Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Tôi luôn tin những đồng đội đã mất của mình sẽ trở về

Nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ rằng mỗi lần nhìn thấy đàn én bay về đón Xuân, ông cứ ngỡ như đồng đội của mình đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên đang trở về đón Tết.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ với VTC News những ngày tháng của cuộc chiến bảo vệ biên giới giúp ông hiểu sự thiêng liêng của 3 từ Tổ quốc - Đồng đội - Đồng bào.

- Cứ mỗi mùa xuân về, ông lại khắc khoải nhớ những người đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường Vị Xuyên năm xưa…

Đúng vậy! Mùa xuân là mùa mỗi gia đình sum vầy, hội tụ, thời điểm mà nhà nhớ lính, lính nhớ nhà. Cứ mỗi dịp như thế, trong tôi cứ nhen lên một suy nghĩ thường trực: Tôi may mắn ở đây tiếp tục đón tuổi mới, họ thì đã mãi mãi dừng lại ở tuổi đôi mươi. Thế nhưng, tôi luôn tin và mong họ sẽ trở về, chỉ là dưới một hình hài khác.

Trong một chương trình tại Nghĩa trang Trường Sơn, tôi có hát ca khúc Đàn én cho những người lính không thể trở về với một hình hài nguyên vẹn. Không hiểu sao, tôi luôn thấy hình ảnh đàn én rất giống với những người lính Việt Nam năm ấy.

Khi vào bộ đội, họ phần lớn chỉ mới vừa rời mái trường phổ thông, rất ngô nghê, trong sáng. Trong khoảnh khắc hy sinh, cả tuổi đời lẫn tâm hồn họ đều còn rất trẻ. Cũng bởi thế, mỗi lần nhìn đàn én bay về đón Xuân, chúng lao vun vút như tên bắn, khi đến cánh đồng lại chao liệng, hân hoan như lũ trẻ, tôi cứ ngỡ như đồng đội của tôi đang trở về đón Tết.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải và các đồng đội.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải và các đồng đội.

- “Thư về với mẹ” - ca khúc đầu tiên của ông được viết trong một lần chôn cất cho những người đồng đội?

Thật ra lúc đó tôi không viết, đâu có giấy bút gì để viết. Thời điểm ca khúc ra đời, tôi cũng chưa nghĩ đó là ca khúc, chỉ là những dòng tâm sự của mình hát cho đồng đội nghe, tâm sự với họ như khi còn sống.

Những ngày tháng đó, sau trận 12/7/1984, đơn vị tôi hi sinh rất nhiều. Nhiệm vụ chính của tôi là chăm sóc thương binh, nhưng thi thoảng tôi lại xin phép chỉ huy sang hỗ trợ anh em làm công tác tử sĩ.

Có một lần, tôi tìm được mẩu giấy thấm máu từ vỏ bao thuốc lá Sa Pa, người lính đã hi sinh gập lại trong túi áo ngực. Bên trong tờ giấy vỏn vẹn còn ba chữ: “Mẹ kính yêu”. Màu mực xanh và màu máu hòa lẫn vào nhau. Cầm mẩu giấy, tôi nhớ tới mẹ, tự nhủ ít ra tôi còn có cơ hội gặp lại bà, còn người sinh ra đồng đội tôi đã vĩnh viễn không còn cơ hội ấy.

Những đêm ấy, cứ có thời gian là tôi lại chạy tới ngồi bên những nấm mộ mới đắp cho anh em, chẳng muốn đi đâu cả. Xung quanh tôi là bóng đêm, là tiếng xa xa anh em đang đào huyệt mộ mới.

Nghĩ tới bức thư, tôi lẩm nhẩm mấy câu hát, chỉ là nghĩ ra câu nào thì hát câu đó, hát cho đồng đội dưới mộ nghe. Dần dần, sau nhiều ngày, nó cũng hoàn thiện thành bài hát.

Có lần, về đơn vị, tôi hát cho các anh thương binh nghe. Anh em hỏi tôi: “Bài hát này tên gì?”, tôi chưa kịp nghĩ tên, trả lời: “Em đặt là Thư gửi mẹ. Các anh bảo: “Không, để là Thư về với mẹ mới hay”. Đó cũng chính là thời khắc ca khúc ra đời.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải.

- Chiến trường Vị Xuyên năm ấy quá khốc liệt, nhưng trong lời kể của ông cũng như nhiều người đồng đội có thể may mắn quay trở về, đó vẫn là những năm tháng tuổi trẻ đẹp đẽ nhất. Vì sao vậy?

 

Trong khốc liệt và đau thương, những người lính chúng tôi vẫn luôn hồn nhiên, vô tư, tếu táo. Kể với bạn một câu chuyện thế này: Có một anh lính lái xe cùng đơn vị với tôi, khi chở anh em lên chiến trường bị pháo bắn vào xe, may kịp đạp cửa xe ra thoát chết.

Việc đầu tiên anh ấy làm sau đó là chạy tới tìm tôi, anh bảo: “Anh ơi, sống chết chẳng biết thế nào đâu anh ạ. Hôm nay mình kết nghĩa anh em luôn đi, nhỡ mai hi sinh lại không kịp”.

Chúng tôi nhanh chóng làm lễ, làm xong, hỏi nhau năm sinh, mới biết anh ấy hơn tôi mấy tuổi. “Thế bây giờ làm thế nào?” - tôi hỏi. Cậu ấy trả lời: “Thôi, đã làm lễ rồi, thề rồi thì không thay đổi nữa”. Cả hai anh em cùng cười phá lên, ôm nhau hỉ hả.

Những năm tháng ở Vị Xuyên, tôi thấm thía đến tận cùng ba từ Tổ quốc - Đồng đội - Đồng bào. Chiến trận dạy tôi nhiều thứ, giúp tôi cảm nhận được từng chữ chứ không chỉ còn qua sách vở.

Với chúng tôi, Hà Giang như quê hương thứ hai. Ở đó có những người dân thương yêu, chở che chúng tôi, cho ăn uống, nương náu. Ở đó, đồng đội sống với nhau như ruột thịt.

Khi anh em hi sinh, các mẹ hướng dẫn chúng tôi khâm liệm, làm các thủ tục để tiễn đưa anh em lên đường. Ngày 27/7/1984, Hà Giang trắng khăn tang, các mẹ chẳng ai bảo ai đều để tang cho lính.

Chứng kiến những hình ảnh đó, tôi bỗng hiểu trọn vẹn điều nhà thơ Tố Hữu viết trong bài Bầm ơi: “Con đi mỗi bước gian lao/Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!/Bao bà cụ từ tâm như mẹ/Yêu quý con như đẻ con ra...”.

- Trong truyện ngắn “Tướng về hưu”, tác giả Nguyễn Huy Thiệp từng khắc họa hình ảnh một người lính già rất khó hòa nhập với cuộc sống khi trở về từ chiến trường. Tuy anh quay về ở tuổi đôi mươi, nhưng có khi nào anh cũng trải qua khoảng thời gian đó?

Có chứ, tôi chơi vơi ngay từ những ngày đầu tiên trở về nhà. Thế nhưng, sau mấy tháng, tôi cũng dần quen đi, dần quay trở lại với cuộc sống, với những bươn chải và lo toan thường nhật.

Cũng bởi càng sống, càng trải nghiệm, tôi càng thương anh em, nhất là những anh em đã hi sinh năm ấy. Họ không bao giờ biết được rằng đất nước đã đổi thay, đã đẹp đẽ và hiện đại tới thế này.

- Chiến tranh đã lùi xa được gần 40 năm, là một người lính trên chiến trường năm xưa, anh mong ước điều gì?

- Tôi tin, khi chứng kiến các thành tựu của thế hệ sau, những người đồng đội tôi đã hi sinh, người còn đang sống đều rất tự hào, bởi sự kế tiếp của lớp trẻ. Mong ước của chúng tôi cũng không có gì khác là được thấy đất nước hùng cường hơn, vững mạnh hơn mỗi ngày. Theo dõi thông tin trên báo chí, truyền hình, tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện, rất nhiều chiến sĩ trong thời đại mới khiến tôi cảm phục.

Gần đây, tôi có viết ca khúc Chiến binh số, ca ngợi những thanh niên đang làm nhiệm vụ đưa đất nước tới bờ vinh quang. Vị thế đất nước đã đổi khác, đó là thành quả của những cuộc chiến cũng cam go không kém, đòi hỏi cả ý chí, tri thức và sức mạnh.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

“Một người lính tham gia cả hai mặt trận nói với tôi: Vị Xuyên khốc liệt, gian khổ, nhưng dù sao vẫn được chiến đấu trên đất mẹ, lùi xuống một chút đã có hậu phương. Còn với những người lính tại mặt trận Tây Nam năm ấy, đất mẹ xa vời vợi. Hải viết về mặt trận Vị Xuyên - bài nào tớ cũng thuộc hết, nhưng ở mặt trận Tây Nam, tớ thấy còn ít ca khúc về anh em bên đó quá”. Những tâm sự ấy khiến nhạc sĩ Trương Quý Hải trăn trở, cũng bởi vậy ca khúc Bóng chiều Tây Nam ra đời.

Viết xong, tôi yên lòng hơn với suy nghĩ đã viết được về những người đồng đội thế hệ mình, những người anh em đã ngã xuống trên 3 mặt trận: biên giới phía Bắc (Lũy đá bất tử, Về đây đồng đội ơi, Hát cho người còn sống…); biên giới Tây Nam (Bóng chiều Tây Nam); những người nằm lại tại Gạc Ma (Vòng tròn bất tử). Khi đề cập tới cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới thì đó là câu chuyện của ba cánh quân, ba anh em ruột. Họ đều chiến đấu, đều hóa thân thành những cột mốc thiêng liêng, mỗi ngày vẫn canh giữ nơi miền biên giới của Tổ quốc Việt Nam này”.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải

 

https://vtc.vn/nhac-si-truong-quy-hai-toi-luon-tin-nhung-dong-doi-da-mat-cua-minh-se-tro-ve-ar853368.html

 

KHÁNH YẾN(thực hiện) / VTC News