Đập Tam Hiệp: Kỳ quan hay thảm họa nhãn tiền?

Đập Tam Hiệp của Trung Quốc được xem là một kỳ quan về kỹ thuật dân dụng, nhưng liệu những lo ngại về thảm họa nhãn tiền từ con đập có hủy hoại kiệt tác này nhân tạo này?

Đập Tam Hiệp. Ảnh: Britannica

Kiệt tác về kỹ thuật dân dụng

Đập Tam Hiệp khổng lồ và gây tranh cãi trên sông Dương Tử ở Trung Quốc là nhà máy thủy điện lớn nhất hành tinh. Phải mất 40.000 công nhân để xây dựng đập Tam Hiệp trong khoảng thời gian 12 năm với chi phí ước tính ​​là từ 28 đến 88 tỉ USD. Tuy nhiên chi phí thực tế không rõ là bao nhiêu.

Đập Tam Hiệp là cấu trúc bê tông đồ sộ nhất trên trái đất. Ý tưởng đầu tiên về con đập khổng lồ này là của lãnh tụ Cách mạng Tân Hợi (1911) Tôn Trung Sơn vào năm 1919. Tuy nhiên, việc xây dựng thực tế không bắt đầu cho đến năm 1994.

Người dân và chính phủ Trung Quốc vô cùng tự hào về thành công của con đập cho đến nay và coi nó là một kiệt tác của kỹ thuật dân dụng Trung Quốc. Đó là "ngọn hải đăng" của năng lượng tái tạo và đã thay thế việc đốt cháy 30 triệu tấn than mỗi năm để tạo ra điện năng.

Đập Tam Hiệp là đập thuỷ điện lớn nhất thế giới. Ảnh: YouTube
Đập Tam Hiệp được xây dựng bằng một lượng bê tông và thép khổng lồ: 27,2 triệu mét khối bêtông (chủ yếu cho thành đập), 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel), đào 102,6 triệu mét khối đất. Đập có chiều dài 2.355m và đỉnh đập cao 185 mét trên mực nước biển. Thành đập cao 181 mét so với nền đá.

34 máy phát điện của đập thủy điện Tam Hiệp, mỗi máy nặng 6.000 tấn, sản xuất 22,5 triệu kilowatt điện (22.500 megawatt), đủ cung cấp điện cho 60 triệu người dân Trung Quốc - theo tờ Interesting Engineering.

Thảm hoạ lơ lửng?

Đập thủy điện lớn nhất thế giới mang lại nhiều lợi ích cho người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, con đập này cũng gây tranh cãi không ít. Việc xây dựng con đập đã khiến 1,3 triệu người phải di dời, phá hủy nhiều khu vực di tích lịch sử. 100 công nhân thiệt mạng trong quá trình xây dựng đập.

Các nguy cơ phát sinh từ đập Tam Hiệp có thể được liệt kê dưới đây.

Trầm tích nhiều hơn ở lòng sông thượng lưu và hồ chứa

Trầm tích ngày càng tăng là một trong những thảm họa chính của đập Tam Hiệp. Sau khi đập Tam Hiệp được xây dựng và mực nước của thượng nguồn được nâng lên, dòng chảy ở các nhánh sông thượng nguồn chậm hơn trước và cát đá không thể đổ xuống kịp thời nên bị chất đống trong lòng sông và hồ chứa. Ngày qua ngày, lòng sông thượng nguồn bị nâng lên ngày càng cao, dẫn đến lũ lụt dễ dàng hơn.

Mối đe dọa đối với hạ lưu sông và đồng bằng sông Dương Tử

Do sự bồi lắng ở thượng nguồn, nước trở nên tinh khiết hơn và làm xói mòn bờ sông hạ lưu dễ dàng hơn. Trong tình huống như vậy, các bờ sông dễ sụt lún hơn, là mối nguy hiểm lớn đối với người dân, đặc biệt là khi có lũ lụt. Ngoài ra, ít trầm tích làm cho vùng đất cửa sông Dương Tử co lại và nước biển đổ ngược vào bờ biển. Trong quá khứ, thành phố Thượng Hải ở cửa sông Dương Tử mỗi năm lấn biển trung bình khoảng 40 mét; bây giờ thành phố phải đối mặt với mối đe dọa từ đại dương.

Đập Tam Hiệp trong ảnh vệ tinh của Rapid Eye chụp vào các ngày 22.11.2009; 2.12.2010; 12.6.2012 và 2.10.2014 cho thấy mực nước dưới đập thay đổi đáng kể theo thời gian. Nguồn: Rapid Eye
Nhiều sinh vật dưới nước đang bị đe dọa

Do con đập, cá không thể vượt qua Tam Hiệp và di cư như trước, do đó thói quen sống và di truyền của chúng thay đổi. Trong khi đó, khu vực hồ chứa là nơi sinh sản của một số loài cá đã bị phá hủy khi xây đập. Một số sinh vật quý hiếm sống ở sông Dương Tử đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn như cá trích Dương Tử và cá tầm Trung Quốc.

Thảm họa địa chất gia tăng

Việc xây dựng đập Tam Hiệp buộc môi trường địa chất xung quanh thay đổi, thảm họa địa chất xảy ra thường xuyên hơn ở khu vực hồ chứa. Sạt lở, động đất là những trường hợp phổ biến. Các khu vực có thể bị thảm hoạ cũng tăng lên 4.000.

Biến đổi khí hậu của lưu vực sông Dương Tử

Rất nhiều di tích văn hóa và di tích lịch sử đã bị nhấn chìm. Với đập Tam Hiệp, diện tích nước ở thượng nguồn trở nên lớn hơn nhiều, nhưng diện tích các hồ và vùng đất ngập nước ở hạ lưu giảm xuống. Diện tích nước nhiều hơn, nên nhiều nước bốc hơi và ngược lại.

Sự thay đổi tác động đến vi khí hậu của lưu vực sông Dương Tử. Do đó, điều kiện hạn hán, lũ lụt và nhiệt độ dọc theo sông Dương Tử khác với trước đây. Ví dụ, trong phạm vi 1-2 km của hồ chứa Tam Hiệp, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng 0,1-0,2 độ C, nhiệt độ trung bình vào mùa đông và mùa xuân tăng 0,3-1,3 độ C, nhưng vào mùa hè giảm 0,9-1,2 độ C.

Rất nhiều di tích văn hóa và di tích lịch sử bị nhấn chìm

Để xây dựng đập Tam Hiệp, một số lượng lớn các di tích lịch sử và các di tích văn hóa bị nhấn chìm hoặc ngập một phần, bao gồm hơn 60 địa điểm của Thời đại Cổ sinh, hơn 80 địa điểm Thời đại đồ đá mới và hơn 470 di tích lịch sử từ thời nhà Hán (202 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên) đến thời nhà Minh (1368 - 1644) và nhà Thanh (1644 - 1911).

Đó cũng được coi là một thảm họa mà kiệt tác đập Tam Hiệp không thể xóa nhòa sự mất mát văn hoá lớn lao của nền văn minh cổ đại Trung Quốc, mặc dù một số di tích đã được chuyển đi và di dời trước đó.

Ngọc Vân

Mưa lũ cả tháng gây sức ép lên "ngưỡng" của đập Tam Hiệp
Trung Quốc công bố tổn thất tệ hại đợt lũ lụt đe doạ đập Tam Hiệp
13 sự thật về đập Tam Hiệp khổng lồ gây tranh cãi của Trung Quốc
Đập Tam Hiệp: Chiếc phao cứu sinh năng lượng hay quả bom nổ chậm siêu khổng lồ?
/ laodong.vn