Đề xuất đưa vào dự thảo luật Giáo dục chủ trương miễn học phí cho bậc THCS như vừa khơi lại một ngọn lửa ấm áp hy vọng của chính sách giáo dục quốc gia vốn đã được mong đợi từ lâu.
Chúng ta vẫn còn nợ những đứa trẻ một lời hứa quan trọng, mà lại là lời hứa mà người lớn tự đưa ra.
Đó là lời hứa phổ cập giáo dục đến bậc THCS, được tuyên hứa tự cả chục năm rồi. Nhưng lời tuyên bố phổ cập giáo dục thì thường phải đi kèm với cam kết chính phủ về chính sách hỗ trợ cho học sinh tiếp cận giáo dục. Cụ thể là miễn học phí đối với bậc học đã tuyên bố phổ cập.
Không phải lần đầu đề xuất miễn học phí đối với bậc THCS được đưa vào dự thảo luật Giáo dục, nhưng người dân và học sinh vẫn còn đợi chờ một quyết tâm nào đó của chính phủ.
Là quyết tâm gì? Quyết tâm đem lại cho thế hệ trẻ một nền giáo dục ngày càng dễ tiếp cận hơn và nhờ vậy mà bình đẳng hơn, nhân văn hơn. Một quyết tâm về chính sách miễn học phí từ nhà nước sẽ chẳng thể thay thế hết công sức mồ hôi nước mắt của những bậc cha mẹ nuôi con ăn học, nhưng sẽ chuyển cho họ sức mạnh của niềm tin để dẫn con cái mình đi xa nhất có thể trên đường học tập. Một chính sách nhân văn như thế chắc chắn là được người dân chờ đợi đến nhường nào.
Không nên viện lý do thiếu tiền để lần lữa khước từ việc miễn học phí cho bậc THCS đã được tuyên là phổ cập. Nhiều người dân cũng thiếu tiền đấy thôi, nhưng họ chẳng thiếu tấm lòng với con em mình. Truyền thống dân tộc đã là như thế tự xưa nay.
Còn cần quyết tâm gì nữa? Là quyết tâm về thay đổi tư duy phát triển. Rằng một đồng tiền chi cho giáo dục, cho những đứa trẻ học hành, thì sẽ sinh lợi thế nào trong mai sau. Chắc chắn chẳng phải thứ lợi lộc thuần tiền bạc đâu, mà là những gặt hái về giá trị con người. Những lợi ích “trăm năm trồng người” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc.
Và hãy nghĩ về điều ngược lại, rằng hôm nay tiếc một đồng chi cho giáo dục thì sẽ lỗ bao nhiêu trong tương lai? Và lỗ điều gì?
Sẽ là lỗ những thứ mà bao nhiêu tiền cũng không bù đắp nổi. Lúc đó mới tặc lưỡi, buông câu “giá mà hồi đó...” thế này thế nọ.
Chưa kể, điều này cũng thuận với nền tảng Hiến pháp của chúng ta.
Việc thuận lòng dân, hợp lẽ đời, đúng luật pháp, thì chỉ còn chờ một chút quyết tâm nữa mà thôi. Vậy nên chuyện này, nếu lần nữa trì hoãn, thì thiếu quyết tâm cũng thành thiếu quan tâm.
Các trường muốn được rà soát, rồi sao nữa?
Lãnh đạo một trường đại học cho biết, mong muốn được rà soát thí sinh đã trúng tuyển trường mình. Có được rà soát? Sau ... |
Bạn không phải là Bill Gates, đừng bỏ học!
Bill Gates từng nói: “Một tấm bằng tốt nghiệp đại học vẫn là con đường chắc chắn và an toàn hơn để dẫn đến thành ... |