- Xăng dầu ngày càng đắt đỏ: Có nên để thị trường quyết định giá?
- Giá xăng dầu liên tục cao kỷ lục: 'Hóa giải' cách nào?
- Hàng không quốc tế “ế” khách lại gặp "bão giá" xăng dầu chặn đà phục hồi
Xăng dầu tăng giá mạnh trong khi nhu cầu đi lại của người dân hạn chế gây sức ép khủng khiếp lên doanh nghiệp vận tải hành khách.
Ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, thừa nhận doanh nghiệp vận tải đang rơi vào tình cảnh éo le, không hoạt động thì nguy cơ vỡ nợ mà chạy thì cầm chắc lỗ.
“Xăng dầu tăng giá mạnh, doanh nghiệp gồng mình chịu trận từ nhiều ngày nay. Nếu cứ tiếp tục như vậy, sợ không cầm cự được nữa”, ông Bằng chia sẻ.
Doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao. (Ảnh minh họa)
Dù giá nhiên liệu tăng cao nhưng điều khiến cho nhà xe đau đầu là không thể lập tức tăng giá vé. Nguyên nhân không phải doanh nghiệp muốn tăng cước vận chuyển là tăng được. Tuy dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng nhu cầu đi lại của người dân vẫn rất hạn chế. Trừ những dịp nghỉ lễ, hoặc cuối tuần, còn thì đa số nhà xe đều ế dài.
“Hiện tại, số lượng xe của công ty chỉ hoạt động ở mức 30%. Nhiều chuyến xe do quá vắng khách đã phải cắt để dồn khách. Doanh nghiệp câu kéo đủ kiểu để mong hòa vốn nhưng nếu giá xăng dầu cứ tăng thêm thì không biết sẽ như thế nào”, ông Bằng nói thêm.
Đại diện hãng xe Phiệt Học Thái Bình cho biết "ác mộng" lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp vận tải hành khách là giá xăng dầu tăng cao. Để hạn chế thua lỗ, hãng đang tính toán phương án điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển nhưng lại lo hành khách quay lưng.
“Xăng dầu chiếm 30 - 40% đơn giá vận chuyển nên việc tăng giá ngay lập tức ảnh hưởng đến chi phí. Nhưng khó khăn là doanh nghiệp không thể ngay lập tức tăng giá cước vì mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách. Đa số doanh nghiệp vừa kiệt quệ vì dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nay thêm giá nhiên liệu tăng cao thì chết hẳn”, đại diện xe Phiệt Học Thái Bình nói và cho biết trong trường hợp có sự biến động về giá cước thì phía đơn vị luôn xem xét để đảm bảo lợi ích từ phía hành khách.
Ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh, cũng bày tỏ lo lắng việc giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh đến chi phí vận hành, doanh nghiệp càng thêm khó khăn. "Doanh nghiệp có đội xe khách 30 chiếc, nhưng nay chỉ hoạt động cầm một phần ba, số còn lại nằm bãi vì không có khách. Vốn đã thua lỗ vì dịch COVID-19, nay chi phí đầu vào bị đội lên thì đơn vị đã lỗ càng tiếp tục lỗ nặng hơn”, ông Văn nói.
Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ghìm giá xăng
Theo giới chuyên gia, giá dầu thế giới vẫn còn tiếp tục biến động phức tạp, các kỳ điều hành tới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chịu áp lực tăng giá rất lớn. Trong bối cảnh quỹ bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp khả thi hơn cả để điều tiết giá xăng dầu là giảm thuế, phí.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), cho hay hiện nay mặt hàng xăng dầu đang chịu cùng lúc nhiều sắc thuế. Đã có không ít ý kiến băn khoăn việc áp dụng cả thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Trong khi xăng dầu không phải là hàng hóa xa xỉ, đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường, lại phải gánh cả thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng chắc chắn giúp “hạ nhiệt” giá bán mặt hàng này, giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp”, ông Long nhấn mạnh.
Tương tự, PGS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, cũng cho rằng nên cân đối thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, hàng xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Hơn nữa xăng dầu cũng đang chịu thuế bảo vệ môi trường.
Theo ông Thịnh, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỉ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Trường hợp nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.
Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng cho rằng thời điểm này nên tạm thời miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, không để mặt hàng này tiếp tục leo thang. "Tôi cho rằng trong thời điểm này nên tạm thời bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Thực tế giá xăng dầu giảm đồng nào, doanh nghiệp đỡ tốn đồng ấy. Trong bối cảnh vừa lao đao vì dịch, nay xăng dầu liên tục leo thang thì không đỡ nổi. Khi nào doanh nghiệp hồi phục, khi đó sẽ thu bù sau”, ông Bằng nói.
Câu chuyện giá xăng dầu cũng được bàn thảo nhiều tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, vừa qua, giá xăng dầu tăng do xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy nguồn cung. Xăng dầu bản chất không phải khan hiếm nhưng do bị đứt gãy cho nên trong một giai đoạn nhất định hàng hoá không chuyển tiếp tới người tiêu dùng. Vì vậy, giá xăng dầu bị đẩy lên cao, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, và có thể dẫn tới những lo ngại về lạm phát.
"Tính bền vững trong tăng trưởng hết sức lưu ý. Khả năng kiểm soát lạm phát dưới mức 4% là khó theo mục tiêu đặt ra. Do vậy chúng ta phải tính tới các kịch bản điều chỉnh các chỉ tiêu trong đó có chỉ tiêu lạm phát", ông Vân nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng, việc giá xăng tăng phi mã như hiện nay sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, do đó, cần những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu.
"Quan trọng nhất là chi phí đầu vào và vấn đề kiểm soát lạm phát. Hiện nay, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng phải đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng", bà Sửu nói.
Từ đó, bà Sửu nêu quan điểm, cần giảm một số lệ phí cấu thành nên giá xăng dầu. Ví dụ, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng phải tính toán để giảm, nhưng giảm như thế nào để cân bằng thu chi là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng.
"Để có dư địa giảm với xăng, tôi cho rằng, cần tính toán tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với một số ngành nghề dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, hoạt động giải trí, vì những ngành nghề này đã hoạt động trở lại", bà Sửu đề xuất.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Không bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu”. Ông Diên cũng cho biết, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới, cho nên phải theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Song, ông nhấn mạnh: “Hãy yên tâm, lúc nào cũng có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu”.
https://vtc.vn/doanh-nghiep-van-tai-gong-minh-chiu-tran-giua-bao-gia-xang-dau-ar678900.html