- Ngoài khí đốt, còn một "vùng cấm" khác với các lệnh trừng phạt Nga của EU
- Điều gì xảy ra với Nga sau đòn trừng phạt chưa từng có của phương Tây?
EU đã điều chỉnh các biện pháp trừng phạt với dầu mỏ của Nga, với quan điểm tránh mọi hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với an ninh năng lượng trên toàn cầu.
Với sự điều chỉnh của EU, các doanh nghiệp nhà nước của Nga như Rosneft và Gazprom có thể vận chuyển dầu đến các nước thứ ba. Đồng thời, việc các công ty EU thanh toán các khoản tiền liên quan đến việc mua dầu thô theo đường biển của Nga sẽ không còn bị cấm nữa.
EU xuống thang trong cuộc chiến năng lượng với Nga
Theo nội dung gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga được Liên minh châu Âu thông qua vào tháng 5/2022, khối này quyết định cấm vận một phần lớn lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, cụ thể là cấm toàn bộ việc nhập khẩu dầu của Nga được vận chuyển qua đường biển, cấm toàn bộ các công ty châu Âu được bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga cũng như các sản phẩm dầu mỏ của Nga bán sang nước thứ 3. Chỉ có một ngoại lệ trong gói trừng phạt thứ 6, đó là một số nước EU, đặc biệt là Hungary, vẫn tiếp tục được mua dầu mỏ do Nga cung cấp qua đường ống dẫn dầu “Druzhba”.
Châu Âu gặp nhiều khó khăn khi cấm vận dầu Nga.
Với gói trừng phạt thứ 6, các tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu như Total, Shell, Vitol hay Glencore đã phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Nga cho nước thứ 3. Trước đó nữa, từ tháng 3/2022, EU cũng đã ra lệnh cấm các công ty châu Âu được giao dịch tài chính với các tập đoàn năng lượng và vận tải biển lớn của Nga như Gazprom, Rosneft hay Sovcomflot.
Tuy nhiên, với việc điều chỉnh các lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga hôm 21/7 vừa qua, trên thực tế EU đang cho phép nối lại một phần lớn các hoạt động này, cụ thể là cho phép các giao dịch tài chính của các công ty năng lượng Nga liên quan đến việc bán dầu mỏ của Nga cho nước thứ 3, tức cho phép các công ty châu Âu được phép ký hợp đồng vận chuyển hoặc bảo hiểm cho các tàu dầu của Nga bán cho nước thứ 3.
Trong thông cáo của mình, châu Âu cho biết làm thế là để “tránh các nguy cơ tác động tiêu cực đối với an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu”. Giải thích này phản ánh một phần sự thật, đó là các căng thẳng trên thị trường năng lượng thế giới thời gian qua, với việc EU cấm vận dầu mỏ của Nga, đã khiến giá năng lượng tăng cao, đẩy lạm phát tại chính các nước phương Tây lên các mức cao nhất trong vài thập kỷ, như tại châu Âu là khoảng 9% trong tháng 6/2022.
Ngoài ra, với việc lệnh cấm của EU không cho phép các công ty châu Âu vận chuyển dầu mỏ Nga cho các nước thứ 3 sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2022, hiện nay các công ty vận tải biển châu Âu, trong đó lớn nhất là các đội tàu của Hy Lạp, đang hoạt động hết công suất để vận chuyển dầu mỏ của Nga cho các nước như Trung Quốc hay Ấn Độ, khi nhờ Nga chiết khấu cao (từ 30 - 40 USD/thùng) nên Trung Quốc hiện mua khoảng 1,3 triệu thùng dầu Nga/ngày còn Ấn Độ cũng mua gần 1 triệu thùng dầu Nga/ngày.
Các hoạt động này mang lại lợi nhuận rất cao cho các đội tàu biển cũng như các công ty bảo hiểm châu Âu nên một khi châu Âu cấm các hoạt động này, các công ty châu Âu sẽ mất đi một nguồn thu lớn. Ngoài ra, theo tính toán ban đầu của châu Âu, việc cấm vận sẽ khiến Nga rất khó vận chuyển dầu bán cho các nước thứ 3 nhưng các chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng các công ty buôn cỡ nhỏ hơn ở Trung Quốc, Ấn Độ hay một nước khác sẵn sàng chấp nhận việc vận chuyển dầu mỏ của Nga với mức bảo hiểm thấp hơn hay bằng các đội tàu cũ hơn, qua đó khiến cho lệnh cấm của châu Âu mất hiệu lực.
Cuối cùng, cũng cho rất nhiều thông tin khác cho thấy, dù quyết tâm cấm vận dầu mỏ của Nga nhưng châu Âu lại đang âm thầm mua rất nhiều dầu của Nga thông qua các kênh bí mật khác nhằm tích trữ dầu và do đó, việc nới lỏng các lệnh cấm bán dầu của Nga cho nước thứ 3 có thể cũng là vì mục đích đó.
Nhìn chung, dù châu Âu phủ nhận nhưng các động thái này cho thấy, khối này không dễ gì đạt được mọi mục đích làm tổn hại Nga khi cấm vận dầu bởi giá dầu mỏ thế giới vẫn đang rất cao và Nga vẫn đang bán được rất nhiều cho các nước khác ngoài châu Âu. Vì thế, những động thái vừa rồi dù không xem là nhượng bộ nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy châu Âu phải điều chỉnh chính sách của mình.
Châu Âu ngày càng chia rẽ
Tuần trước, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch năng lượng của EU để vượt qua mùa đông sắp tới, trong đó tập trung vào việc sử dụng tiết kiệm năng lượng. Cụ thể là EU yêu cầu tất cả các nước thành viên giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt từ tháng 8 năm nay tới tháng 3 năm sau, so với mức trung bình cùng kỳ các năm trước.
Ngay khi châu Âu đưa ra kế hoạch ứng phó năng lượng khẩn cấp, trong đó trọng tâm là việc yêu cầu tất cả các nước thành viên cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt, bắt đầu từ tháng 08/2022 đến tháng 03/2023, ngay lập tức đã có một số nước phản đối, như Hungary, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Italy, đảo Síp.
Các nước này trước hết chỉ trích Uỷ ban châu Âu là đã hành động một cách độc đoán, đưa ra một yêu cầu bắt buộc mà lại không tham khảo ý kiến của các nước thành viên. Tiếp đến, các nước này cho rằng kế hoạch của Uỷ ban châu Âu là “không công bằng và không hiệu quả”. Trong bức thư mở gửi Uỷ ban châu Âu, Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha, bà Teresa Ribera Rodriguez cho rằng, “các biện pháp ứng phó của châu Âu không thể chỉ dựa trên việc áp đặt một sự hy sinh không công bằng với các nước thành viên”.
Phía Tây Ban Nha tuyên bố nhu cầu tiêu thụ năng lượng của họ không vượt quá khả năng cung cấp nên việc yêu cầu phải cắt giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt là vô lý. Đây cũng là lập luận của các nước phản đối kế hoạch của Uỷ ban châu Âu. Các nước này yêu cầu Uỷ ban châu Âu phải xem xét mức độ khác biệt về tiêu thụ năng lượng giữa các nước thành viên EU để có các chính sách khác nhau. Hầu hết các nước này đều ám chỉ đến Đức, nước phụ thuộc lớn nhất vào nguồn cung khí đốt của Nga và hiện đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng đồng thời ủng hộ kế hoạch của EU về việc luân chuyển phân phối năng lượng giữa các nước.
Trong số các nước phản đối, quyết liệt nhất là Hungary. Thủ tướng Hungary, Viktor Orban đã công khai chỉ trích các chính sách trừng phạt Nga của EU, cho rằng các lệnh trừng phạt này chỉ khiến châu Âu tổn thương nặng nề. Trong tuần trước, Ngoại trưởng Hungary cũng đã sang Nga để thảo luận việc mua thêm gần 1 tỷ mét khối khí đốt của Nga, đồng thời kêu gọi châu Âu nên “nhìn thẳng vào sự thật” về thực trạng khí đốt hiện nay của khối cũng như nguồn cung khí đốt chính của khối đến từ đâu.
Vì thế, mục tiêu bắt buộc các nước EU giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt sẽ rất khó đạt được đồng thuận. Ba Lan đã yêu cầu đặt mục tiêu này thấp hơn và có thể tăng lên khi tình hình nghiêm trọng, trong khi Đức lại yêu cầu nâng mức cắt giảm bắt buộc cao hơn. Italy thì yêu cầu áp giá trần nhằm hạ thấp giá năng lượng. Do các bất đồng này, chắc chắn Uỷ ban châu Âu sẽ phải điều chỉnh kế hoạch ban đầu và ghi nhận ý kiến của tất cả các nước thành viên bởi để một chính sách của EU được thông qua, cần có ít nhất 55% quốc ga thành viên chiếm 65% dân số của khối tán thành.
Thỏa thuận Paris sẽ trôi vào quên lãng?
Với quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, các nước châu Âu đã tìm nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung và một trong số đó là lựa chọn quay về với phát triển nhiệt điện than. Ít nhất đã có Đức, Áo, Hy Lạp đang đẩy mạnh sản xuất điện từ than đá. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, cứ đà này, các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
Đây là một thực tế đáng lo ngại với châu Âu. Ví dụ điển hình nhất là tại Đức. Bộ trưởng Kinh tế - Môi trường Đức Robert Habeck, một trong những lãnh đạo của đảng Xanh nhưng từ khi đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng vài tháng qua, nước Đức đã bỏ qua hết những quan ngại về môi trường và tái khởi động lại 17 nhà máy điện than. Luật về tình trạng khẩn cấp này được chính Nghị viện Liên bang Đức thông qua.
Các nước như Áo, Hy Lạp cũng hành động tương tự. Ngoài ra, các nước châu Âu cũng đã và đang ráo riết tìm các nguồn cung dầu mỏ và khí đốt, tức là nhiên liệu hoá thạch từ các quốc gia khác. Có thể kể đến chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Senegal tháng 5/2022 nhằm đẩy mạnh việc khai thác một mỏ khí đốt tại nước này vào đầu năm 2023, chuyến thăm của Tổng thống Italy, Sergio Mattarella đến Mozambique để hợp tác khai thác khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) hay mới nhất là chuyến đi đến Azerbaijan của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen hay chuyến thăm Algeria của Thủ tướng Italy, Mario Draghi nhằm ký các hợp đồng mua khí đốt.
Tất cả các động thái này gửi đi các thông điệp rất tiêu cực. Đầu tiên, đó là việc châu Âu luôn tuyên bố đi tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đã đề ra “Hiệp ước Xanh” rất tham vọng về việc loại bỏ nhiên liệu hoá thạch để đạt trung hoà carbon sớm nhất thế giới trong giai đoạn 2045 - 2050 nhưng nay chính châu Âu lại đang sử dụng lại loại nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường lớn nhất là than đá.
Tiếp đến, châu Âu từng gây sức ép buộc các nước đang phát triển ngưng khai thác nhiên liệu hoá thạch vốn cực kỳ quan trọng đối sự phát triển kinh tế của các nước. Châu Âu cũng ngưng việc cấp tín dụng cho các dự án khai thác nhiên liệu hoá thạch để chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh vốn rất đắt đỏ và phương Tây nắm ưu thế công nghệ, nhưng đứng trước khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, chính các nước này đang đẩy mạnh các dự án khai thác nhiên liệu hoá thạch tại châu Phi.
Đây là tiêu chuẩn kép rất rõ ràng của các nước châu Âu, tức chỉ ép buộc các nước khác đi theo các chính sách mà chính châu Âu sẵn sàng xé bỏ khi gặp bất lợi. Ở thời điểm này, các lo ngại về việc bỏ lỡ các mục tiêu trong Thoả thuận khí hậu Paris thực sự đang bị lấn át hoàn toàn bởi nỗi lo thiếu hụt năng lượng tại châu Âu.
https://vtc.vn/dieu-chinh-trung-phat-dau-mo-voi-nga-eu-dang-xuong-thang-ar690025.html