòng đàm phán thứ hai, kết thúc bằng việc Molotov và Ribentrof thay mặt Chính phủ hai nước kí Hiệp ước không tấn công lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô. Molotov kí bằng tiếng Nga vào bản tiếng Nga và kí bằng tiếng Đức vào bản tiếng Đức. Ngày 27/9, sau khi Đức đã đánh chiếm Ba Lan, Ribentrof lại bay đến Moscow và ngày 28/9 cùng Molotov kí một hiệp ước nữa – Hiệp ước về quan hệ hữu nghị và đường biên giới giữa Liên Xô và Đức.

Hai hiệp ước nói trên nhìn chung không gây tranh cãi gì nhiều. Vấn đề là ở chỗ ngoài văn bản chính, mỗi hiệp ước còn có thêm Phụ ước mật, và chính các Phụ ước mật này được các thế lực bài Xô chĩa mũi nhọn đả phá, công kích. Phụ ước mật gồm một văn bản do Molotov và Ribentrof ký và một bản đồ phân định đường biên giới mới với chữ ký của Ribentrof và Stalin. Văn bản Molotov – Ribentrof xác định, “cả hai bên sẽ không cho phép bất kì sự tuyên truyền nào về Ba Lan trên lãnh thổ của mình mà tác động đến lãnh thổ của nước khác...”.

Việc ký Phụ ước mật đi kèm Hiệp ước diễn ra với nhiều chi tiết thú vị. Sau khi thống nhất nội dung Hiệp ước, Stalin đột nhiên yêu cầu: “Chúng ta cần ký Phụ ước cho bản hiệp ước này và chúng ta sẽ không bao giờ công bố nó”. Stalin đoán, vì cần sự yên ổn, Hitler sẽ phải nhượng bộ bất cứ yêu cầu nào của Liên Xô. Ông yêu cầu các nước Baltic và Phần Lan sẽ phải nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô, đồng thời Liên Xô lấy lại các khu vực Bessarabia (sau đổi tên là Moldova), miền Tây Ukraina và miền Tây Belarus.

Ribentrof phát hoảng vì các đề nghị bất ngờ này và nói rằng ông ta không dám tự quyết, cần báo cáo Hitler. Stalin liền yêu cầu Ribentrof sử dụng ngay điện thoại trong phòng làm việc của ông để liên lạc với Hitler. Sau một hồi trao đổi, Hitler trao quyền cho Ribentrof ký cả Phụ ước. Hitler không thể không đồng ý với các yêu cầu của Stalin, vì các đơn vị quân Đức đã ở vị trí xuất phát tiến công Ba Lan. Y sẵn sàng chấp nhận mọi điều khoản, tất nhiên với tính toán rằng sau này sẽ vi phạm hoặc không thực hiện chúng.

Ngoại trưởng Liên Xô Molotov ký Hiệp ước Xô - Đức không tấn công lẫn nhau với người đồng cấp Đức Ribentrof (đứng sau lưng). Ảnh: Wikipedia

Các thế lực bài Xô và các sử gia “cấp tiến” cho rằng, với các Hiệp ước và Phụ ước nói trên, Stalin đã bị Hitler lừa. Thực chất vấn đề ra sao?

Nếu đem yếu tố Liên Xô đẩy lùi thời điểm bắt đầu chiến tranh được gần 2 năm so với ý đồ của Hitler (tránh được nguy cơ tiến hành chiến tranh ở cả 2 mặt trận để rảnh tay chinh phục châu Âu), thì dường như tỉ số là “hoà”. Thế nhưng, Stalin còn ghi thêm điểm do thực hiện được ý định chiến lược quy mô hơn. Đó là, với việc giải phóng Bessarabia, miền Tây Ukraina và miền Tây Belarus, Liên Xô đã đẩy biên giới mình về phía tây được hàng trăm km.

Thứ hai, do thống nhất các nước Baltic vào Liên bang Xô Viết, Hitler đã bị tước đi một bàn đạp chiến lược rất thuận lợi mà từ đó, khi xảy ra chiến tranh, chỉ trong 1 tháng các binh đoàn Đức đã có thể tiến thẳng tới sông Volga. Thực tế, khi tiến hành kế hoạch Barbaros, do không còn bàn đạp Baltic, các đơn vị quân Đức đã phải tiến đánh Moscow từ biên giới phía tây Liên Xô qua Kisinhov, Lvov, Minsk, Smolensk, Kiev, Oriol... với những tổn thất to lớn về sinh lực và trang bị.

Về nghệ thuật đàm phán, Stalin đã tỏ ra rất nhanh nhậy, quyết đoán. Nắm được ý đồ của Hitler là muốn được “rảnh tay”; có thể là bất ngờ ngay với chính mình và chỉ trong một thoáng suy nghĩ, Stalin đã đưa ra phương án “Phụ ước”. Khi thấy Ribentrof chần chừ, Stalin gần như ép Ribentrof dùng ngay điện thoại có sẵn trong phòng làm việc để gọi về Berlin và trước mặt mọi người báo cáo thẳng với Hitler. Như vậy, Stalin đã chế ngự được cả Ribentrof và Hitler, đem lại kết cục có lợi nhất cho đất nước.

Bộ Chính trị và Xô Viết Tối cao Liên Xô đánh giá rằng Stalin đã có tầm chiến lược rất cao khi biến Đức thành quốc gia hữu nghị, còn Anh và Pháp thì bị đẩy vào thế đối đầu trực diện với Đức. Chiến tranh bị đẩy lùi về phía tây, để các nước đế quốc giải quyết vấn đề với nhau, còn Liên Xô có thêm thời gian chuẩn bị để chống trả cuộc xâm lược của Đức về sau.

Tuy đã ký Hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Đức, song Stalin không hề mơ hồ trước âm mưu xâm lược Liên Xô của Hitler. Trong phiên họp Bộ Chính trị ngày 30/8/1939, đánh giá việc ký Hiệp ước này, Stalin nói: “Chúng ta hiểu rất rõ ý đồ của Hitler. Ông ta không muốn tính đến các quyền lợi hợp pháp của Liên Xô. Mục đích ông ta đàm phán với ta là chỉ để che giấu ý đồ thật mà thôi. Liệu có xảy ra tình huống là khi đã ký Hiệp ước, Hitler sẽ từ bỏ kế hoạch tấn công Liên Xô? Có thể nói là không!”.

“Việc ký Hiệp ước đã đem lại cho chúng ta thời gian quý giá để chuẩn bị cho công cuộc phòng thủ chống lại cuộc xâm lược của Đức. Chúng ta không thể coi Hiệp ước là cơ sở để tạo ra an ninh vững chắc cho chúng ta; cái đảm bảo chắc chắn nhất chính là phải củng cố sức mạnh lực lượng vũ trang của chúng ta”, Stalin khẳng định.

 

Nguyên Phong

Bộ tranh giải phẫu người mang quá khứ đen tối của phát xít Đức
Vì sao Hitler căm thù và muốn tàn sát người Do Thái?
"Sư đoàn" đặc biệt trong trận giải vây Leningrad, đẩy lui phát xít Đức
Chiến lợi phẩm nào mà quân đội phát xít Đức và Liên Xô thích nhất?
Điện Kremlin “tàng hình” tránh bom hủy diệt của phát xít Đức như thế nào?
Thế chiến 2: Một xe tăng Liên Xô chặn đứng cả sư đoàn phát xít Đức
/ vietnamnet.vn