Tổng thống Donald Trump nhất trí sẽ chưa nâng thuế từ mức 10% lên 25% đối 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong thời gian 90 ngày. Lần “đình chiến” này tạo ra hy vọng giảm tỏa căng thẳng cho cuộc chiến thương mại nóng bỏng từ đầu năm.
Vẫn còn rất căng
Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam lần thứ 2 năm 2018 do Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập về kinh tế quốc tế tổ chức ngày 4/12, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng: Cọ xát thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những hệ quả rõ rệt của xu hướng cạnh tranh giữa hai nước.
Mới đây, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tạm thời ngừng áp đặt thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Donald Trump giải tỏa dần căng thẳng. Song, theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, kết cục cọ sát thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, rủi ro đối với kinh tế toàn cầu, cả trên thực tế và tâm lý, vẫn còn rất lớn.
Căng thẳng thương mại Mỹ Trung tạm được hòa hoãn, nhưng tương lai đầy bất định.
Việc Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 không ra được Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo cho thấy sự phức tạp và khó khăn trong việc tìm được tiếng nói chung của các nền kinh tế về một số vấn đề then chốt liên quan đến thương mại.
Nhắc đến chủ nghĩa bảo hộ, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng: Xu hướng bảo hộ xuất phát từ một số nền kinh tế phát triển, đầu tầu kinh tế thế giới, do đó, có tác động lan tỏa đến toàn hệ thống các mối quan hệ kinh tế, thương mại ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Nói về bảo hộ thương mại, PGS.TS Vũ Minh Khương, Đại học Lý Quang Diệu (Singapore), thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho hay: Chủ nghĩa bảo hộ thương mại là chiến thuật bởi các chính phủ nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của quốc gia mặc dù lý lẽ cho việc bảo vệ này có thể không được suy xét và thẩm định thấu đáo.
Vì sao chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại? Theo ông Vũ Minh Khương, vì trong phân bổ lợi ích có tình trạng thương mại không công bằng, nước này hưởng lợi nhiều hơn nước kia; khu vực này lợi hơn khu vực kia. Điều ấy tạo ra những xung đột và đòi hỏi phải chỉnh sửa; Thiếu các nỗ lực về thể chế làm tăng lòng tin và hợp tác, trong khi khai thác triệt để các lợi ích từ gia tăng thương mại. Rồi còn lý do địa chính trị, nhất là trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung Quốc,...
Bối cảnh ấy, theo ông Vũ Minh Khương, Việt Nam phải “hiểu người hiểu mình, nhìn rõ tương lai”. Đưa ra khuyến nghị, ông Khương cho rằng: Chúng ta phải biết mình biết người, không đổi thay là chết. Thứ hai, phải định vị chiến lược Việt Nam thế nào. Thứ ba, là tính cộng hưởng, nhất hô vạn ứng, các ngành các địa phương và mình với thế giới. Thứ tư là phát triển phải có tính bền vững, không chỉ cho hôm nay mà cả ngày mai.
“Thứ 5 là phải làm gì đó cho thế giới kinh ngạc với người Việt Nam, nếu không làm được điều khiến thế giới kinh ngạc mà chỉ thế thôi thì chưa đủ, phải vượt lên”, ông Khương nhấn mạnh và nhắn nhủ thêm rằng, Việt Nam phải ủng hộ thương mại tự do, để người ta thấy Việt Nam không chỉ hưởng lợi từ thương mại tự do mà còn đóng góp tích cực cho thương mại tự do.
“Mải mê với cơ hội ngắn hạn và tư duy bảo hộ có thể làm tổn hại đến tầm nhìn lâu dài và cách ứng đáp chiến lược với các thách thức và cơ hội mà tình thế đổi thay mang lại”, ông Vũ Minh Khương lưu ý.
Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam đã có một năm sôi động với các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, nổi bật là việc Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thành đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại mới, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017.
Việt Nam kiên trì hội nhập thương mại
Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, có thể thấy, kinh tế toàn cầu có một số dấu hiệu thay đổi theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn. Diễn biến tình hình kinh tế thế giới gần đây cho thấy chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng có chiều hướng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu.
Một số quốc gia trước kia vốn đi đầu trong việc ủng hộ tự do hóa thương mại nay lại trở thành yếu tố ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống thương mại đa phương nói riêng và của cả quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trên toàn thế giới nói chung. Đáng lưu ý là xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ với một số đối tác, đặc biệt với Trung Quốc, vẫn tiếp tục có những diễn biến khó lường.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, dù hiện tại có một số nhân tố đang ảnh hưởng đến tiêu cực tới tình hình hội nhập đa phương và khu vực song Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.
Hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tác động từ những xu thế và diễn biến từ kinh tế thế giới và khu vực. Theo Phó Thủ tướng, cần coi đây là vấn đề mang tính khánh quan để có cách ứng phó chủ động và linh hoạt. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận các vấn đề một cách đa chiều, trên cả phương diện tích cực và tiêu cực để từ đó đưa những phương án xử lý hợp lý, phù hợp với tình hình trong nước nói riêng và cục diện kinh tế thế giới nói chung.
“Với quan điểm đó, hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới cần đảm bảo 4 yếu tố: Chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả”.
Hà Duy
4 khác biệt lớn đe dọa đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Kinh tế toàn cầu phản ứng tích cực sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc bên lề hội nghị G20, song hai ... |
Mỹ - Trung đình chiến, Việt Nam không còn hưởng lợi?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí dừng leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai ... |
Gu thời trang đối nghịch của đệ nhất phu nhân Mỹ - Trung tại G20
Những bộ cánh của Melania Trump và Bành Lệ Viện tại hội nghị G20 nhấn mạnh cách tiếp cận trái ngược của họ trong thời ... |
Mỹ-Trung đình chiến thương mại: "Đòn thế" vẫn lơ lửng trên đầu
Thỏa thuận "đình chiến thương mại" là điều giới hoạch định chính sách và đầu tư mong mỏi nhưng các vấn đề sâu xa phức ... |