Bộ tranh Giải phẫu Cơ thể người Pernkop rất hữu ích với các bác sĩ, nhưng phía sau nó là quá khứ đẫm máu của phát xít Đức.
Eduard Pernkopf (áo đen) và các họa sĩ. Ảnh: BBC. |
Khi bác sĩ phẫu thuật thần kinh Susan Mackinnon từ Đại học Washington ở St Louis cần sự giúp đỡ để hoàn thành một ca phẫu thuật, bà lấy ra một cuốn sách về giải phẫu từ giữa thế kỷ 20.
Nhờ các hình vẽ minh họa thể hiện cơ thể con người theo từng lớp, Mackinnon hoàn thành thành công ca phẫu thuật. Sách mà bà sử dụng là Bộ tranh Giải phẫu Cơ thể người Pernkopf gồm 4 tập, thường được gọi là Atlas của Pernkopf. Nó được nhiều người coi là bộ tranh giải phẫu tốt nhất trên thế giới, cụ thể và sống động hơn bất kỳ cuốn sách nào khác.
Da, cơ, gân, dây thần kinh, các cơ quan và xương được thể hiện tường tận từng chi tiết. Cuốn sách này không dành cho những người yếu tim.
Tuy nhiên, nó không còn được xuất bản, bộ sách đã qua sử dụng được rao bán với giá hàng nghìn USD trên mạng. Mặc dù sách rất có giá trị, ít người trưng bày nó trong phòng khám, thư viện hoặc nhà họ, bởi các bản vẽ trong sách được thực hiện dựa trên việc cắt xẻ thi thể hàng trăm người bị phát xít Đức sát hại.
Nhiều nhà khoa học trăn trở về vấn đề đạo đức khi sử dụng nó. Bác sĩ Mackinnon nói rằng bà cảm thấy không thoải mái với nguồn gốc bộ tranh nhưng nhấn mạnh rằng nó có thể giúp bà cứu người và làm vậy mới đúng là một "bác sĩ phẫu thuật có đạo đức".
Giáo sư luật y tế Rabbi Joseph Polak, người sống sót sau thảm họa diệt chủng người Do Thái Holocaust, gọi cuốn sách là một "ẩn số về đạo đức" vì nó có nguồn gốc từ "tội ác thực sự, nhưng có thể được sử dụng để phục vụ điều tốt".
Cuốn sách này là dự án 20 năm của bác sĩ Eduard Pernkopf, người đã vươn lên nhanh chóng trong hàng ngũ học thuật ở Áo nhờ vào sự ủng hộ với đảng của trùm phát xít Đức Adolf Hitler vào Thế chiến II. Từ năm 1938, Pernkopf luôn mặc đồng phục của Đức quốc xã mỗi khi đi làm. Khi giữ chức chủ nhiệm khoa tại Đại học Vienna, ông ta sa thải tất cả học giả Do Thái trong khoa, bao gồm ba người đoạt giải Nobel.
Năm 1939, phát xít Đức ra luật yêu cầu thi thể tất cả tù nhân bị xử tử ngay lập tức được đưa đến khoa giải phẫu gần nhất để phục vụ mục đích nghiên cứu và giảng dạy. Pernkopf đã dành 18 giờ mỗi ngày mổ xẻ xác chết để một nhóm họa sĩ vẽ lại.
Một bức vẽ trong Bộ tranh Giải phẫu Cơ thể người Pernkop. Ảnh: BBC. |
Bác sĩ Sabine Hildebrandt, từ trường y thuộc Đại học Harvard, cho biết ít nhất một nửa trong số 800 hình ảnh của bộ sách là từ thi thể của các tù nhân chính trị, bao gồm những người đồng tính, người Di-gan, nhà hoạt động chính trị và người Do Thái.
Pernkopf bị bắt sau khi Thế chiến II kết thúc và bị sa thải khỏi trường đại học. Ông ta bị giam tại một nhà tù của quân Đồng minh trong ba năm nhưng không bị buộc tội. Sau khi được trả tự do, ông ta trở lại trường đại học, tiếp tục ra sách và qua đời năm 1955.
Trong lần phát hành sách năm 1937, họa sĩ minh họa Erich Lepier và Karl Endtresser còn lồng ghép biểu tượng phát xít vào chữ ký của mình. Phiên bản tiếng Anh gồm hai tập được xuất bản năm 1964 cũng có chữ ký này. Các phiên bản sau đó đã xóa đi biểu tượng của Đức quốc xã. Hàng nghìn bản của bộ sách được bán trên khắp thế giới và được dịch ra 5 thứ tiếng. Phần giới thiệu mô tả nó gồm "những bức vẽ ấn tượng" mà không đề cập đến quá khứ đẫm máu.
Đến những năm 1990, sinh viên và các học giả mới bắt đầu đặt câu hỏi những cơ thể được khắc họa trong sách là ai. Sau khi lịch sử tàn bạo được tiết lộ, sách bị dừng xuất bản vào năm 1994. Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh cho biết tài liệu này không được sử dụng ở Anh nhưng được lưu trữ ở thư viện.
Bộ sách được lưu trữ tại thư viện Anh. Ảnh: BBC. |
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát trong giới các bác sĩ phẫu thuật thần kinh gần đây cho thấy 59% số người được hỏi biết về sách của Pernkopf, 13% đang sử dụng nó. 69% cho biết họ cảm thấy thoải mái khi sử dụng cuốn sách dù đã biết về lịch sử của nó, 15% không thoải mái và 17% không trả lời.
Bác sĩ Mackinnon cho biết không tài liệu nào có thể sánh ngang độ chính xác và chi tiết của bộ tranh. Nó đặc biệt hữu ích cho các ca phẫu thuật phức tạp vì nó giúp bà "xác định dây thần kinh nào trong số rất nhiều dây chạy quanh cơ thể chúng ta gây ra đau đớn". Tuy nhiên, Mackinnon khẳng định bà luôn đảm bảo những người tham gia vào cuộc phẫu thuật biết về nguồn gốc đen tối của cuốn sách.
Tiến sĩ Jonathan Ives, nhà đạo đức sinh học (nghiên cứu về các vấn đề đạo đức nổi lên từ những tiến bộ trong sinh học và y học) từ Đại học Bristol, đồng ý rằng bộ tranh "chi tiết đến đáng kinh ngạc" nhưng nhấn mạnh rằng nó bị vấy bẩn bởi "quá khứ kinh hoàng".
"Nếu chúng ta sử dụng nó và gặt hái những lợi ích từ nó thì việc này gây cảm giác chúng ta là 'những kẻ đồng lõa", ông nói. "Nhưng bạn cũng có thể lập luận rằng nếu không được sử dụng, bộ tranh sẽ bị quên lãng và nó không thể nhắc nhở chúng ta về những gì đã xảy ra".
Năm ngoái, Rabbi Polak và nhà sử học y tế kiêm bác sĩ tâm thần Michael Grodin đã nghiên cứu và ra kết luận hầu hết giới chức Do Thái cho phép sử dụng bộ tranh này để cứu mạng người, với điều kiện những người liên quan đến quá trình chữa bệnh được thông báo về lịch sử của nó.
"Hãy nhìn vào trường hợp của bác sĩ Mackinnon. Bà ấy không thể xác định được một dây thần kinh dù bà ấy là người giỏi nhất trong ngành. Bệnh nhân nói với bà ấy rằng 'tôi muốn cưa chân nếu bà không thể tìm thấy'. Không ai muốn điều đó xảy ra cả", Polak nói.
"Vì vậy, Mackinnon phải sử dụng đến tài liệu của Pernkopf. Bà tìm thấy dây thần kinh trong vài phút nhờ những bức vẽ", ông nói thêm. "Bà ấy đã hỏi tôi về khía cạnh đạo đức của tình huống này. Tôi trả lời rằng nếu cuốn sách có thể giúp chữa lành cho bệnh nhân và trả lại cho họ cuộc sống thì không có lý gì nó bị cấm sử dụng".
Phương Vũ (Theo BBC)