Chuyện Trung ương Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tôn vinh cô Phạm Nữ Hiền Ngân là Nữ hoàng văn hóa tâm linh khiến dư luận nổi sóng. Người ta thấy cái danh hiệu này có vẻ như kệch cỡm, một khái niệm được lắp ghép tùy tiện.
Cháu nội của tôi năm nay học lớp 6. Mới rồi xem truyền hình đưa tin về việc Nữ hoàng văn hóa tâm linh Phạm Nữ Hiền Ngân vừa được phong chức rất “to” ở một hội nọ, cháu hỏi: “Ông ơi Nữ hoàng là gì?”. Tôi trả lời là người phụ nữ làm vua cháu ạ, như là Nữ hoàng Ai Cập, Nữ hoàng Anh, Nữ hoàng Võ Tắc Thiên của Trung Quốc, Việt Nam ta có nữ hoàng duy nhất trong lịch sử là Lý Chiêu Hoàng. Cháu lại hỏi: Thế cô Hiền Ngân cũng là vua à?
Đến đây thì tôi không giải thích được.
Chuyện Trung ương Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tôn vinh cô Hiền Ngân là Nữ hoàng văn hóa tâm linh khiến dư luận nổi sóng. Người ta thấy cái danh hiệu này có vẻ như kệch cỡm, một khái niệm được lắp ghép tùy tiện. Nói văn hóa tâm linh là đã là trừu tượng, thuộc chuyên môn hẹp, phải bàn kỹ cho đến nơi đến chốn, đằng này lại là “vua” của văn hoá tâm linh thì hết chịu nổi!Lại có chuyện lạ đời, thôi thì Hội “phong” cứ việc, đằng này một ông Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lại đi trao Vương miện. Hỏi ông, ông trả lời, mọi việc là của Hội, tôi chỉ đến dự, người ta bảo trao thì trao, chứ thực ra cái tên gọi này tôi có được biết đâu.
Thật là chuyện lạ. Lạ vì Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là nơi “quản” những thứ danh hiệu này nọ, mà một vị lãnh đạo lại “không biết gì” (!). Lâu nay chả cứ danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh, còn vô số kể “nữ hoàng”nữa. Nào là Nữ hoàng trang sức, Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam, Nữ hoàng Mỹ phẩm Việt Nam, Nữ hoàng thương hiệu ngành than… Đúng là loạn thật. Chả có cơ quan nào đứng ra phân xử, dẹp bớt cái thói học đòi, háo danh, hợm hĩnh. Cũng chẳng riêng việc đẩy người vô danh lên ngôi vua. Còn nhiều thứ loạn khác. Loạn hoa hậu, hoa khôi, đại sứ thương hiệu, nhà báo quốc tế, tiến sĩ danh dự…
Cũng không phải cứ thích là được. Được cái danh ấy nhiều khi phải bỏ tiền ra mua. Rõ nhất là các doanh nghiệm, các giám đốc phải bỏ cả đống tiền ra mà mua danh. Tự nguyện có, bị “cò” ép mua cũng có. Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bên bờ vực phá sản cũng bị ép mua danh hiệu “sao”này “sao” kia để… lên hình. Không bỏ ra vài chục triệu đồng cũng không xong vì mấy anh “cò” truyền thông bám riết ngày này sang ngày khác. Câu chuyện này thì chẳng riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải để mắt mà nhiều ban, ngành khác phải vào cuộc để dẹp những trò quảng cáo trá hình này đi. Tiền chảy vào túi một nhúm người nhưng thiệt hại cho khách hàng, cho uy tín thương hiệu Việt. Ta đang chống hàng giả, cái thứ tôn vinh kiểu này cũng sản xuất ra những danh hiệu giả.
Xưa nay danh không chính thì ngôn không thuận. Người mang danh nữ hoàng mà không xứng thì thật xấu hổ. Lỗi là của ai? Của ai thì cơ quan quản lý vĩ mô phải trả lời. Nhưng trước hết là bị dư luận chê trách,thậm chí “ném đá” rầm rầm trên mạng xã hội. Rất mong Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên tổng kiểm tra lại các loại danh hiệu từ trước đến nay. Cái gì hợp lý thì để. Cái vô lý, hợm hĩnh thì phải dẹp bỏ. Chớ nên để xuất hiện thêm những “nữ hoàng” vô lối và ngớ ngẩn.
Trần Quang
Trưởng BTC chương trình Nữ hoàng thương hiệu VN: Văn hóa tâm linh cũng là một nghề
Mấy ngày nay dư luận đang xôn xao về danh xưng Nữ hoàng văn hoá tâm linh cùng với lùm xùm xung quanh chung kết trao ... |
Cuộc thi "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" có "treo đầu dê, bán thịt chó"?
Cuộc thi "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" được giới thiệu là sẽ tổ chức tại Hà Nội tối 13-7 với sự tham gia của ... |
Loạn "nữ hoàng"!
Hằng hà danh xưng "nữ hoàng" đã xuất hiện tại Việt Nam, thậm chí nghe xong chỉ muốn "té ngửa". |
'Nữ hoàng văn hóa tâm linh' và những danh xưng nhan sắc kỳ lạ
Nhiều cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước đang bùng nổ vô tội vạ. Theo đà ấy, ngày càng xuất hiện những cuộc thi ... |