- EU thông qua gói trừng phạt thứ 7 với Nga
- EC đề xuất đòn trừng phạt mới với Nga
- EU chuẩn bị tung đòn trừng phạt tiếp theo với Nga
Nga dường như “no đòn” khi phương Tây liên tục áp đặt lệnh trừng phạt trên mọi mặt trận.
Xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn trên thực địa, song bên cạnh đó còn cuộc chiến không kém phần khốc liệt khi phương Tây và Moskva liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay lên nhau. Có thể nói, đến thời điểm này, các bên đều ngấm đòn, hứng chịu hậu quả nặng nề từ các lệnh cấm vận này.
‘Cuộc chiến không tiếng súng’
Đến nay, Nga và Ukraine liên tục tung ra các đòn trừng phạt, đáp trả mạnh mẽ trên mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao… kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2. Và cuộc đối đầu không tiếng súng giữa Nga và phương Tây trên mặt trận kinh tế xem ra không kém phần khốc liệt so với cuộc chiến giữa Moskva và Kiev trên thực địa.
Nga hứng chịu làn sóng trừng phạt mạnh mẽ từ Mỹ và đồng minh sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2.
Mỹ và đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt với quy mô chưa từng có đối với Nga. Nga vượt qua Iran, trở thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới với hơn 8.000 lệnh trừng phạt. Mục tiêu đòn trừng phạt của phương Tây là rất rõ ràng, muốn gây tổn thất lớn, thậm chí là làm kiệt quệ đối với kinh tế Nga.
Trong những tuần sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, các quốc gia phương Tây đã giáng đòn cấm vận lên Nga với các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, chưa từng có tiền lệ, hạn chế Nga tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu.
Theo đó, Washington cấm Moskva thanh toán các khoản nợ bằng số tiền mà nước này nắm giữ trong các ngân hàng Mỹ. Điều này khiến Nga gặp khó trong việc trả khoản vay quốc tế. Chưa hết, tài sản của các ngân hàng trung ương Nga cũng đã bị đóng băng và các tổ chức tài chính lớn ở nước này đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đóng băng tài sản trị giá 13,8 tỷ euro (13,8 tỷ USD) mà các nhà tài phiệt Nga, cá nhân và tổ chức khác nắm giữ liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Đáp lại, Nga cấm người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng ở nước ngoài để ngăn dòng vốn chảy ra nước ngoài, trong khi ngân hàng trung ương áp dụng mức tăng lãi suất khẩn cấp 20% khi đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Trước đó, Nga liệt loạt tổ chức, cá nhân Mỹ vào danh sách đen, trong đó có cả gia đình Tổng thống Joe Biden dù cho điều này phần lớn được coi là mang tính biểu tượng.
Thế nhưng, theo giới phân tích, Nga không chỉ biết phòng thủ kinh tế mà nước này dường như có những tính toán sâu xa, ít nhiều nắm thế chủ động trong “trò chơi” đang diễn ra. Moskva đẩy xung đột Kiev lên cao trào, gây bất ổn thị trường dầu mỏ toàn cầu, làm tăng giá dầu và khí đốt. Điều này mang lại cho Nga nguồn lợi nhuận khổng lồ từ xuất khẩu loại hàng hóa này.
Nga chuẩn bị từ lâu
Các nhà kinh tế đã dự đoán về sự sụp đổ kinh tế của Nga sau khi phương Tây tấn công Moskva bằng các lệnh trừng phạt sâu rộng. Thế nhưng, sau hơn 4 tháng, Nga cho thấy kinh tế nước này vẫn đứng vững. Tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố lạm phát tại nước này đã chậm lại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định.
Nga là cường quốc năng lượng và nước này vẫn đạt doanh thu bán hàng khủng nhờ giá dầu tăng vọt. Việc Mỹ và EU áp đặt cấm vận dầu và khí đốt dường như không ảnh hưởng đến nguồn thu của Moskva từ lĩnh vực được coi là “vàng đen” này. Bởi vì, dù sản lượng xuất khẩu của Nga giảm song giá năng lượng liên tục lập đỉnh giúp Moskva kiếm bội tiền từ dầu khí.
Theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch có trụ sở tại Thụy Sĩ, trong 100 ngày đầu tiên chiến sự tại Ukraine, Nga kiếm được số tiền kỷ lục với 94 tỷ USD từ việc bán nhiên liệu hóa thạch, dù cho nước này bán dầu thô với mức chiết khấu 30% và xuất khẩu với khối lượng thấp hơn. Chỉ tính riêng trong tháng 5, Nga đã thu về 20 tỷ USD từ việc bán năng lượng, tăng 11% so với tháng 4. Còn cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết từ tháng 1 đến tháng 5, doanh thu năng lượng của Nga tăng 50%.
Tổng thống Vladimir Putin không quá bất ngờ trước các đòn trừng phạt liên tiếp của phương Tây.
Theo các chuyên gia, trong thời gian ngắn Nga có thể "né" các lệnh trừng phạt của phương Tây bởi nước này đã làm quen, chống chọi với đòn cấm vận kể từ năm 2014. Từ thời điểm đó đến nay, Moskva liên tục hứng chịu ảnh hưởng bởi loạt hạn chế thương mại bên ngoài.
Theo Veronica Carrion, nhà nghiên cứu kinh tế tại Hiệp hội ngân hàng Mỹ (ABA), Tổng thống Putin đã "tái thiết nền kinh tế Nga thành pháo đài" để chống chọi với những cú sốc từ bên ngoài. Trên thực tế, Nga vẫn đang cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ nhờ vào việc thực hiện một loạt biện pháp, trong đó nước này đã tăng cường dự trữ vàng.
Nga là nhà sản xuất kim loại quý lớn thứ hai thế giới trước xung đột Nga - Ukraine bùng phát, chi sau Trung Quốc. Moskva nắm giữ khối ngoại tệ lớn thứ 5 thế giới và lượng vàng dự trữ trị giá khoảng 630 tỷ USD. Nga đã mất quyền tiếp cận khoảng một nửa số tiền đó do các lệnh trừng phạt song vẫn còn rất nhiều vàng giữ trữ trong nước. Lượng vàng nắm giữ của Nga đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2014. Mỹ và nhóm nước G7 tuyên bố trừng phạt các giao dịch sử dụng vàng của Nga, nhưng điều đó sẽ không ngăn những nước khác buôn bán với Moskva.
Nga cũng tiếp tục tăng dự trữ ngân khố dưới dạng quỹ ứng phó khẩn cấp nhờ nguồn thu lợi nhuận từ việc bán dầu và khí đốt. Từ tháng 4 đến tháng 6, Moskva bổ sung 12,7 tỷ USD vào dự trữ khẩn cấp. Các khoản tiền này sẽ được sử dụng để đảm bảo sự phát triển kinh tế ổn định trong bối cảnh Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Nga cũng dần loại bỏ lệ thuộc vốn nước ngoài và tích cực trả nợ. Chuyên gia kinh tế cấp cao Gian Maria Milesi-Ferretti tại Trung tâm về chính sách tài chính và tiền tệ Hutchins cho hay, ngoài việc tích lũy cho ngân khố, Nga dần loại bỏ sự phụ thuộc dòng tiền nước ngoài bằng cách tích cực trả nợ. Nước này đã trả hơn 200 tỷ USD nợ nước ngoài trong 12 năm qua. Nga hiện là chủ nợ ròng trên thị trường quốc tế.
Theo ngân hàng JPMorgan, các khoản nợ nước ngoài của Nga khá thấp, ước tính nợ chính phủ khoảng 39 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ vào cuối năm 2021. Trong khi đó, Hy Lạp đã vỡ nợ 205,6 tỷ euro (277,5 tỷ USD) khoản nợ chính phủ vào năm 2012.
Tổng nợ quốc gia của Nga chỉ ở mức 17% GDP - thấp hơn nhiều so với mức ba con số đối với nhiều nước phát triển. Nợ quốc gia của Mỹ ở mức khoảng 130% GDP. Theo ông Anton Tabakh, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Expert RA, Nga thực sự không cần phải đi vay nước ngoài.
Ông Anton Tabakh nói thêm, vấn đề lớn nhất mà Nga gặp phải hiện nay là cách trả các khoản nợ nước ngoài vì những hạn chế từ đòn cấm vận của phương Tây gây ra. Một khi vấn đề được này giải quyết, Nga và các công ty của họ sẽ có thể trả bớt nợ và nguồn lực của chính đất nước "sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu của ngân sách, các ngân hàng và tập đoàn”.
Ông Putin có những bước đi để “phi USD hóa” ở nước Nga. Đã có sự chuyển dịch rõ rệt từ USD sang đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Nga đã giảm dự trữ USD từ gần 40% vào năm 2014 xuống chỉ còn hơn 10% vào cuối năm 2021.
Ngoài ra, Nga cũng đang dần tự chủ về kinh tế. Hassan Malik, nhà phân tích cấp cao tại trung tâm tư vấn quản lý Loomis Sayles có trụ sở tại Boston, nhận định kinh tế Nga đang theo hướng dẫn tự chủ, sẽ không sụp đổ như dự đoán dù tăng trưởng sẽ chậm và thấp hơn. Với tư cách là nhà sản xuất hàng hóa khổng lồ, Moskva dần thích ứng và đáp ứng các nhu cầu trong nước.
“Nga là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể tham gia vào hoạt động ‘tự cung, tự cấp’”, chuyên gia Hassan Malik nói, nhấn mạnh Nga là nhà sản xuất chính về dầu thô, khí đốt tự nhiên, lúa mì, và các kim loại như niken và palladium.
Hơn nữa, để đối phó với làn sóng di cư của những công ty quốc tế vốn mang theo hàng hóa và dịch vụ rời Nga, thực thể của Nga đã tiếp quản, thay thế các sản phẩm của các công ty này bằng các sản phẩm “cây nhà lá vườn”.
Khó khăn vẫn còn
Những nỗ lực của Nga nhằm tách rời nền kinh tế toàn cầu có thể đã giúp nước này giảm thiểu cú sốc ban đầu từ các lệnh trừng phạt gần đây của phương Tây. Thế nhưng, Nga cũng dần ngấm đòn, chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm vận này.
Tình hình kinh tế Nga vẫn sẽ rất khó khăn. Bản thân ông Putin từng nói rằng việc thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng hóa sản xuất trong nước "không phải là thuốc chữa bách bệnh". Ông cho biết Nga sẽ tìm kiếm các đối tác thương mại mới và tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nước này bằng “những công nghệ cực kỳ quan trọng".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 8,5% vào năm 2022, với mức giảm tiếp theo là 2,3% vào năm 2023. Đây sẽ là mức suy giảm lớn nhất của nền kinh tế Nga kể từ những năm sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Trong tháng 6, lạm phát của Nga tăng lên 15,9%, cao hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Các nhà phân tích dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Nga cũng có thể tăng vào cuối năm nay, khi nhiều cơ sở, nhà máy dần hết nguồn vật tư, linh kiện dự trữ, trong khi không nhập được hàng mới do lệnh trừng phạt phương Tây.
Kinh tế Nga đối mặt với nhiều khó khăn sau khi Mỹ và đồng minh áp đặt biện pháp trừng phạt.
Hơn 4 tháng sau xung đột, các ngành công nghiệp của Nga đang phải chịu đựng tình trạng khan hiếm nguồn cung công nghệ nghiêm trọng. Làn sóng trừng phạt đã hạn chế các công ty phương Tây cung cấp cho Nga chíp, thiết bị điện và phần cứng quan trọng khác cần thiết để sản xuất mọi thứ từ thiết bị nhà bếp, ô tô, máy tính và thiết bị quân sự...
Nga đã thay thế hàng hóa phương Tây bằng điện thoại thông minh từ Trung Quốc, tủ lạnh từ Uzbekistan và thiết bị 5G từ Israel và Ấn Độ kể từ khi bùng phát xung đột. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống lớn mà ngay cả Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nga, cũng không thể lấp đầy.
Sau các lệnh trừng phạt vào tháng 3, giá trị của đồng rúp xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Mặc dù nó đã phục hồi song một số chuyên gia cho rằng đồng rúp được định giá quá cao do tình hình kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Nga.
Theo ngân hàng VEB của Nga, dân Nga đang phải gánh chịu sức nặng của các lệnh trừng phạt. Theo đó, lương thực tế của người Nga dự kiến sẽ giảm gần 6% trong năm nay và thu nhập khả dụng thực tế giảm 7,5%. Hiện có khoảng 21 triệu người - chiếm gần 15% dân số Nga, sống dưới mức nghèo khổ. Con số này đã tăng lên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra.
Trong cuộc chiến không tiếng súng này, dù Nga hiện chịu thiệt hại không nhỏ song phía Mỹ và châu Âu cũng đang phải gánh chịu cú sốc nghiêm trọng, chủ yếu do giá năng lượng tăng cao, đặc biệt là trong mùa đông sắp tới. Trong khi đó, lạm phát lập kỷ lục tại nhiều nước, còn tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên khi các ngân hàng trung ương phản ứng với áp lực lạm phát bằng cách nâng lãi suất.
https://vtc.vn/dieu-gi-xay-ra-voi-nga-sau-don-trung-phat-chua-tung-co-cua-phuong-tay-ar688957.html