Người nông dân xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đang rất bức xúc vì HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất và HTX dịch vụ Hoành Vinh đang ép họ phải đóng những khoản phí vô lý. Nếu không đóng sẽ không được thả trâu, bò ra đồng và sử dụng các loại máy gặt, máy cày.
Gửi chú Cuội,
Vốn là thân trâu ngựa, bao đời nay chúng tôi trung thành với chủ, chăm chỉ làm ăn. Thời điểm chúng tôi có giá, con người bảo “con trâu là đầu cơ nghiệp”, hay “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là ba việc hệ trọng của một đời người. Cần mẫn kéo cày, chở gỗ, trâu là người bạn của nhà nông, chúng tôi là tài sản đáng giá của mỗi gia đình. Thời công nghiệp hóa, máy cày thay trâu, họ hàng trâu chuyển hẳn sang hành nghề “vận tải”. Một số được vỗ béo, chuyên “cung cấp thực phẩm sạch”. Vẫn là phục vụ nhu cầu con người.
Chúng tôi từng ngậm ngùi khi nghe câu “trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”. Thôi thì số kiếp mình nó vậy, đâu dám mở mồm chia sẻ với ai. Mà nói thật, kêu cho sang mồm thế thôi, cho “gà” hay cao lương mỹ vị, liệu họ nhà trâu có nuốt được hay không?
Nhưng rồi chúng tôi tự hào, vì mình thuộc dòng chung thủy, không “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Tại sao ư? Này nhé “trâu ta ăn cỏ đồng ta”. Đồng nhà người có xanh tốt phì nhiêu, cỏ nhà người có mỡ màng xanh non, chúng tôi cũng chẳng màng.
Trâu, bò người dân xã An Ninh muốn ra đồng phải đóng phí.
Vậy mà, giờ đây, họ nhà trâu bò chúng tôi đang đứng trước nguy cơ chẳng có cỏ mà gặm. Không có ăn thì chết đói là cái chắc. Nghịch lý ở chỗ, trâu bò đói rã họng khi cỏ đầy đồng, bởi lẽ, chủ chúng tôi bói đâu ra tiền để đóng phí? Nghe có vẻ khó tin nhưng đó lại là sự thật.
Nếu vẫn không tin, chú Cuội có thể đến xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Người nông dân ở đó đang rất bức xúc vì HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất và HTX dịch vụ Hoành Vinh đang ép họ phải đóng những khoản phí vô lý. Nếu không đóng sẽ không được thả trâu, bò ra đồng và sử dụng các loại máy gặt, máy cày.
Theo đó, trâu lớn ra đồng phải đóng tiền "phí đồng" 100.000 đồng/con/năm, trâu nghé 50.000 đồng. Chủ tôi, làm nghề nông, nuôi 5 con trâu. Nhiều năm nay, muốn lùa đàn trâu ra ăn cỏ ở cánh đồng trước nhà, buộc phải đóng lệ phí cho HTX dịch vụ nông nghiệp. Nghe mà đắng đót quá.
Từ khi địa phương ra quy định oái oăm này, dù nhiều người dân phản đối nhưng HTX này vẫn làm đủ cách để ép các hộ nông dân phải đóng. Nếu không đóng phí sẽ bị cấm chăn thả trâu, bò ra ngoài đồng, bãi cỏ. Đương nhiên, ông bà cha mẹ, con cái nhà tôi bị nhốt trong chuồng.
Ngoài việc cuồng chân, chúng tôi phải trệu trạo nhai rơm khô đến bã cả mồm. Chủ thương, có lần lén đưa đàn trâu ra thả ở đồng, liền bị người của HTX phát hiện, xua đuổi như đuổi tà, chúng tôi chưa kịp mát mồm vì được xơi món khoái khẩu đã phải chạy bạt mạng thừa sống thiếu chết. Chưa hết, quá trình chăn thả, nếu hộ dân nào để trâu, bò ăn lúa dưới ruộng thì chủ còn bị phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng, mới nghe đã hãi.
Khi biết thông tin này, lãnh đạo xã cho rằng, những khoản phí "lạ" trên là do các HTX tự ý thu phí nên xã không nắm bắt được. Xã sẽ kiểm tra, nếu thấy không đảm bảo hợp lý sẽ chấn chỉnh ngay.
Nghe thì sướng, có chút hy vọng. Nhưng, trong lúc chờ đợi, họ nhà trâu bò vẫn phải ăn mới sống được. Chủ nhà thiếu thốn, nhiều lần đe mang chúng tôi ra “thịt” quách cho xong. Không ít hàng xóm trâu bò của tôi đã phải miễn cưỡng vào lò mổ khi chưa đủ tuổi. Oan khiên này biết tỏ cùng ai.
Vậy nên, mong chú Cuội mở lời, nói khó chị Hằng cho họ hàng nhà trâu chúng tôi di cư lên đó. May ra còn cửa sống, duy trì nòi giống.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Thu phí cỏ trâu bò: Cán bộ rút kinh nghiệm đồng loạt
Như vậy là vụ việc thu phí cỏ của trâu bò ở Thiệu Dương, Thanh Hóa đã được xử lý bằng cách phê bình, rút ... |
Thu phí ôtô vào nội đô, trung tâm Sài Gòn có giảm kẹt xe?
Nhà đầu tư giải pháp công nghệ đề án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM cho rằng việc này có lợi cho phần đông ... |