Lũ “đặc biệt” và những ám ảnh lịch sử

Toàn miền Trung, đặc biệt là từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đến thời điểm này, khắp nơi là những biển nước mênh mông với những chia cắt, sạt lở, cô lập, người chết... Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ gọi đây là cơn lũ “lớn đặc biệt”.

Hiện trường vụ sạt núi, vùi chết 4 người trên QL 14E. Ảnh: PV

Sự “đặc biệt” khiến những ám ảnh lịch sử đau thương quay về với những cột mốc hơn 500 người chết ở Thừa Thiên - Huế năm 1999 và Quảng Nam tan hoang như lũ năm Thìn 1964 với 6.000 người chết...

Chạy lũ lụt thời Facebook

Sau khi vận chuyển gần 20 bao lúa lên đồi Tranh phía sau nhà, ông Tâm quay về kê dọn những vật gia dụng còn lại lên chiếc giường để tránh lũ. Tối 5.11, khu vực xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức - địa phương kề ngay chân đập thủy điện Sông Tranh 2, Quảng Nam- điện bỗng phụt tắt. Thông tin về lũ lụt cũng vì thế mà mù tịt.

Bốn người con của gia đình ông Tâm đều đi làm ăn xa. Ở nhà chỉ có 2 vợ chồng già và đàn heo, gà lúc nhúc. Trước mùa lũ năm nay, đứa con gái út của ông Tâm lại gửi cháu về cho ngoại giữ hộ để cai sữa. Xui rủi gặp lũ lụt dâng cao đột ngột, không kịp sơ tán.

Trong đêm đen, nước ngậm mênh mông, đứa cháu khát sữa khóc liên hồi... May nhờ có điện thoại thông minh, ông Tâm vào Facebook, biết được tin thủy điện Sông Tranh tăng lưu lượng xả gấp 5 đến 7 lần vào đêm 5.11. Lập tức ông đưa hai bà cháu lên thuyền nang, chạy lũ giữa lúc nước đang dâng bời bời.

Cả Quảng Nam chìm sâu trong lũ. Trong đêm 5.11 đến rạng sáng 6.11, hàng ngàn hộ dân các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An và cả dân Cẩm Lệ, Hòa Vang của Đà Nẵng đã phải bồng bế nhau sơ tán gấp trong đêm.

“Nghe tin báo khẩn cấp là lũ đang lên, khả năng ngang mức lũ lịch sử năm 64, ngay lập tức dân làng tôi cuốn gói chạy lên núi mà chẳng cần lời kêu gọi sơ tán của chính quyền”. Bà Nguyễn Thị Bảy ở huyện Đại Lộc cho biết, bởi hung lũ như năm 64 là hung tin làm khiếp sợ dân miền Trung từ bao nhiêu thế hệ nay.

Đến sáng 6.11, lũ trên sông Vu Gia, Thu Bồn đều vượt trên mức báo động ba. Nhiều nơi chỉ cách đỉnh lũ năm 1964 vài chục centimet. Tuy nhiên, ngoài hệ thống thông tin liên lạc, các kênh dự báo từ truyền thông, chính quyền, nhờ mạng xã hội Facebook mà người dân cập nhật, chia sẻ thông tin liên tục để giúp nhau chạy tránh lũ kịp thời.

Trưa 6.11, mưa có phần nhẹ hạt, lũ bắt đầu rút chậm, thì tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My lại đùng đùng “dậy sóng” bởi tin đồn vỡ đập thủy điện sông Tranh 2. Đây là thủy điện vốn đã gây ra nhiều nỗi lo cho người dân vùng dự án, bởi từ khi tích nước, Sông Tranh 2 liên tục gây ra động đất, rồi tiếp đó là rò rỉ nước thân đập.

Vì vậy, hung tin vỡ đập lập tức thuyết phục người dân trong lúc mưa tối đất tối trời mấy ngày liền. Hàng trăm người dân hoang mang, đổ ra đường, toan chạy nạn. Nhiều gia đình bồng bế nhau, lao ra khỏi nhà, hướng về phía núi để chạy tránh thảm họa trong cảnh hỗn loạn.

Tuy nhiên, do chính quyền huyện Bắc Trà My đã chủ động nắm thông tin chính xác, thường xuyên với Ban quản lý Thủy điện nên biết rõ không hề có chuyện nguy cơ vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2. Trước tin đồn thất thiệt, chính quyền đã phát đi lời kêu gọi, trấn an ngay lập tức. Trật tự được vãn hồi, nhưng lòng dân trải qua một phen sợ thất thần. Nhưng tin dữ đã lan nhanh, truyền đến các huyện lân cận, khiến hàng vạn dân phía hạ du đập thủy điện hoang mang.

Theo ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My: Nguồn tin đồn thất thiệt vỡ thủy điện xuất phát từ một nhóm thanh niên chạy xe máy xung quanh thị trấn vừa la hét, loan tin vỡ thủy điện Sông Tranh 2 lúc 10 giờ sáng 6.11.

Ngay lúc đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đang có mặt, đi kiểm tra phòng tránh lụt tại địa phương, đã kêu gọi người dân bình tĩnh trước thông tin sai sự thật. Thông điệp này lập tức được mạng xã hội Facebook chia sẻ, kêu gọi để loan tin cho người dân yên tâm. Tin đồn thất thiệt bị dập ngay sau đó.

Sau đêm trắng cùng chạy lũ với người dân Đại Lộc, sáng 6.11, chúng tôi bơi ghe Vu Gia cuộn sóng, len vào những vườn chuối, rặng tre để tiếp cận các thôn 8, 9 của xã Đại Cường. Vườn chuối mới um tùm hôm trước, giờ xơ xác, tả tơi theo như những người dân chạy lũ. Nhà ông Nguyễn Văn Xưng nằm sâu trong rặng tre, chỉ còn thấy mái tôn cũ nát.

Lũ về nửa đêm, hai vợ chồng già lụm cụm không kê dọn kịp, mấy con gà ngoài chuồng không kịp bắt bị lũ cuốn trôi. Mấy cái nồi nhọ đen cuối cùng nước cuốn đi đâu mất. Nhà ngập gần đụng nóc, hai vợ chồng ông, mấy con gà chới với trên con thuyền cũ kỹ… “May mà còn giữ được mạng già” - ông Xưng xót xa.

Lũ gieo rắc tang thương khắp nơi

Đến trưa 6.11, Cục Quản lý đường bộ 3 - (Tổng cục đường bộ VN) cho biết, nhờ lực lượng và phương tiện tại chỗ mà ngành giao thông khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã giải quyết gần 10 điểm sạt lở, tắc đường trên tuyến Hồ Chí Minh - đoạn Đà nẵng đi Kon Tum.

Tuy nhiên, điểm sạt lở trên QL 14E - đoạn nối QL 1A lên đường HCM, đoạn qua xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn - vẫn chưa thông. Dưới đống đất đá hàng ngàn mét khối ấy, lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được danh tính của 4 nhân mạng qua đường, bị vùi lấp.

Cứu hộ từ TP.Tam Kỳ không thể tiếp cận được hiện trường, nên cả chính quyền, công an và lực lượng quân đội huyện Phước Sơn phải vượt rừng, đi bộ ngược xuống để đào cứu người trong đêm. Tuy nhiên chỉ 2 người được cứu sống. 4 nạn nhân khác đã không được cứu kịp.

Các nhân chứng tại hiện trường cho biết, khoảng 11 giờ trưa 5.11, trên tuyến đường 14E đoạn qua xã Phước Hòa, có 4 người đi trên 2 xe máy bị mắc lầy. Thấy vậy, anh Hồ Văn Chước - cán bộ kiểm lâm và một người dân ở gần đó đã chạy đến hỗ trợ người mắc lầy. Bất ngờ, một quả đồi từ taluy dương đổ sập xuống, vùi lấp hoàn toàn cả 6 người. Trong đó, có cán bộ kiểm lâm Hồ Văn Chước, và Chước đã chết cùng 3 nạn nhân xấu số khác.

Ngoài 4 nạn nhân bị vùi chết, một người khác bị thương nặng và một người bị thương nhẹ. Hiện danh tính các nạn nhân đã được cơ quan chức năng xác định. Cả 4 nạn nhân đều là người dân tộc thiểu số tại huyện Phước Sơn. Trong đó, 2 người ở xã Phước Hòa, và 2 người ở xã Phước Công.

Trong ngày 6.11, thông tin về người chết, mất tích liên tục cập nhật với những trường hợp thương tâm. Trong đó, UBND huyện Bắc Trà My, Quảng Nam cho biết có 13 người chết và mất tích trong đợt mưa lũ vừa qua. Tất cả nguyên nhân do sạt lở núi trong đêm. Đáng nói chỉ có 7 thi thể được tìm thấy, còn lại 6 nạn nhân vẫn đang được lực lượng chức năng đang tìm kiếm.

Tại thị trấn Trà My có 2 người mất tích; xã Trà Giang 1 người; khu vực thủy điện Trà My 1, Trà My 2 là 3 người. Tại các xã Trà Dương và 1 phần xã Trà Đông do mưa lũ lớn đã làm vỡ 1 phần đập tràn của hồ chứa nước Hố Rôn khiến hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu trong lũ. UBND huyện đã kịp thời di dời 3.500/3.800 khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.

* Đại Cường được xem là một trong những xã ngập nặng nhất của huyện Đại Lộc. Toàn xã có 2.145 hộ, có đến 2.119 hộ ngập trong nước. Có tin báo thủy điện tăng lưu lượng xả, địa phương đã di dời 53 hộ với 110 nhân khẩu trong đêm. Ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện còn 16 nghìn ngôi nhà bị ngập nước; có 2 người chết, 10 người bị thương trong đợt mưa lũ này.

* Ngày 6.11 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn còn mưa, mực nước trên các sông đã bắt đầu xuống chậm nhưng nhiều nơi vẫn còn ngập sâu. Tính đến sáng 6.11, mưa lũ đã làm 8 người chết và mất tích trên địa bàn, trong đó 4 người chết và 4 người mất tích. Báo cáo từ BCH PCTT&TKCN tỉnh cho biết toàn tỉnh hiện vẫn còn 17.588 hộ bị ngập lụt từ 0,2 - 0,8m. Do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai vừa qua, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 và mưa đặc biệt lớn đã làm sạt lở, xâm thực bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh với chiều dài hơn 10km. Tại xã Vinh Hải, huyện Phú Vang biển xâm thực mạnh và biến nơi đây đứng trước nguy cơ mở một cửa biển mới.

Lũ đặc biệt lớn ở Miền Trung, hàng vạn người dân lâm cảnh khốn khó

Ngày 6.11, hoàn lưu sau bão số 12 kết hợp không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn ngập lụt trên diện rộng, chia cắt nhiều tại các tỉnh miền Trung, làm sạt lở tại khu vực miền núi. Sạt lở núi đã làm nhiều người chết và mất tích, nhiều thôn, bản bị cô lập, giao thông chia cắt. Các tỉnh miền Trung tập trung lực lượng, phương tiện tìm kiếm người mất tích, sơ tán người dân đến nơi an toàn, đồng thời khắc phục sự cố sạt lở, đảm bảo thông đường sớm nhất.

Dự báo thời tiết 6/11: Lũ miền Trung tái lập lịch sử

Trong hôm nay, nước lũ trên hàng loạt sông miền Trung ngang bằng với các mốc kỷ lục trước đây, ngập lụt tiếp tục tăng.

Người dân Quảng Nam rượt đuổi bắt lợn chạy trong lũ

Nước lũ về, lợn thoát khỏi chuồng buộc người dân phải rượt đuổi, bắt nhốt trong chuồng hoặc đưa lên chỗ cao trú tránh.

http://laodong.vn/phong-su/lu-dac-biet-va-nhung-am-anh-lich-su-574572.ldo

/ Báo Lao động