Ham điều hòa thanh lý giá rẻ, nhiều người phải "ôm hận"

Chỉ vì tâm lý ham đồ ngon-rẻ mà nhiều người đã vớ phải "quả đắng" khi mua nhầm những chiếc điều hòa cũ nát bị "hô biến" thành đồ cũ thanh lý.

 

 

Bên cạnh các sản phẩm mới, thị trường điều hòa cũ tại Việt Nam khá sôi động, đem đến cho người dùng nhiều lựa chọn với giá rẻ hơn.

Được quan tâm hơn cả là dòng máy Nhật Bản đã qua sử dụng của các thương hiệu như National, Toshiba, Hitachi, Daikin... mà quen được gọi là "hàng Nhật bãi" hay "hàng nội địa Nhật".

Ngoài ra, một số đầu mối còn chuyên thu mua máy lạnh cũ tại Việt Nam, bao thầu điều hòa thanh lý của các cơ quan, xí nghiệp... sau đó bán lại.

Chiêu trò của các "phù thủy điện lạnh"

Theo anh Thành, một thợ sửa điện lạnh trên phố Trần Hữu Tước (Hà Nội) cho Vnexpress biết: "Hầu hết máy lạnh cũ ở Việt Nam đều được \'mông má\', thay thế bộ phận hỏng hóc, tân trang bề ngoài trước khi đến tay người dùng". Tuy nhiên có một số máy quá cũ, đời sâu nên cần dùng hóa chất để làm mới "dàn nhựa", sau đó "đóng mác".

Anh Thành cho biết, tân trang máy cũ trước khi bán là điều bình thường, nhưng việc sửa chữa ra sao, thay thế linh kiện thế nào thì lại phụ thuộc vào "tâm" của mỗi người thợ, mỗi cửa hàng.

 

 

Thợ điện lạnh cho biết tất cả những chiếc điều hòa cũ khi bán ra đều đã được "mông má" ít nhiều.

"Nếu chỉ đơn giản đánh bóng hay hàn các lẫy nhựa gãy, \'chải\' nhẹ vài lá tản nhiệt bị cong do vận chuyển... thì hầu như không ảnh hưởng đến chất lượng máy", anh chia sẻ. "Song khi đã động chạm vào dàn nóng, dàn lạnh hay chắp vá linh kiện chính thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định của thiết bị".

Còn anh Lê Văn Toàn, một thợ điện lạnh trên phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) cho biết: "Trong hơn hai năm làm nghề, tôi đã gặp hàng chục trường hợp khách mua điều hòa thanh lý gặp phải hàng cũ nát, hàng bị nâng đời hoặc sản phẩm có lỗi".

Theo anh Toàn, những chiếc điều hòa đời rất sâu giá chưa đến một triệu đồng, được thợ tẩy trắng nhựa, "mông má" lại rồi rao bán online.

"Bệnh thường gặp của những máy này là nhanh xuống cấp, kêu to, hay chảy nước ở cửa gió và tốn điện, do được sản xuất từ lâu", anh Toàn chia sẻ.

Theo người thợ này, những chiếc điều hòa như vậy khi gặp lỗi sẽ rất khó sửa hoặc sửa tốn kém, do là hàng chất lượng kém. "Xét về bài toán kinh tế, mức \'ngốn điện\' của máy lạnh cũ dùng trong 1-2 năm có khi bằng tiền thêm vào để mua điều hòa mới", anh nói.

Những nạn nhân sập bẫy do ham đồ rẻ

Thanh Lan, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, định lắp điều hòa cho phòng trọ để chống chọi thời tiết nóng bức vào mùa hè. Do ngân sách hạn chế, cô không định mua máy mới mà lên mạng tìm điều hòa cũ, nhưng dính ngay "cú lừa".

"Tìm trong mấy hội nhóm trên Facebook, em thấy một chị nói chuyển phòng trọ nên cần bán lại chiếc điều hòa dùng "lướt". Theo người bán mô tả, máy mới lắp từ mùa nóng năm trước với giá hơn 7 triệu đồng, nay thanh lý gấp với giá hơn 3 triệu", Lan kể lại với Dân trí.

Tuy nhiên, theo cô sinh viên năm nhất, khi cô đến mua, người đứng ra giao dịch lại là một người đàn ông, tự nhận là người yêu của cô gái rao bán.

"Em tính kiểm tra xem chạy có tốt không, nhưng lúc đến thì điều hoà đã được tháo xuống rồi", Lan chia sẻ. "Do đang cần, thấy giá lại rẻ, trước đó cũng được gửi video thử máy qua Facebook nên em vẫn lấy".

Theo Lan, chiếc điều hòa mà cô tưởng mua được giá rẻ hóa ra là hàng cũ nát, được tân trang.

 

 

Những người ham đồ rẻ thanh lý thường bị lừa mua phải những chiếc điều hòa cũ nát.

"Thợ lắp cho em nói đây là máy từ năm 2012 mà em không tin, đến khi lột chiếc tem mác, thấy bên dưới là một chiếc tem cũ thì em mới giật mình", cô kể. "Lúc này, gọi điện cho người bán thì không liên lạc được".

Cũng bị lừa khi mua điều hòa giá rẻ trên mạng, nhưng anh Hoàng, công nhân xây dựng tại Gia Lâm, Hà Nội, còn mất cả chì lẫn chài khi đặt cọc mua máy xong thì người bán lặn mất tăm.

"Người bán nói chuyển gấp nên để lại giá hơn 2 triệu cho một chiếc máy lạnh dùng được ba năm, yêu cầu đặt cọc 500.000 đồng để chốt vì có quá nhiều người hỏi mua, sẽ miễn luôn tiền công tháo", anh chia sẻ.

"Thấy tài khoản Facebook có nhiều bạn bè, tương tác, trông tin cậy nên tôi chuyển tiền mà chẳng nghi ngờ gì. Đến tối định qua lấy điều hòa thì gọi điện cho người bán không liên lạc được, Facebook đã bị chặn", anh Hoàng ngậm ngùi mất khoản tiền cọc.

Kinh nghiệm mua điều hòa cũ đã qua sử dụng

Theo những người có kinh nghiệm, khi mua điều hòa đã qua sử dụng, nên tìm các cửa hàng hay người bán uy tín, có bảo hành và nhận luôn lắp đặt tại nhà. Có trường hợp mua được máy giá tốt nhưng lại tốn thêm công tháo, công lắp nên hàng cũ thành ra đắt gần bằng hàng mới.

 

 

Hãy nhờ người thông thạo kiểm tra chiếc máy điều hòa cũ trước khi mua.

Khi mua sang tay của người dùng, cần lưu ý thỏa thuận rõ về tình trạng máy, cam kết hay bảo hành.

"Bản thân là thợ mà nếu chỉ nhìn qua hình thức bên ngoài, không phải lúc nào chúng tôi cũng biết chính xác đời, tình trạng của điều hòa", anh Toàn chia sẻ. "Nên tìm thợ đến kiểm tra giúp mình và nếu ưng thì sẽ thuê tháo, vận chuyển và lắp luôn cho".

Không nên đặt cọc trước khi chưa biết rõ về người bán cũng như tình trạng của chiếc điều hòa định mua. Điều hòa mới có giá ngày càng rẻ, công nghệ hiện đại nên tiết kiệm điện hơn. Nhiều nơi khuyến mại công lắp đặt, vật tư hay bán trả góp.

Còn về dòng điều hòa nội địa Nhật Bản, tuy khá bền và tiết kiệm điện nhưng cũng không thể đảm bảo chất lượng như miệng người bán. Ngoài việc chọn mua tại các nơi uy tín, có chính sách hậu mãi rõ ràng thì người dùng không nên mua máy lạnh đời quá sâu, giá rẻ bất thường.

Minh Khôi (T/h)

6 bước tự vệ sinh điều hoà tại nhà, đơn giản mà tiết kiệm tiền triệu

Chỉ với 6 bước vệ sinh điều hoà tại nhà này, các gia đình có thể tự làm, tiết kiệm được khoản chi phí tiền ...

Tuyệt chiêu giúp bạn bảo vệ ôtô trong những ngày nắng nóng gay gắt

Trong những ngày cao điểm hè, nhiệt độ ngoài trời tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội có thể lên tới hơn 40 độ ...

Mới đầu mùa nóng, thợ lắp điều hòa đã "gặt bộn tiền"

Đầu tháng 5, lượng khách đặt mua điều hòa , máy lạnh tăng vọt khiến người làm nghề lắp điều hòa "nhận không hết việc". ...

5 mẹo để điều hoà không gây "thủng ví" mùa hè

Điều hoà có thể chiếm đến một nửa hoá đơn điện nhưng lại không thể cắt giảm trong ngày nóng, vậy hãy giảm dùng các ...

 

/ www.doisongphapluat.com