Cuộc sống của lưu học sinh Việt Nam ở Vũ Hán

7h sáng, chuông báo thức reo, Nguyễn Văn Phi (27 tuổi, Đại học Vũ Hán) tỉnh giấc, sờ tay lên trán vợ rồi trán mình, thở phào nói "May quá không sốt".

Quờ tay tìm điện thoại, mở trang thông tin của Trung Quốc để xem số liệu thống kê mới nhất từ Ủy ban Sức khỏe và Y tế về dịch viêm phổi do virus corona, Phi giật mình khi số ca mắc đã gần 6.000, số người tử vong là 132.

Tiếp tục lướt nhanh thông tin mới nhất để nắm tình hình, Phi mở mạng xã hội Wechat lên, bắt đầu thông báo về tình hình sức khỏe của gia đình lên kênh thông tin chung của những anh chị em lưu học sinh Việt Nam đang ở vùng dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, do Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc lập ra.

Phi cho biết năm nay vợ chồng anh không về Việt Nam ăn Tết do thời gian nghỉ Tết ngắn, ra Tết chương trình học lại nặng, trong khi vợ anh, lưu học sinh Nguyễn Thị Thanh, đang mang bầu. Anh cũng muốn ở lại để trải nghiệm không khí Tết cổ truyền của người Trung Quốc. Thế nhưng, Vũ Hán trở thành trung tâm bùng phát chủng mới của virus corona khiến vợ chồng anh lo lắng.

Hiện, vợ chồng Phi chỉ biết tích trữ lương thực, hạn chế tối đa đi ra ngoài, đặc biệt là những nơi đông người. Từ sáng đến tối, anh và vợ chỉ ở trong nhà, hết mở laptop xem tin tức lại nghe điện thoại từ người thân. Cả hai liên tục đeo khẩu trang y tế, dù ở trong nhà.

cuoc song cua luu hoc sinh viet nam o vu han
Vợ chồng anh Phi đeo khẩu trang ngay cả khi đang trong nhà. Ảnh: Nguyễn Văn Phi

Nhiều lưu học sinh kẹt trong vùng dịch cũng mở đầu ngày mới bằng việc kiểm tra thân nhiệt. Ai cũng chuẩn bị một chiếc nhiệt kế và rất nhiều khẩu trang. Đại học Sư phạm Hoa Trung còn tổ chức phát miễn phí xà phòng, khẩu trang và nhiệt kế cho các lưu học sinh. Dù vậy, nhiều người vẫn chưa thể yên tâm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nuôi (34 tuổi), lưu học sinh tại Đại học Sư phạm Hoa Trung, quyết định không đón Tết Canh Tý cùng chồng con ở quê nhà, một mình ở lại trường để được yên tĩnh, cố gắng hoàn thành nốt phần cuối của luận án tiến sĩ. Nhưng yên tĩnh đâu chẳng thấy, chị trở nên căng thẳng hơn.

"Thấy tôi ở giữa tâm vùng dịch, người nhà lo lắng đứng ngồi không yên. Mỗi ngày tôi nhận hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn hỏi thăm, động viên từ gia đình. Thêm tin tức mới về bệnh dịch với số ca mắc ngày càng tăng, tôi không thể tập trung viết được", chị Nuôi nói.

Lưu học sinh này cho hay giống như những bạn Việt Nam khác, chị vẫn tích cực dự trữ lương thực, phân chia hợp lý nguyên liệu cho các bữa ăn để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa tiết kiệm nguồn thực phẩm.

Thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, tại tâm dịch Vũ Hán, có 24 lưu học sinh ở lại, trong đó có bốn gia đình với ba cháu nhỏ. Lưu học sinh đang học tập tại Đại học Sư phạm Hoa Trung, Đại học Vũ Hán, Học viện Thể thao Vũ Hán, Đại học Địa chất Trung Quốc. Mỗi người một dự định và chẳng ai ngờ bị kẹt lại ngay ổ dịch khi chính quyền quyết định đóng cửa thành phố Vũ Hán.

Tất cả chuyến bay đến và đi khỏi Vũ Hán đều bị hủy bỏ, nhà ga xe lửa ngừng hoạt động. Ngày 23/1, các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố ngừng phục vụ. Người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà và theo dõi chặt chẽ hướng dẫn mới nhất từ chính quyền.

cuoc song cua luu hoc sinh viet nam o vu han
Gia đình anh Trần Đình Nhân. Ảnh: Hoài Vũ

Anh Trần Đình Nhân (35 tuổi), nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Hoa Trung, cho biết hiện lưu học sinh Việt Nam tại Vũ Hán vẫn thường xuyên hỏi thăm, động viên tinh thần để cùng nhau giữ vững tâm lý, chờ đợi giải pháp phù hợp từ phía Đại sứ quán trong trường hợp dịch bệnh tiến triển nguy hiểm hơn.

Anh Nhân đánh giá cao việc Đại sứ quán chủ động thăm hỏi tình hình sức khỏe lưu học sinh vào 8h sáng hàng ngày thông qua nhóm chung được lập ra ngay khi dịch bệnh bùng phát. Đại sứ Phạm Sao Mai thường xuyên gọi điện hỏi thăm, giúp lưu học sinh phần nào yên tâm hơn.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ngoài Vũ Hán, hiện còn 117 lưu học sinh Việt Nam ở 19 tỉnh thành của Trung Quốc. Ngày 27/1, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục thông tin, có biện pháp đảm bảo an toàn cho lưu học sinh Việt Nam, đồng thời giúp trao đổi với Bộ Giáo dục Trung Quốc để cập nhật kế hoạch học tập nói chung cho lưu học sinh tại các cơ sở giáo dục.

Từ đầu tháng 1, dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona đã xuất hiện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đến nay, số người thiệt mạng trong dịch này đã lên 132, chủ yếu xảy ra ở người trên 60 tuổi và có bệnh lý khác đi kèm, theo SCMP. Tại Trung Quốc, tổng số người nhiễm là gần 6.000. Một số nơi khác cũng ghi nhận người nhiễm bệnh như Macau, Hong Kong, Đài Loan, một số nước ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Tại Việt Nam, 11 tỉnh thành ghi nhận có người nghi ngờ nhiễm bệnh, gồm: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và Kiên Giang.

Nhân Trần - Hoài Vũ
(Từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc)

cuoc song cua luu hoc sinh viet nam o vu han Viêm phổi Vũ Hán lan đến Tây Tạng, Trung Đông
cuoc song cua luu hoc sinh viet nam o vu han Cách ly 39 người nghi nhiễm viêm phổi Vũ Hán
cuoc song cua luu hoc sinh viet nam o vu han Một loạt nước điều máy bay sơ tán công dân khỏi Vũ Hán
cuoc song cua luu hoc sinh viet nam o vu han Thị trưởng Vũ Hán nêu lý do giấu dịch
/ vnexpress.net