Đây là thông tin PGĐ Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân trao đổi với PV Lao Động. Cũng theo ông Dân, do tác động của dịch COVID-19, cao điểm của sa thải, cắt giảm nhân sự sẽ diễn ra vào tháng 7, tháng 8.2020 và sẽ còn kéo dài theo tình hình của dịch bệnh.
- Thưa ông, xin ông cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố có bao nhiêu lao động nghỉ việc/giãn việc,... Sở LĐ-TB&XH đánh giá ra sao về tình hình từ nay đến cuối năm?
Tại Hà Nội, việc doanh nghiệp (DN) tiếp tục cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc và thanh lý hợp đồng sẽ tiếp tục diễn ra vào tháng 7, tháng 8, thậm chí đến cuối năm 2020. Các DN trong ngành du lịch cố cầm cự để giữ chân NLĐ, mong qua dịch sẽ có lượng khách du lịch hồi phục lại. Tuy nhiên, hiện tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam vẫn chưa nhận du khách nước ngoài, ngành du lịch tiếp tục gặp khó khăn. Hiện nay hầu hết DN du lịch đang rà soát nhân sự để cho nghỉ việc. Tương tự, nhiều ngành khác cũng thế, khi chúng ta đứt gãy chuỗi cung ứng, kinh tế lại rất mở, nên các DN xuất khẩu không xuất được hàng và không nhập được nguyên liệu sẽ tiếp tục cắt giảm số lao động. Đây là thực trạng chung.
Ông Nguyễn Hồng Dân - PGĐ Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội trao đổi với PV Lao Động. Ảnh: Trần Kiều |
Theo thống kê của tất cả các quận huyện, địa bàn TP. Hà Nội, từ tháng 4 có khoảng 65.000-67.000 lao động tạm hoãn, ngừng, mất việc làm. Con số này từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 100.000 người. Căn cứ số người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trong 6 tháng đầu năm đã lên tới gần 40.000 người. Riêng quý 2.2020, con số tăng thêm 70,8% so với quý 1.2020.
- Vậy Sở sẽ đề xuất giải pháp nào để hỗ trợ DN, người lao động trong thời gian tới?
Hiện chúng tôi đang chỉ đạo 30 quận, huyện, thị xã tổ chức điều tra, thu thập, lưu trữ thông tin về thị trường lao động. Theo đó, gần như tiến hành 1 cuộc điều tra để khảo sát tình hình DN, nhu cầu tìm kiếm việc làm của NLĐ. Hết tháng 7, Sở sẽ chỉ đạo TTDVVL phân tích những dữ liệu này để dự báo thị trường lao động của thành phố Hà Nội trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Trước dịch, thị trường lao động thủ đô rất sôi động và phát triển. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh, tình hình thị trường lao động sụt giảm mạnh chưa từng thấy. Sau khi có dữ liệu phân tích, chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp, đề xuất với thành phố có các cơ chế, chính sách phù hợp.
Hiện nay, thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn thành phố, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các quận huyện, sở ngành thực hiện kế hoạch của Thành phố, là vẫn duy trì thực hiện 5 giải pháp cơ bản.
Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: đầu tư, khởi nghiệp, phát triển các doanh nghiệp để tạo việc làm mới. Vừa rồi, Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị về hợp tác đầu tư, thu hút khoảng 282 dự án với số vốn trên 450.000 tỉ đồng. Các dự án khi được đầu tư triển khai sẽ thu hút một lượng lao động rất lớn. Sở cũng đề xuất với thành phố, phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư tổ chức những hội nghị tiếp xúc với các chủ đầu tư này để nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của DN để từ đó nắm được số lượng lao động DN cần, yêu cầu về trình độ đối với NLĐ để lên kế hoạch phục vụ cho việc đào tạo cho NLĐ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các dự án này. Theo dự kiến, 282 dự án này sẽ thu hút hàng chục nghìn lao động trên địa bàn thành phố nên phải chuẩn bị đón đầu ngay từ bây giờ.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách rà soát, chỉ đạo khối đào tạo nghề của TP. Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đầu vào, đầu ra.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Hiện do dịch, mới có Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản bắt đầu mở cửa trở lại. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Thứ tư, tăng cường đề nghị thành phố việc ủy thác nguồn vốn ngân sách thành phố sang Ngân hành Chính sách xã hội để tổ chức cho vay giải quyết việc làm. Từ đầu năm 2020 đến nay, có hơn 30.000 NLĐ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thứ năm, tập trung cho việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Ngoài phiên giao dịch thường xuyên từ thứ 2 - thứ 6 hàng tuần tại 2 trung tâm chính là 215 Trung Kính và 144 Trần Phú (Hà Nội) chúng tôi đồng thời tổ chức ở 13 điểm sàn trên địa bàn 13 quận, huyện. Theo đó, tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động cho NLĐ và cho người sử dụng lao động nhằm kết nối cung - cầu lao động.
Chúng tôi cũng nhận thức nỗ lực giải quyết việc làm không chỉ phụ thuộc ngành LĐTBXH mà còn cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Hiện nay, do DN đối diện nhiều khó khăn, số lao động bị mất việc làm khá lớn. Lực lượng này khi đến TTDVVL thực hiện chính sách BHTN chúng tôi tăng cường tư vấn tại chỗ để NLĐ sớm quay trở lại thị trường lao động. Vừa tư vấn giới thiệu việc làm, NLĐ có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề sẽ đào tạo lại,... là những giải pháp chúng tôi sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Quan trọng nhất vẫn là giải pháp tăng trưởng thúc đẩy kinh tế - đây là giải pháp số 1. Hỗ trợ cho DN khỏe, DN phục hồi thì họ mới tạo công ăn việc làm cho NLĐ. Nếu mình có cung về nguồn lao động mà DN không còn nữa thì cũng không thể sử dụng NLĐ. Nỗ lực này thuộc về nhiều cấp, ngành và đòi hỏi chính sách vĩ mô để hỗ trợ cho DN.
Cá nhân tôi nghĩ phải có khảo sát thực tế xem DN cần gì. Dù chính sách vừa qua có tác động tốt nhưng nó đã thực sự căn cơ chưa? việc "tiêm" liều thuốc đó DN đã phục hồi được chưa hay chỉ mới giảm bớt khó khăn?
- Hà Nội đang đón chờ nhiều dự án, siêu dự án hứa hẹn sẽ giải quyết khá nhiều công ăn việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, câu chuyện đó sẽ không có ngay trong thời gian trước mắt. Sở có đưa ra các kịch bản ứng phó cho lĩnh vực mình, nếu tình hình thế giới sáng hơn hoặc xấu đi?
Hiện chúng tôi chưa đưa ra kịch bản cụ thể nào vì hiện vẫn đang điều tra thu thập và lưu trữ thông tin thị trường lao động. Phải là khi có con số chính thức, biết được thực trạng hiện nay DN cắt giảm nhân sự ra sao, tình hình NLĐ mất việc làm như thế nào thì đó mới đưa ra dự báo, từ dự báo mới xây dựng kịch bản cụ thể.
Hiện, chúng tôi đang tiến hành các công việc cần thiết để xây dựng kịch bản ứng phó. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh điểm rơi của tình trạng sa thải, mất việc là tháng 7, tháng 8.2020 và kéo dài đến hết 2020, khi DN không cầm cự nổi và tiến hành rà soát bộ máy.
Nếu phải đưa ra kịch bản thời điểm này chỉ là dự báo chung. Về dự báo tình hình dịch bệnh, chúng tôi sẽ đưa ra tình huống tồi tệ nhất để có giải pháp ứng phó. Ví dụ dịch bệnh còn kéo dài đến hết quý 1.2021 - thời điểm có thế bào chế được vắc-xin. Tất cả những kế hoạch hiện đều xây dựng đến hết quý 1.2021.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận gần 40.000 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Lê Phương
Đến cuối năm 2020, hơn 100.000 lao động Hà Nội sẽ mất việc
Đây là thông tin PGĐ Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân trao đổi với PV Lao Động. Cũng ... |