- Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn – ga Hà Nội
- Sẽ di dời ga Hà Nội, Giáp Bát để làm đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi
Lỗ sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn hơn 29,6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 104 tỷ đồng).
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, với tổng doanh thu của công ty mẹ đạt hơn 1.045 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước chỉ thu được hơn 767 tỷ đồng). Nhờ doanh thu tăng mạnh, số lỗ sau thuế của VNR chỉ còn hơn 29,6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 104 tỷ đồng).
Đặc biệt, VNR vẫn phải cung cấp hàng hóa dịch vụ dưới giá vốn (lỗ 4 tỷ đồng). Do đã tách thành các công ty con và công ty liên kết, hiện VNR chỉ còn cung cấp một số dịch vụ liên quan tới điều hành chạy tàu, cho thuê toa xe, đầu máy... Riêng hoạt động kinh doanh vận tải khách và hàng hóa đã được chuyển giao cho 2 công ty con là Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn.
|
Dù đã cắt lỗ mạnh so với 2 năm trước nhưng 6 tháng đầu năm 2022 đường sắt vẫn lỗ gần 30 tỷ đồng |
Trong tổng nguồn thu 6 tháng đầu năm của công ty mẹ VNR, số thu được từ cung cấp dịch vụ cho 2 công ty con trên chiếm đa số. Trong đó, số thu từ cung cấp dịch vụ cho Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội hơn 522 tỷ đồng, thu từ Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn hơn 357 tỷ đồng.
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm 2022, VNR dự kiến cả năm lỗ 570 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến trong nửa đầu năm, dự kiến kết quả kinh doanh cả năm nay của đường sắt sẽ được cải thiện đáng kể, sau 2 năm chật vật với dịch Covid-19.
Trước đó, năm 2021, công ty mẹ của VNR lỗ sau thuế 564 tỷ đồng, năm 2020 lỗ tới 1.327 tỷ đồng. Như vậy, đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp Tổng công ty Đường sắt ghi nhận thua lỗ.
Các công ty con VNR nắm cổ phần chi phối và có đóng góp lớn cho doanh thu của công ty mẹ (gồm cả sử dụng dịch vụ lẫn phân phối lợi nhuận) 2 năm qua đều lỗ nặng.
Cụ thể, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội năm 2021 lỗ 121 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 196 tỷ đồng; Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn trong 2 năm tương ứng lỗ 138 tỷ đồng và 217 tỷ đồng.
Ngoài vận tải khách, trong 2 năm trở lại đây, đường sắt đã chuyển hướng nhiều hơn vào vận tải hàng hóa. Đặc biệt, trong quý 1/2022, khi nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, hoạt động vận tải đường bộ bị ảnh hưởng, đường sắt đã tận dụng để mở rộng thị phần vận tải hàng hóa.