Hạ tầng giao thông kết nối chưa tương xứng, TP.HCM liệu có thể bứt phá?

Nhiều tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với các địa phương lân cận đang quá tải, trong khi các dự án mới chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đi 50 km mất hơn 4 giờ

Mục tiêu của siêu đô thị TP.HCM là tăng trưởng 2 con số để nhanh chóng bắt kịp các đô thị lớn trong khu vực. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông phát triển chậm, tính kết nối chưa cao được cho là rào cản lớn của thành phố.

Đường Vành đai 3 kết nối Đồng Nai - TP.HCM - Tây Ninh vẫn chưa hoàn thành, đường Vành đai 4 mới chỉ thông qua chủ trương đầu tư và dự kiến đến năm 2030 mới hoàn thành. Trong khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hay cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận kết nối TP.HCM với các tỉnh thành phía Nam đều bị tắc nghẽn, quá tải.

Hạ tầng giao thông tại TP.HCM đang kết nối yếu, thường xuyên ùn tắc. (Ảnh: Lương Ý)

Hạ tầng giao thông tại TP.HCM đang kết nối yếu, thường xuyên ùn tắc. (Ảnh: Lương Ý)

Ông Nguyễn Văn Hiếu, đại diện Công ty Nhựa Minh Quân cho biết, mỗi lần doanh nghiệp chở hàng từ TP.HCM đi Đồng Nai, Lâm Đồng hay các tỉnh Tây Nam Bộ đều tốn kém rất nhiều cho chi phí logistics. Hàng hóa phải nằm trên đường quá lâu vì kẹt xe, điều này làm gia tăng chi phí nhiên liệu, chi phí nhân công cũng bị đội lên. Hiệu quả kinh doanh của công ty bị giảm sút vì chi phí logistics.

“Hệ thống đường cao tốc từ TP.HCM đến các tỉnh thành lân cận liên tục bị ùn tắc, quá tải, đặc biệt là cuối tuần hay ngày lễ. Xe chở hàng hóa của doanh nghiệp chôn chân trên đường cũng đồng nghĩa với việc 'đốt tiền'”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, có lần ông vận chuyển hàng hóa từ phường Phú Mỹ về phường Bình Dương, TP.HCM mất hơn 4 giờ đồng hồ, trong khi khoảng cách giữa hai điểm chỉ hơn 50 km. Hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp

Đại diện Công ty PV Gas chia sẻ, doanh nghiệp này vận chuyển khí liên tục về TP.HCM. Tuy nhiên, việc vận chuyển đang rất tốn kém chi phí do hạ tầng giao thông kết nối chưa được tốt.

Doanh nghiệp, tài xế than trời vì thường xuyên kẹt xe ở cửa ngõ phía Đông. (Ảnh minh họa: Lương Ý)

Doanh nghiệp, tài xế than trời vì thường xuyên kẹt xe ở cửa ngõ phía Đông. (Ảnh minh họa: Lương Ý)

Cũng theo đại diện PV Gas, cơ quan quản lý Nhà nước cần giải bài toán ùn tắc giao thông thì doanh nghiệp mới yên tâm làm ăn. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất quan tâm đến vấn đề hạ tầng giao thông trước khi quyết định đầu tư tại thành phố.

Đại diện nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết, khi nhìn sang các thành phố phát triển trong khu vực như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) thì TP.HCM đang có tính kết nối giao thông yếu hơn. Việc di chuyển từ vùng ven vào trung tâm Bangkok hay Kuala Lumpur rất dễ dàng, chỉ mất trên dưới 1 giờ đồng hồ cho quãng đường 50-60km. Các tuyến đường kết nối đều rất rộng rãi, có nhiều làn xe và được di chuyển tốc độ cao.

Nhiều giải pháp đang thực thi

Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định, hạ tầng logistics đang là nút thắt lớn nhất của thành phố. Điển hình như tuyến Long Thành – Cái Mép đang mất kết nối, hàng hóa từ khu vực Bình Dương (cũ) đi Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) phải đi đường vòng khiến chi phí logistics bị đội lên cao.

Theo ông Vũ, muốn công nghiệp phát triển thì hạ tầng giao thông phải phát triển, logistics phải liền mạch. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đề xuất đầu tư tuyến đường sắt chuyên dụng phục vụ công nghiệp, kết nối các khu sản xuất trọng điểm đến cảng biển, giảm áp lực cho đường bộ.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cũng thừa nhận, ngành công nghiệp – xây dựng đang đóng góp khoảng 30% GRDP của thành phố. Tuy nhiên, ngành công nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có chi phí logistics quá cao, chiếm từ 16 – 20% giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, việc triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông quan trọng là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu cần phải làm.

Đường Vành đai 3 vẫn đang triển khai thi công. (Ảnh: Lương Ý)

Đường Vành đai 3 vẫn đang triển khai thi công. (Ảnh: Lương Ý)

Thống kê mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, thành phố đang quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện, bao gồm hơn 1 triệu ô tô và gần 8,6 triệu xe máy.

So với cùng kỳ năm 2024, số lượng ô tô tăng 9% và xe máy tăng 2%. Điều này cho thấy phương tiện cá nhân tiếp tục tạo áp lực lên hạ tầng giao thông. Đó là chưa kể số lượng xe cá nhân trên địa bàn Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu nay đã được nhập vào TP.HCM. Hiện trung bình mỗi ngày TP.HCM đang phải chịu mức phát thải của khoảng 12 - 13 triệu xe cá nhân. Mật độ xe lớn so với quy mô đô thị khiến TP.HCM thường xuyên bị ùn tắc nghiêm trọng.

Chuyên gia giao thông đô thị Trần Ngọc Long cho biết, TP.HCM đang có khoảng hơn 4.800 tuyến đường, nhưng hơn 50% trong số này là đường nhỏ, hẹp, không đủ sức tiếp nhận lưu lượng giao thông cao. Mật độ đường hiện chỉ đạt khoảng 2,5km/km2, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 10-13km đường/km2. Tỷ lệ đất dành cho giao thông trên tổng diện tích đất xây dựng cũng chỉ đạt chưa tới 15%.

Mạng lưới giao thông hiện tại của thành phố đang phát triển khá chậm. Trong khi đó, các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu Metro vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Theo ông Long, các nghiên cứu cho thấy, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 6 tỷ USD từ việc ùn tắc giao thông. Sự thiếu hụt về hạ tầng, phương tiện khiến người dân vẫn phụ thuộc vào phương tiện cá nhân, tạo áp lực lớn lên hệ thống đường bộ hiện hữu.

Ông Long hy vọng, đến năm 2035, TP.HCM dự kiến sẽ có thêm 7-12 tuyến Metro với khoảng 350-510 km đường sắt đô thị thì tình hình giao thông của thành phố sẽ cải thiện hơn. Bên cạnh đó, thành phố và các cơ quan liên quan cũng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đường Vành đai 2, 3, 4 để tăng khả năng kết nối vùng, giảm ùn tắc, tạo động lực phát triển kinh tế.

Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị chia sẻ, sau khi sáp nhập, TP.HCM sẽ có nhiều lợi thế mới về tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thách thức của TP.HCM chính là phải tạo được hệ thống hạ tầng đủ mạnh để kết nối các tỉnh thành với nhau. Hiện nay, liên kết hạ tầng vẫn còn yếu. Điển hình như việc xây dựng hệ thống đường Vành đai, đường hướng tâm vẫn còn chậm và loay hoay.

"Trong vòng 5-10 năm, thành phố cần phải hoàn thành hệ thống đường Vành đai 1,2,3,4 và đường hướng tâm. Hệ thống hạ tầng này sẽ giúp các tỉnh thành liên kết chặt chẽ với nhau. Giao thông mà không kết nối thì không thể hợp tác phát triển kinh tế”, tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, những hệ thống hạ tầng trọng điểm như cảng biển Cái Mép – Thị Vải – Cần Giờ hay sân bay Long Thành… cần có những tuyến giao thông “chân rết” để kết nối tất cả các tỉnh thành. Ngoài ra, việc xây dựng hạ tầng kết nối các tỉnh thành sẽ tốn kém rất nhiều ngân sách, do đó cần có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa, nguồn lực tư nhân trong nước và nước ngoài. Trong khi đó, thành phố vẫn phải bám sát mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, để thúc đẩy tiến độ các công trình trọng điểm, UBND TP.HCM đã thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc cho các dự án giao thông lớn, tập trung vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng – vốn là “nút thắt” kéo dài nhiều năm.

Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã phối hợp với các sở ngành đẩy nhanh quá trình thẩm định, cấp phép và cập nhật quy hoạch kịp thời để không làm gián đoạn các dự án. Thành phố cũng chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách làm “vốn mồi”, kết hợp với cơ chế hợp tác công tư (PPP) để thu hút các nhà đầu tư vào các dự án giao thông quy mô lớn.

Ngoài ra, việc thực hiện “quy hoạch động” (quy hoạch có khả năng điều chỉnh linh hoạt theo thực tế phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng và nhu cầu sử dụng đất) cũng được đẩy mạnh nhằm tạo thuận lợi cho các công trình có quy mô liên vùng.

Từ năm 2023 đến nay, các dự án hạ tầng giao thông kết nối TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã bắt đầu vào guồng sau nhiều năm chờ đợi. Trong đó, nổi bật là Vành đai 3 TP.HCM, dự án trọng điểm quốc gia dài hơn 76 km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh. Công trình này vẫn đang thi công, dự kiến thông xe kỹ thuật cuối năm 2025.

Thông xe kỹ thuật cao tốc Bến Lức - Long Thành. (Ảnh minh họa: Lương Ý)

Thông xe kỹ thuật cao tốc Bến Lức - Long Thành. (Ảnh minh họa: Lương Ý)

Tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài dài 50 km, kết nối TP.HCM với Tây Ninh, cũng đang được đẩy nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư và đặt mục tiêu khởi công trước ngày 2/9/2025. Dự án kỳ vọng sẽ giải toả áp lực cho Quốc lộ 22 vốn đã quá tải từ lâu.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025. Tuyến đường này giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối liên vùng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục dọc phía Nam. Khi đưa vào khai thác, cao tốc này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các cảng biển, khu công nghiệp trọng điểm, đồng thời giảm áp lực cho Quốc lộ 51 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Ngoài ra, nhiều dự án khác cũng đang được tăng tốc như cao tốc Bến Lức – Long Thành, mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường sắt đô thị Metro số 2, các tuyến kết nối Tân Sơn Nhất – Long Thành, cảng Cát Lái – Hiệp Phước…

TP.HCM đang chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh… nhằm trao đổi, thống nhất các định hướng phát triển không gian, kết nối hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng.

TP.HCM đang từng bước thiết lập lại "bản đồ hạ tầng" mang tính liên vùng, mở ra không gian phát triển mới cho khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, thành phố vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức hiện hữu. Điển hình như việc giải ngân đầu tư công ở một số dự án chưa đạt yêu cầu. Nguồn vốn dành cho các dự án lớn vẫn phụ thuộc nhiều vào sự điều tiết của ngân sách Trung ương, trong khi TP.HCM cần cả trăm nghìn tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng trong giai đoạn tới.

Đại Việt