Kiểm soát lũ là chức năng chính của đập Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất thế giới đang đứng trước sức ép sau cả tháng mưa lớn ở Trung Quốc.
Dung tích lũ của hồ chứa Tam Hiệp là 22,15 tỉ mét khối. Hàng năm trước khi mùa lũ đến, nước trong hồ chứa Tam Hiệp được xả xuống mức thấp nhất cho phép, để lại không gian nhiều nhất có thể nhằm trữ nước lũ sắp đến.
Nếu một trận lũ bình thường xảy ra, nó có thể được đập Tam Hiệp trữ nước và kiểm soát hoàn toàn. Trong trường hợp lũ lớn, các biện pháp ngăn lũ và trữ lũ sẽ được thực hiện để giảm lũ.
Chẳng hạn, trận lũ đầu tiên vào năm 2016 đã chảy vào hồ chứa Tam Hiệp với tốc độ 50.000 m3 mỗi giây, nhưng được xả ra ở mức 31.100 m3/giây. Năm 2018, trận lũ đầu tiên chảy vào với tốc độ 53.000 m3/giây và xả ra ở mức 40.000 m3/giây. Sau lũ, nước được lưu trữ sẽ được xả đều từng ít một.
Đập Tam Hiệp xả lũ năm 2018. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Bên cạnh đó, khi một trận lũ xảy ra ở hạ lưu, đập Tam Hiệp sẽ chặn một phần nước thượng nguồn ngoài dòng chảy an toàn của hạ lưu, ngăn lũ trở nên lớn hơn.
Sắp xếp khoa học về trữ và xả lũ
Dòng chảy sông Dương Tử đạt gần một nghìn tỉ mét khối mỗi năm, trong đó 70-80% tập trung vào mùa mưa. Nhưng khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp chỉ là 22,15 tỉ mét khối. Do đó, cần kiểm soát lũ một cách khoa học. Nếu chỉ đơn giản là trữ nước vào mùa mưa để sử dụng sau, hồ chứa chẳng mấy sẽ được lấp đầy; và trong trường hợp lũ lụt xảy ra sau đó, đập Tam Hiệp sẽ mất tác dụng kiểm soát lũ.
Tuy nhiên, đập Tam Hiệp cũng đóng vai trò trong sản xuất điện, điều hướng và tưới tiêu, tất cả đều cần nước, vì vậy thời gian và lượng nước xả phải được lên lịch hợp lý, trong khi phải xem xét tất cả các tình huống của dòng chính và phụ lưu, thượng nguồn và hạ lưu, cùng cả hai bờ sông.
Đập Tam Hiệp xả lũ năm 2018. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trong suốt mùa mưa, hồ chứa Tam Hiệp luôn được chuẩn bị để ngăn chặn lũ lụt. Khi tình hình hạ lưu được cải thiện, dòng chảy ra khỏi hồ chứa sẽ được tăng lên, do đó để dành chỗ cho trận lũ tiếp theo.
Tờ Chinaguide liệt kê những khó khăn đối với đập Tam Hiệp để kiểm soát lũ sông Dương Tử.
1. Khả năng trữ lũ của đập Tam Hiệp bị hạn chế
Cùng với tất cả các hồ chứa trong lưu vực sông Dương Tử, tổng công suất kiểm soát lũ chưa đến 20% dòng chảy hàng năm của sông Dương Tử.
2. Có một số nhánh lớn ở thượng nguồn của đập
Rất khó để kiểm soát toàn bộ dòng chảy vào sông Dương Tử khi tất cả đều lên đến đỉnh lũ. Do đó, không thể tìm được chính xác thời gian xả tốt nhất và khối lượng xả. Sẽ còn khó khăn hơn nữa khi tính đến khả năng chịu lũ lớn nhất của hạ lưu trong cùng thời điểm.
3. Nhiều hồ chứa khác đã được xây dựng ở thượng nguồn của đập
Rất khó phối hợp tất cả các hồ chứa lớn nhỏ để cùng nhau kiểm soát lũ sông Dương Tử. Không ít công ty vận hành hồ chứa coi khả năng kiểm soát lũ và kế hoạch xả thải là bí mật kinh doanh, điều này cũng ảnh hưởng đến dòng chảy vào đập Tam Hiệp.
Đập Tam Hiệp xả lũ năm 2018. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Các tỉnh trong lưu vực sông Dương Tử đã tăng cường đê sau thảm họa lũ lụt năm 1998, nhưng những tỉnh dọc theo các nhánh sông thì không. Do đó, hệ thống kiểm soát lũ tiêu chuẩn cao vẫn chưa được hình thành.
5. Xói mòn đất trong lưu vực sông Dương Tử chưa được kiểm soát hoàn toàn, đòi hỏi khả năng kiểm soát lũ cao hơn qua từng năm.
Đập Tam Hiệp xả lũ ngày 29.6.2020. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trong thời hiện đại, xói mòn đất trở thành thủ phạm chính của lũ lụt trên sông Dương Tử. Kể từ những năm 1950, mỗi năm lưu vực sông Dương Tử mất khoảng 20.000 km2 đất, gấp 2,2 lần khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp.
Ngọc Vân