Giữ sạch biển cho đời sau

Sự việc Cục Hàng hải đề xuất nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải xuống biển Quy Nhơn đã khiến nhiều người lo ngại về tác động môi trường biển, cảnh quan khu vực…

Cách đây không lâu, đề xuất nhấn chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển ở tỉnh Bình Thuận cũng làm nóng dư luận cả nước, bởi lo ngại ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau và vùng biển ở tỉnh này. Sau đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo và các cơ quan chức năng dừng phương án này, thay bằng giải pháp khác.

Biển, hàng ngàn năm qua là một phần cực kỳ quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước, là cuộc sống của bao đời người dân Việt. Từ câu chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ đến những trang sử giữ nước hào hùng. Biển thiêng liêng và gần gũi, biển sâu nặng trong lòng dân. Chiến lược biển được Trung ương Đảng đề ra từ nhiều năm trước cùng với Luật Biển Việt Nam năm 2012 đều khẳng định tầm quan trọng và quy định rõ những điều khoản thực hiện, tuân thủ. Nên bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều phải bị xử lý theo luật định.

Tại hội nghị về bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày 2-11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám bày tỏ sự đau xót khi nguồn lợi thủy sản ngay cả nơi nghĩ rằng bảo vệ nghiêm ngặt nhất là các khu bảo tồn biển, vẫn chưa hiệu quả. Bộ NN-PTNT cũng dẫn số liệu hơn 30% nguồn lợi hải sản bị khai thác quá mức cho phép. Còn theo đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, nhiều khu bảo tồn biển đang đối diện với tình trạng ô nhiễm biển từ đất liền. Khu bảo tồn biển ở Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) chịu tác động từ tình trạng xây dựng cơ sở phục vụ hoạt động du lịch. Khu bảo tồn biển Hạ Long (Quảng Ninh), Hòn Cau (Bình Thuận) còn bị đe dọa từ các hoạt động kinh tế vùng bờ. Những tác động này không chỉ hiện hữu trước thanh thiên bạch nhật mà còn để lại nhiều di hại phía dưới lòng biển hôm nay và mai sau.

Do đó, cần có ngay những hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ môi trường, tài nguyên biển. Bài học Formosa đau xót, đắt giá đến chừng nào. Nhân loại càng tiến bộ về khoa học kỹ thuật càng biết trân quý những giá trị từ thiên nhiên đem lại, trong đó môi trường, môi sinh quan trọng vô cùng. Phá thì chớp mắt nhưng tôn tạo và tái sinh thì hàng chục, hàng trăm năm. Do đó, phải xử lý nặng với tổ chức, cá nhân vi phạm thì họ mới chùn tay, mới có tác dụng răn đe lớn. Các nước láng giềng giữ gìn tài nguyên biển chặt chẽ hơn chúng ta nhiều và người dân, doanh nghiệp nước họ khai thác du lịch và các dịch vụ, các ngành kinh tế khác cũng với tinh thần nghiêm túc, biết tuân thủ luật pháp và có ý thức giữ gìn di sản, tài nguyên thiên nhiên, môi trường…

Ăn con cá ngon, ngắm biển đẹp, môi trường trong lành, đó là hạnh phúc, là liên hệ bền vững con người với thiên nhiên. Giữ gìn tài nguyên biển là để cho con cháu mai sau được thụ hưởng, cũng là ý nghĩa đích thực của hai từ "di sản".

Cam kết rồi, đổ đâu chẳng được

Quyết định “đánh bùn ra biển” thường gợi lên những suy nghĩ không mấy lạc quan, khiến người ta nghi ngại về nguy cơ biển ...

Không nhận bùn thải xuống biển bằng mọi giá

Ngoài bờ biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có dòng hải lưu nên nhận chìm không đúng vị trí sẽ gây hậu quả rất phức ...

http://nld.com.vn/thoi-su/giu-sach-bien-cho-doi-sau-20171103224408263.htm

/ Linh Phương/nld.com.vn