Hà Trần - “Dệt Tầm Gai” trở lại

Đón chào 89 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thường được gọi là ngày Phụ nữ Việt Nam), một chương trình nghệ thuật đáng chú ý là "Mây và em concert" diễn ra 20 giờ, ngày 19 - 20.10.2019 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

 

1. Đêm nghệ thuật hội tụ nhiều tài năng thế hệ 7X. Viết kịch bản và tổng đạo diễn chương trình là nhà báo Nguyễn Việt Thanh (sinh năm 1976, con gái cả của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam). Việt Thanh công tác tại Đài Truyền hình Hà Nội, nhiều năm là quản lý của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và hiện là giám đốc công ty Nghệ thuật Thanh Production. Những năm gần đây, Nguyễn Việt Thanh nổi lên là một nữ đạo diễn của những đêm nhạc thu hút khán giả. 

Sinh trưởng trong gia đình 3 chị em gái, Việt Thanh luôn ấp ủ, tâm đắc thực hiện những chương trình lột tả được tâm tư, tâm hồn, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Cơ hội ấy đến và chị đã "vụt sáng" ý tưởng khi tìm chọn được biểu tượng Mây làm ẩn dụ cho phái đẹp.

Dàn nhạc bán cổ điển (Semi classic) do nghệ sĩ Violon Anh Tú điều khiển. MC lịch duyệt và dịu dàng Trịnh Lê Anh dẫn dắt chương trình gồm hơn 20 ca khúc chủ yếu của các nhạc sĩ thuộc phái mạnh (duy nhất một nữ nhạc sĩ là Sa Huỳnh). Chương trình được dàn dựng công phu với clip sinh động, nhiều ảnh đẹp, bối cảnh vừa cổ điển vừa hiện đại, khói lạnh dùng nhiều tạo cảm giác bồng bềnh như thiên đàng, tiên cảnh.

Mây và em đánh dấu sự trở lại của người con gái Hà Nội - Hà Trần, đã xa thủ đô nửa vòng Trái Đất, sang Mỹ định cư 15 năm nay với ca khúc nổi tiếng "Dệt tầm gai".

Món quà đặc biệt mà giám đốc sản xuất chương trình - cựu nghệ sĩ xiếc (nổi danh với tiết mục "uốn dẻo ngậm hoa bắn cung bằng chân") Nguyễn Hoài Oanh, một trong các bầu sô lớn nhất thủ đô, người đã đầu tư làm nhiều chương trình đặc sắc và rất chú ý dựng các buổi diễn nghệ thuật cho thiếu nhi, 30 năm bền bỉ làm thiện nguyện đã có ý tưởng tuyệt vời đề cao thi ca và văn hóa đọc.

Nghệ sĩ Hoài Oanh đã đầu tư làm túi quà tặng cho các khán giả nữ của 2 đêm nhạc, đó là chai nước thủy tinh đẹp gửi thông điệp "Hạn chế dùng chai nhựa, cứu lấy Trái đất!" cùng với lịch thơ Vi Thùy Linh. Trong giai phẩm này, bên cạnh thi phẩm Người dệt tầm gai trang đầu, là 7 tác phẩm mới xuất sắc viết cho con, về tình yêu cao đẹp nhất, in bằng mực tím trên giấy đẹp, thiết kế sang trọng và cuốn hút, kèm lời bình - cắt nghĩa của  tác giả.

2. Ca khúc Dệt tầm gai gợi nhớ tuổi trẻ bùng nổ của Trần Thu Hà. Tối 12-13.4.2002, tại Cung Văn hóa Việt Xô, liveshow Nhật thực gây tiếng vang lớn trong đời sống âm nhạc nước nhà, "bom tấn" của nhạc nhẹ Việt Nam, bởi dồn ấn tượng liên tiếp từ nhiều ca khúc đơn được Trần Thu Hà biểu diễn lẻ để "test" công chúng trước: Dệt tầm gai, Từ phía ngày nắng tắt, Nữ tu... đến một chương trình tổng thế khiến người xem choáng ngợp liên hoàn: Giọng hát và sức biểu cảm của ca sĩ Hà Trần, âm nhạc hay - độc đáo của nhạc sĩ Ngọc Đại, phần phối khí - trưởng ban nhạc Đỗ Bảo, thiết kế sân khấu của họa sĩ Trần Vũ Hoàng (anh trai Trần Thu Hà) và phần lời (ca từ) mãnh liệt, khác biệt của Vi Thùy Linh gây tiếng vang lớn từ Bắc vào Nam.

Lần đầu tiên, có liveshow âm nhạc đồng thời ra mắt album cùng tên với các ca khúc chỉ từ thơ của một tác giả khi đó 22 tuổi. Lần đầu tiên, có một chương trình âm nhạc gây hiệu ứng dây chuyền khắp báo giới và giới nghệ thuật đa ngành. Thành công lớn ấy, là liveshow đầu tiên của nhạc sĩ Ngọc Đại (người có hơn 10 năm cầm súng chiến đấu chống Mỹ, nguyên trưởng phòng nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ) và của 2 người trẻ sinh năm 1978: Hà Trần, Đỗ Bảo. Sau cuộc khẳng định ngoạn mục ấy, Đỗ Bảo được mời phối khí nhạc cho cuộc thi hát Sao Mai của VTV, Trần Thu Hà được mời làm giám khảo cuộc thi này ở Tuần Châu năm 2003 (năm Hoàng Tùng giành giải Nhất, Ngọc Khuê giải Nhì, Khánh Linh giải Ba). Và nhờ Nhật thực, Hà Trần được xếp vào danh sách "pa" nhạc nhẹ Việt Nam. Ca sĩ Tấn Minh đến giờ vẫn trầm trồ: "Ai trong giới nhạc mà chưa xem, nghe Nhật thực, là thiếu sót nghiêm trọng. Đó là dấu mốc chuyển biến lớn tác động tới tâm thế người viết nhạc, ca từ, người hát và cách hòa âm".

Tại Mỹ, Hà Trần đã hát Dệt tầm gai cho Trung tâm Thúy Nga, diễn ca khúc này tại các sân khấu ở Mỹ và nhiều nước. Đến giờ, cô vẫn được nhớ, được yêu cầu hát bài này mỗi dịp về nước. Sau Hà Trần, Tùng Dương, Khánh Linh, Hà Linh, Mai Trang, Thu Phượng - các ca sĩ nổi lên từ giải Sao Mai - đều đã hát tác phẩm này và cũng như một số thí sinh dự thi các chương trình The Voice, The Voice Kid. 

3. Khi nhà thơ Vi Thùy Linh sang giao lưu với kiều bào tại Praha (Thủ đô Cộng hòa Czech), khán giả Việt Nam từ các thành phố lân cận cách 100-300km về xem, hào hứng yêu  cầu tác giả đọc nguyên gốc bài thơ Người dệt tầm gai (viết 9.7.1998) và muốn nghe hát... May thay, ca sĩ Thu Hương - một giọng hát có tiếng trong cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Czech, con gái NSƯT ngâm thơ Vũ Kim Dung (vợ chồng bà Dung cũng sang đây sống và biểu diễn hơn 10 năm nay) vốn thích bài này từ trước - đã hát Dệt tầm gai một số lần, lên sân khấu ngay, hát "máu lửa" và chồng - Thanh Sơn đệm Piano luôn.

Trở về thành phố quê hương, dịp này Hà Trần lại hội ngộ Đỗ Bảo trong đêm Mây và em, với ca khúc Mây của người bạn đã cùng tỏa sáng với Hà ở tuổi 25 vào 17 năm trước. Hà Trần song ca Mây cùng NSƯT Thanh Lam.

Người mẹ của cô con gái Yến Đoàn đẹp hơn về dung nhan và trang phục biểu diễn, cùng vũ đoàn PL trình diễn Dệt tầm gai. Là điểm nhấn của đêm diễn 5 ca sĩ, Hà Trần còn thể hiện tình ca của người bạn thời trẻ - Vũ Quang Trung (con trai nhạc sĩ Vũ Thanh, đã qua Mỹ định cư) là Em mãi mong chờ và Bàikhông tên 50 của Vũ Thanh An.

Mở màn là Tùng Dương thể hiện ca khúc "Con cò" cùng vũ đoàn gồm 10 nữ diễn viên váy trắng yếm trắng nón trắng. Trong dàn sao nữ, Uyên Linh xuất hiện đầu tiên với bản hít Chờ người nơi ấy của Huy Tuấn. Một tình ca nữa của nhạc sĩ này sẽ dùng hiệu ứng tuyết rơi: Mùa Đông sẽ qua.

4. Thà như giọt mưa - ca khúc nổi tiếng của Phạm Duy được Uyên Linh song ca cùng Tấn Minh. NSƯT Tấn Minh một trong các giọng ca nam trữ tình hàng đầu Việt Nam sẽ giao lưu với khán giả trước khi hát ca khúc đầy khắc khoải yêu thương, xót xa về mẹ - "Mẹ" của Phú Quang. Giám đốc Nhà hát Ca múa Thăng Long còn tặng người nghe 2 ca khúc đi cùng năm tháng: Nỗi lòng người đi (Anh Bằng), Lời chim Đỗ Quyên (Thanh Tùng). Diva Thanh Lam say đắm với Khúc mùa Thu (Phú Quang), Bài không tên cuối cùng (Vũ Thành An), Đá trông chồng (Lê Minh Sơn) - cùng vũ đoàn 7 nam 1 nữ. Tùng Dương tiếp tục với: Người đàn bà hóa đá (Trần Lập), Mang thai (Sa Huỳnh), Adam và Eva (Bùi Caroon), Trời và đất (Lưu Hà An) diễn cùng 10 vũ công nam. Đặc biệt là màn tam ca của Tùng Dương hát với 2 đàn chị Trần Thu Hà - Thanh Lam liên khúc Mẹ tôi - Chị tôi (Trần Tiến)- Em tôi (Thuận Yến) và ca khúc Ngôi sao cô đơn (Thanh Tùng).

Gần 7 năm sau đêm diễn Bay cùng ViLi (tối 1.12.2012 tại Nhà hát Lớn), nhà thơ Vi Thùy Linh xúc động trở lại thánh đường nghệ thuật, nơi chị đã làm được live show đầu tiên của văn chương thành công. Nhân dịp này, chị khao khát sẽ có dự án tiếp nối năm 2020 với những nghệ sĩ nổi danh nhiệt huyết dâng hiến cho công chúng tinh hoa một đêm nghệ thuật khó quên lần nữa.

 

 

 

/ laodong.vn