Diệt Baghdadi - thắng lợi cuối của Mỹ ở Syria

Mỹ có thể không còn cơ hội thực hiện các chiến dịch tương tự cuộc đột kích diệt Baghdadi ở Syria sau những quyết định của Trump. 

Cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ diệt thủ lĩnh tối cao phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi hôm thứ 26/10 được đánh giá là một chiến tích "gần như hoàn hảo". Mỹ còn lập "cú đúp" khi tiêu diệt Abu Hassan al-Muhajir, cánh tay phải của Baghdadi, trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái (UAV) hôm 28/10.

Các thành công này của Mỹ là kết quả của sự phối hợp giữa lực lượng quân đội, tình báo Mỹ cũng như giữa Mỹ với các đồng minh trong khu vực. Tuy nhiên, những động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể khiến Mỹ không thể thực hiện các cuộc tấn công tương tự trong tương lai, theo chuyên gia phân tích an ninh Thomas S. Warrick.

 

 

Cuộc đột kích vào hang ổ Baghdadi được coi là đòn giáng mạnh vào IS, nhưng thủ lĩnh kế nhiệm của nhóm này cùng các tổ chức khủng bố khác sẽ nhanh chóng rút kinh nghiệm, tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn mà các lực lượng đặc nhiệm và máy bay không người lái Mỹ không thể tiếp cận.

"Tôi đã từng tham dự các cuộc họp rút kinh nghiệm trong cuộc chiến với IS, al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác ở trong và ngoài nước. Những năm qua, chúng tôi đã biết được làm thế nào để đánh bại các tổ chức khủng bố như IS, và thành công của chúng tôi dựa trên hai yếu tố quan trọng, điều mà có thể bị hủy hoại bởi những quyết định gần đây của Tổng thống", Warrick, người từng có hơn một thập kỷ công tác tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cho biết.

Yếu tố đầu tiên mà Warrick đưa ra là Mỹ đang mất dần những khu vực để triển khai hoạt động quân sự trên thực địa. Tàn dư của IS vẫn còn lẩn trốn ở khu vực miền bắc Syria, nơi Trump bất ngờ tuyên bố rút quân hôm 6/10.

Trước đây, không quân Mỹ từng được tự do hoạt động ở khu vực này và lực lượng bộ binh có thể phối hợp với dân quân người Kurd ở Syria để thu thập thông tin tình báo. Nhưng kể từ khi quyết định rút quân có hiệu lực, họ đã để mất đi quyền tự do thực hiện các hoạt động trên.

Quân đội chính phủ Syria và Nga đã "lấp đầy khoảng trống" do Mỹ để lại, cùng với đó là khả năng can dự của Iran. Cả ba lực lượng này đang khiến các hoạt động của không quân Mỹ trên vùng trời miền bắc Syria ngày càng khó khăn hơn. Ngay cả cuộc đột kích Baghdadi hôm 26/10 cũng phải được gấp rút thực hiện trước Mỹ mất quyền can thiệp trên lãnh thổ lãnh thổ người Kurd ở Syria và triển khai không quân ở miền bắc Syria.

Tại Iraq, nơi các tay súng IS đang lẩn trốn, chính sách cứng rắn của Trump với Iran đang khiến quan hệ giữa Washington và Baghdad ngày càng trở nên căng thẳng, khi Iraq ngày càng xích lại gần Iran.

Chính phủ Iraq đã nỗ lực giữ thế trung lập giữa "những người bạn" Mỹ và Iran, do vậy hành động của Trump đã dồn Iraq vào "chân tường". Baghdad đã đáp trả bằng cách hạn chế số lượng binh sĩ và nhiệm vụ Mỹ được phép thực hiện trên lãnh thổ nước này. Tuần trước, Iraq thẳng thừng tuyên bố sẽ không cho phép lính Mỹ rút khỏi Syria được đồn trú lâu dài ở nước này.

Các cuộc tấn công bằng UAV của quân đội Mỹ nhằm vào các phần tử khủng bố sẽ tiếp tục được triển khai, bởi điều này sẽ hạn chế được thương vong cho Mỹ. Tuy nhiên, việc triển khai UAV thực hiện sứ mệnh không kích ở những nơi như Afghanistan đang ngày một khó khăn hơn khi Trump đã ra lệnh rút quân, điều làm giảm khả năng theo dõi và tìm ra nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố ở khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 27/10. Ảnh: AP.

Ngoài ra, Warrick cho rằng các thành công trong nỗ lực chống khủng bố của Mỹ ở Libya, Afghanistan, Somalia và Yemen đang buộc các phần tử IS và các nhóm phiến quân khác tìm nơi trú ẩn an toàn hơn. Với khả năng thích ứng nhanh chóng, kẻ cầm đầu những tổ chức này sẽ tìm những nơi ẩn náu mà tình báo và UAV Mỹ không thể tiếp cận như trong trường hợp của Baghdadi.

Thổ Nhĩ Kỳ là nơi các phần tử khủng bố biết rằng Mỹ không thể triển khai đặc nhiệm và UAV để tấn công. Những rạn nứt trong quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa tới nỗ lực hợp tác chống khủng bố giữa hai nước.

Đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng bởi Baghdadi bị tiêu diệt khi đang ẩn náu tại tỉnh Idlib, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vài km. Dù năng lực chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã được cải thiện, tàn dư của IS vẫn có thể ẩn náu hoặc quá cảnh ở nước này để gia nhập các "chân rết" của tổ chức ở châu Âu hoặc các nơi khác.

Thứ hai, Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và đột kích trên thực địa đều phụ thuộc vào các mạng lưới đồng minh và khả năng thu thập thông tin tình báo. Để có được cuộc đột kích thành công vừa qua, người Kurd ở Syria đã cung cấp cho Mỹ những thông tin tình báo quan trọng về al-Baghdadi, và bên cạnh đó, họ còn hỗ trợ các cuộc đột kích và tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ nhằm vào các tay súng IS trong suốt ba năm qua.

Hành động bất ngờ rút quân khỏi Syria của Trump đã "mở đường" cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các đồng minh người Kurd của Mỹ. "Sự phản bội" đó sẽ khiến Mỹ khó có được sự giúp đỡ của các cộng đồng thiểu số khác ở nước ngoài nếu cần, đặc biệt là khi yêu cầu họ phải mạo hiểm tính mạng.

Warrick cho rằng yếu tố thứ hai tạo nên năng lực chống khủng bố toàn diện của Mỹ chính là khả năng xây dựng mạng lưới tình báo, quốc phòng, quan hệ với các đối tác trong khu vực. Đây không phải là điều có thể đạt được trong ngày một ngày hai và Mỹ đã mất hàng thập kỷ để có được năng lực đó. 

Chính quyền cựu tổng thống Obama cũng đã mất nhiều năm để xây dựng các mạng lưới quan hệ phức tạp, góp công lớn trong việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011. Trong chiến dịch diệt Baghdadi, dân quân người Kurd đã có đóng góp thông tin tình báo quan trọng giúp đặc nhiệm Mỹ thực hiện nhiệm vụ thành công.

Nhưng giờ đây, Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất khả năng thực hiện các hoạt động quân sự tương tự chiến dịch đột kích diệt Baghdadi cũng như không thể phát triển những năng lực quân sự mới cho tương lai.

Đặc nhiệm Mỹ vẫn sẽ cần tiến hành các cuộc đột kích, nhưng các quan chức an ninh đều nhất trí rằng biện pháp "tiêu diệt" này không phải là thượng sách trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong các cuộc đối thoại chính sách, các tướng đặc nhiệm cũng cảnh báo rằng Mỹ sẽ không thể giành chiến thắng toàn diện chỉ với các biện pháp quân sự.

Các quan chức này cho rằng Mỹ cần tăng cường các biện pháp phi quân sự, như truy tìm, bắt giữ, khởi tố và tống giam các phần tử khủng bố, cũng như ngăn chúng không được lên máy bay và vượt biên.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, khi Mỹ cần đầu tư nhiều hơn vào việc giúp đồng minh xây dựng các cơ chế chống khủng bố dân sự, an ninh hàng không, an ninh biên giới, phòng chống khủng bố và năng lực thực thi pháp luật. Đây có thể là điều khiến Tổng thống Trump không hài lòng.

Sau khi ra lệnh rút hết quân Mỹ khỏi Syria, Trump đã đổi ý, cho phép duy trì vài trăm lính đặc nhiệm tại đây, nhưng với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ các mỏ dầu. Theo Warrick, những lính Mỹ canh gác mỏ dầu ở đông bắc Syria sẽ tận dụng mọi cơ hội để ngăn chặn IS, nhưng điều này là không đủ.

"Đừng nhầm lẫn điều đó với sự ủng hộ toàn diện từ Tổng thống vốn rất cần thiết để đảm bảo rằng IS bị đánh bại vĩnh viễn", chuyên gia này nói.

Quốc Hưng (Theo NBCNews)

 

Đông Nam Á vẫn nơm nớp sau cái chết của thủ lĩnh IS
Mỹ công bố thông tin mật về chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS
IS "im hơi" sau khi mất đầu rắn
Đội đặc nhiệm tinh nhuệ kết liễu tên trùm IS
Khung cảnh "nát như tương" sau khi Mỹ ra tay diệt trùm IS
Cậu bé được thưởng 110 tỉ đồng vì giúp diệt trùm IS Philippines
/ vnexpress.net