Chuyên gia cảnh báo trong cán cân quyền lực mới ở khu vực, Đông Nam Á chưa thể hiện được hết vai trò, nên đối mặt với rủi ro lớn.
Ông Tim Huxley trong phiên thảo luận sáng nay. Ảnh: Giang Huy.
Ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành khu vực châu Á, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) hôm nay khẳng định cán cân quyền lực của khu vực đang bị thách thức, trong đó các nước Đông Nam Á đang ở vị thế "ngày càng dễ bị tổn thương". Các nước ở khu vực này đang bị chia rẽ quan điểm về việc ủng hộ bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói tại phiên họp về cân bằng quyền lực mới thuộc Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới (WEF ASEAN 2018).
Huxley nêu rõ môi trường an ninh khu vực đang bị ảnh hưởng bới ba yếu tố, đó là Trung Quốc trở nên kiên quyết trong đòi hỏi yêu sách ở Biển Đông, có mối lo ngại gia tăng về sự đáng tin của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump với tư cách là đối tác và đồng minh của các nước trong khu vực, và vai trò của ASEAN.
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực đang gia tăng, bằng sức mạnh kinh tế và dẫn tới tác động địa chính trị. Trên Biển Đông, Trung Quốc xây dựng và quân sự hoá các đảo, mua sắm vũ khí như tên lửa, tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Huxley nhấn mạnh Trung Quốc đưa ra các mục tiêu chiến lược quan trọng ở Biển Đông, không chỉ là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, mà muốn có quyền tiếp cận các vùng lãnh hải ở Biển Đông.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục phương hướng như vậy", ông nói.
Trước thực tế Trung Quốc xây dựng nhiều căn cứ quân sự trái phép ở Biển Đông, ông Huxley cho rằng nếu các nước chấp nhận việc Trung Quốc kiểm soát khu vực này sẽ là một sai lầm lớn. Các nước có lợi ích liên quan cần thách thức Bắc Kinh thông qua nhiều biện pháp như tăng cường sức mạnh quân sự, các tuyên bố chính trị, các phương tiện pháp lý. "Việc phản đối hành động Trung Quốc cần thực hiện ở nhiều cấp độ", ông nói.
Trong khi đó, Mỹ nêu lên sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, nhưng việc thay đổi tên của khu vực không có nhiều ý nghĩa. Tổng thống Mỹ đã khiến các nước trông đợi Mỹ tiếp tục cam kết hợp tác ở khu vực hoài nghi, bằng hàng loạt hành động như không thông qua TPP, chỉ trích các đồng minh Nhật Bản, hợp tác với Triều Tiên, đề cập đến việc rút quân khỏi Hàn Quốc mà không có tham vấn trước với Seoul.
"Chiến lược mới của Mỹ chỉ có ý nghĩa nếu như Mỹ có cam kết thực sự với khu vực này", Huxley nói.
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, ông Robert Girrier, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương, Mỹ, đánh giá có sự dịch chuyển nhất định về liên minh ở khu vực nhưng cũng có nhiều tín hiệu không nhất quán, ví dụ như việc Tổng thống Mỹ Trump gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Huxley cho rằng ASEAN có tham vấn đa phương và song phương về vấn đề Biển Đông nhưng dường như chưa có giải pháp tổng thể nào. "Tôi khá quan ngại về việc này", ông nói.
Chuyên gia của IISS nêu hai chiến lược giúp các nước Đông Nam Á không bị "nghiêng về bên nào", đó là tăng cường khả năng chống đỡ của quốc gia và nâng cao khả năng này ở mức độ khu vực. Điều này có nghĩa ASEAN cần phải trở thành một tổ chức mạnh hơn.
Ông đánh giá việc nâng cao sức mạnh của ASEAN là "điều khó khăn", do đó ông khuyến cáo các nước thành viên tăng cường hợp tác với các nước cả về ngoại giao và kinh tế, để mở không gian cho nhiều nước trong và ngoài khu vực thể hiện vai trò trong các vấn đề có lợi ích chung. Các nước mà ASEAN có thể tăng cường hợp tác là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, Anh. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam đang theo đuổi chiến lược này khá tốt.
"Nếu ASEAN là một tổ chức vững mạnh và có khả năng duy trì thống nhất trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, tôi cho rằng an ninh khu vực sẽ được bảo đảm hơn", Huxley đánh giá.
Chi tiêu quân sự của Mỹ gấp 4 lần Trung Quốc
Đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma. Ảnh: CSIS
Theo Huxley, ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm 2017 Mỹ có chi tiêu quốc phòng vượt trội so với các nước còn lại. Cụ thể, chi tiêu của Mỹ ở mức 602,8 tỷ USD, cao gấp 4 lần con số của Trung Quốc (151,5 tỷ USD).
"Dưới chính quyền Tổng thống Trump, với vai trò quân sự bao phủ khắp thế giới, chi tiêu quốc phòng của Mỹ lớn hơn, cho thấy sức mạnh quân sự của nước này", Huxley nói.
Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản cũng dành nhiều ngân sách cho quốc phòng 45,7 tỷ USD) và Hàn Quốc chi 35,9 tỷ USD trong 2017. Trong khi đó con số của các nước Đông Nam Á (không tính Lào và Đông Timor) khá khiêm tốn là 39,1 tỷ USD.
Yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến chi tiêu của các nước Đông Nam Á là tính lành mạnh của nền kinh tế, với Singapore và Indonesia chi nhiều nhất. Các nước ở khu vực này có yêu cầu cao cho hải quân, chủ yếu nhập khẩu máy bay chiến đấu, tàu ngầm. Ông cho biết cuộc chạy đua ngày càng gay cấn.
Theo ông Huxley, trong 10 đến 15 năm qua, có nhiều nước cung cấp vũ khí cho Đông Nam Á. Những đối tác truyền thống là Mỹ, Nga, trong khi châu Âu, Hàn Quốc đang là nước mới gia nhập thị trường.
Ông Huxley đánh giá việc các nước muốn tăng cường năng lực quân sự là điều dễ hiểu, gợi ý thêm các nước cần mở rộng liên kết ngoại giao và kinh tế với các đối tác vì cần tránh phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
"Việc các nước ở Đông Nam Á mua sắm vũ khí có thể là một phần của giải pháp giúp cân bằng cán cân quyền lực ở khu vực. Khi các nước tăng cường năng lực quân sự, điều đó gây khó khăn hơn với Trung Quốc, trong việc tự tung tự tác", Huxley nhấn mạnh.
Go-Jek có gì để cạnh tranh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Là một trong những startup trị giá tỷ USD của khu vực, Go-Jek đã chính thức tiến đánh các thị trường lân cận ngoài sân ... |
Nikkei: Đông Nam Á có nguy cơ khủng hoảng nợ
Nợ ngoài của các quốc gia Đông Nam Á đang cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới, làm dấy lên lo ... |