- Giá xăng dầu cao ngất, doanh nghiệp vận tải đau đầu tính chuyện tăng giá vé
- Giá xăng sắp vượt 30.000 đồng/lít?
- 'Bão' giá xăng dầu tăng cao tác động thế nào đến kinh tế?
Xăng dầu tăng giá liên tục thời gian qua đã gây sức ép lớn đến các loại hàng hóa khác, làm gia tăng áp lực về lạm phát, tác động tiêu cực đến đời sống người dân.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá xăng dầu năm nay có khả năng diễn biến theo chiều hướng tăng cao, nhất là khi nguồn cung trong nước vẫn chưa ổn định, chuỗi cung ứng xăng dầu trên thế giới bị gián đoạn. Do đó, giải pháp quan trọng với các nhà điều hành là phải bám sát tình hình, đồng thời theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về tiến độ nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Bộ Công Thương đã lên kịch bản của cả năm cũng như kịch bản của từng quý, hằng tháng, liên tục rà soát lại các nguồn từ trong nước và nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu cao nhất là đủ xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, về nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) để chỉ đạo hai nhà máy lọc dầu vận hành công suất tối đa, đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Bình Sơn mà ta có thể chi phối được. Với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cơ quan chức năng cũng đề nghị phải khắc phục những sự cố để tạo nguồn trong nước ổn định.
Về nguồn nhập khẩu, trong bối cảnh nguồn trong nước bị cắt giảm và nguồn cung trên thế giới cũng bị gián đoạn thì công tác tạo nguồn từ nhập khẩu là rất quan trọng. “Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối có hướng đàm phán và thu xếp nguồn nhập khẩu để làm sao có được nguồn ổn định cũng như giá cả hợp lý phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng”, ông Đông cho biết thêm.
Rà soát để giảm thuế, phí
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, trong công tác điều hành mặt hàng xăng dầu, Liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục theo dõi sát diễn biến của giá thế giới để tiếp tục có những kiến nghị liên quan tới vấn đề về thuế, phí. Mới đây, liên bộ cũng đã đề cập tới việc rà soát lại ngay cả với thuế MFN (tức là mức thuế tối huệ quốc), với kiến nghị để giảm từ 20% xuống 12%.
Tuy nhiên mức giảm thế nào cũng phải tính để có thể hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước đồng thời giữ tỷ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung nhưng cũng phải tạo chênh lệch giữa các mức thuế thị trường FTA với các thị trường có mức thuế MFN.
Trước đó, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã chủ động kịch bản, cụ thể nếu giá 130 USD, 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất đưa ra kịch bản tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt…
Từ ngày 1/4, thuế môi trường giảm 50% (tương ứng 2.000 đồng) trên mỗi lít xăng, nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn tăng cao do giá dầu thế giới biến động khó lường. Hiện giá xăng đã tiến sát 30.000 đồng/lít, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Ngoài việc "cõng" 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% theo giá bán và thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít, mỗi lít xăng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Liên Bộ cho biết cũng đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) theo hướng linh hoạt, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước tăng thấp hơn đà tăng của thế giới. Nhưng khó khăn là quỹ BOG tại các doanh nghiệp đang âm nặng.
https://vtc.vn/gia-xang-dau-lien-tuc-cao-ky-luc-hoa-giai-cach-nao-ar677639.html