Mỗi lần bão lũ tràn tới, nhất là ở phần khúc ruột miền Trung, là một lần ta thấm thía hơn cái gian nan của một đất nước bên bờ sóng. Hơn 2.000 cây số chạy dọc bờ biển là một ưu đãi tuyệt vời của thiên nhiên nhưng cũng là chất chồng thử thách.
Đối mặt với hiểm nguy, trong gian khó vô cùng, phẩm chất người Việt vẫn ngời sáng, đạo nghĩa lá lành đùm lá rách như là lý do để dân tộc này trường tồn.
Cảnh hoang tàn sau bão số 12 tại vùng ngoại ô Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) (Nguồn: Tuổi trẻ). |
Sau những trận cuồng phong của bão, lũ đã sầm sập kéo đến. Việc này, không năm nào không có, chỉ mức độ là khác. Như những ngày này, một phần đất đai và đồng bào ruột thịt đang oằn mình trong lũ.
Hình thái địa lý khu vực sinh tồn của người Việt chúng ta không cách nào thay đổi được. Cho nên, dễ hiểu vì sao công cuộc xóa đói giảm nghèo lại gian nan đến thế.
Chỉ một trận bão, một trận lũ thôi là lại khiến biết bao gia đình trắng tay. Biết bao gia đình vừa mới thoát nghèo lại đứng trước nguy cơ tái nghèo.
Những ngày này vẫn đang nằm trong tháng cao điểm Vì người nghèo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Hình ảnh đồng bào Nam Trung Bộ đang gian nan trong lũ, hình ảnh 2 di sản thế giới là Huế và Hội An đang ngập chìm trong lũ như là một minh chứng, một thử thách rõ nhất trong Tháng cao điểm Vì người nghèo.
Rằng, đây là một cuộc vận động thiết thực, bền bỉ và lâu dài để thắp sáng tình nghĩa đồng bào, để sưởi ấm lòng người hoạn nạn, để đạo lý dân tộc sáng ngời lên.
Khối đại đoàn kết dân tộc không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là những biểu hiện cụ thể, như trong những ngày này, khi tình đoàn kết gắn bó mọi người Việt Nam chia sẻ bớt khó khăn, làm ấm lòng những người dân miền Trung đang gặp nạn.
Như trong lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa gửi đồng bào cả nước, đã nêu: Trong khó khăn hoạn nạn, đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp thể hiện trách nhiệm, tình thương yêu, đùm bọc giúp đỡ đối với nhân dân vùng bị bão lũ tàn phá.
Không ai muốn trở thành người khó khăn để nhận sự hảo tâm của người khác. Nhưng như đã nói, không ai chọn nơi để sinh ra, có những vùng đất có những thiệt thòi hơn vùng đất khác, mà luôn luôn khó lường thiên tai.
Ai đã từng đi qua những vùng đất miền Trung sau bão lũ, đủ thấm thía những khó khăn mà đồng bào mình phải trải qua. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những ngôi nhà vốn đã tiêu điều càng trở nên xơ xác…
Những ngày này, đồng bào miền Trung đang thật sự gặp khó khăn, “hàng chục ngàn người lâm vào cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ của đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng bạn bè quốc tế”.
Nhất là đối với người Việt Nam, chỉ cần nghĩ đến một phần đồng bào mình đang đói ăn, khát uống là không ai có thể thờ ơ được.
Sự chung tay của tình nghĩa đồng bào không phải chỉ là giá trị vật chất mà còn là có giá trị tinh thần to lớn, để người dân miền Trung dù trong khốn khó, thiếu thốn sau cơn bão lũ vẫn biết mình không đơn độc.
Tinh thần này đã được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”; Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thiết tha kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước hãy dành cho đồng bào vùng bị thiệt hại do bão, lũ gây ra sự giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất để góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống.
Tương thân tương ái vốn là truyền thống của người Việt. Có thể trong mỗi ngày bình thường, đạo lý tình cảm ấy bị lẩn khuất đâu đây, thì khi một khúc ruột gặp hoạn nạn, đồng bào miền Trung vật vã chống chọi với bão lũ, phẩm chất ấy lại trở về, biến thành hành động chung tay, thành những giá trị vật chất cụ thể và thiết thực nhất, giúp đồng bão vùng bão lũ nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Sau sức tàn phá điên cuồng của cơn bão số 12, mảnh đất Nam Trung Bộ lại đang chìm trong lũ. Thật xót xa khi nhìn những cánh đồng, những mảnh vườn, những ngôi nhà ngập sâu trong nước.
Thật đau đớn khi biết rằng thiên tai đã cướp đi mấy chục mạng người. Thật khó hình dung những ngôi nhà trong phố cổ Hội An thường ngày đẹp đẽ như vậy giờ cũng đang dầm trong nước…
Tất nhiên, một vài ngày nữa nước sẽ rút đi, nhưng để tái thiết lại cuộc sống, đồng bào ở vùng khó khăn đang cần sự chia sẻ từ tất cả chúng ta.
Trong những ngày qua, chúng ta đã bắt gặp rất nhiều nghĩa cử cao đẹp của đồng bào cả nước hướng tới đồng bào vùng lũ.
Lời kêu gọi kịp thời và tha thiết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ là điểm tựa để những nghĩa cử cao đẹp, đơn lẻ trở thành một khối đồng lòng, nhân rộng và lan tỏa, tiếp nối truyền thống, sưởi ấm tình đồng bào.
Sau Lời kêu gọi, tinh thần cứu trợ đồng bào vùng lũ đã và sẽ được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện một cách khẩn trương, trách nhiệm.
Để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, để nhanh nhất có thể, đồng bào vùng lũ sẽ ổn định cuộc sống, như vốn có.
Khối đại đoàn kết dân tộc không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là những biểu hiện cụ thể, như trong những ngày này, khi tình đoàn kết gắn bó mọi người Việt Nam chia sẻ bớt khó khăn, làm ấm lòng những người dân Nam Trung Bộ đang gặp nạn. Những ngày này, có tới miền Trung mới thấm thía những khó khăn mà đồng bào mình đang phải trải qua. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những ngôi nhà xơ xác… Chỉ cần nghĩ đến một phần đồng bào mình đang đói ăn, khát uống là không ai có thể thờ ơ. |
Tang thương chồng chất sau bão dữ
Những nếp nhà xiêu vẹo, làng biển liên tục những xe tang, người dân chật vật đứng lên sau bão thiếu thốn đủ bề... là ... |
Lũ “đặc biệt” và những ám ảnh lịch sử
Toàn miền Trung, đặc biệt là từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đến thời điểm này, khắp nơi là những biển nước mênh ... |
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/dat-nuoc-ben-bo-song-385098