Vừa đưa ra lời lẽ ôn hòa với Triều Tiên, vừa gây sức ép với Trung Quốc, chính quyền Trump đã hạ nhiệt được căng thẳng với Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Nga lý giải lý do Triều Tiên triệu hồi đại sứ về Bình Nhưỡng |
Kim Jong-un hoãn kế hoạch phóng tên lửa vào Guam |
Mỹ có thể dùng công cụ kinh tế để ép Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Truyền thông Triều Tiên hôm nay đưa tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định hoãn kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo vào Guam để "chờ hành động tiếp theo của Mỹ". Theo giới phân tích, đây là động thái nhượng bộ đáng kể của Triều Tiên sau những nỗ lực tháo ngòi căng thẳng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo WSJ.
John Delury, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei ở Seoul, cho rằng quyết định của ông Kim là phản ứng tích cực trước tiếng nói ôn hòa mà các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump đưa ra cuối tuần qua, từ giám đốc CIA Mike Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho tới Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.
"Các tín hiệu từ chính quyền Trump đã khiến căng thẳng hạ nhiệt, chúng ta phải ghi nhận công sức của họ", Delury nói.
"Lâu lắm rồi chúng ta mới thấy bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng cùng viết một bài xã luận", Delury nhắc đến bài bình luận đăng trên WSJ ngày 13/8 của Tillerson và Mattis. Hai bộ trưởng khẳng định Trump không muốn thay đổi chính quyền Triều Tiên và muốn có một giải pháp ngoại giao cho căng thẳng.
"Mỹ không có ý định thay đổi chế độ hoặc thúc đẩy tái thống nhất Triều Tiên và Hàn Quốc", ông Mattis và ông Tillerson khẳng định trong bài viết. "Chúng tôi không tìm cớ để đóng quân ở phía bắc khu phi quân sự. Chúng tôi không muốn gây tổn hại cho người dân Triều Tiên".
Giới quan sát cho rằng bài bình luận này là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của chính quyền Trump nhằm hạ nhiệt căng thẳng, sau những bình luận về "lửa và giận dữ" hay "khóa mục tiêu và lên nòng" của Trump nhắm vào Triều Tiên. Cuộc đấu khẩu giữa Washington và Bình Nhưỡng trong thời gian qua đã làm dấy lên nỗi lo ngại về bùng nổ xung đột trên bán đảo Triều Tiên lớn hơn bao giờ hết.
Cây bút Jake Novak của CNBC cho rằng chính quyền Trump còn ghi thêm điểm khi tạo được sức ép để buộc Trung Quốc tham gia vào quá trình hạ nhiệt căng thẳng.
Trung Quốc hôm qua đồng ý cấm nhập khẩu sắt, chì và than của Triều Tiên như một phần lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc với Bình Nhưỡng. Việc này sẽ giáng đòn nặng vào kinh tế của chính quyền Kim Jong-un.
Tờ Global Times ngày 11/8 còn đăng bài viết khẳng định nếu xung đột nổ ra giữa Triều Tiên và Mỹ, Trung Quốc sẽ giữ thái độ trung lập. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với chính sách bảo vệ đồng minh trước đây của Bắc Kinh, làm dấy lên đồn đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ bị "bỏ rơi" nếu gây chiến với Washington.
"Trump và các trợ lý có thể dễ dàng tuyên bố rằng những lời lẽ gay gắt của Tổng thống Mỹ đã khiến Trung Quốc phải tích cực hơn trong việc kiềm chế Triều Tiên", Novak nhận xét.
Mặc dù những diễn biến này không hoàn toàn là giải pháp thực sự cho những mối đe dọa tiềm ẩn từ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, mối quan ngại về nguy cơ chiến tranh dường như đã giảm đi nhiều bậc. "Trung Quốc đã trao chiến thắng cho Mỹ cho vấn đề Triều Tiên", ông bình luận.
Novak nhấn mạnh rằng Trung Quốc tuyên bố áp đặt lệnh cấm nhập khẩu với Triều Tiên cùng ngày chính quyền Trump ký một bản ghi nhớ kêu gọi Trung Quốc bị điều tra vì vi phạm thương mại sở hữu trí tuệ.
Từ khi là ứng viên cho đến khi trở thành tổng thống Mỹ, Trump đã nhiều lần phàn nàn về Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Nhưng ngày 10/8, Trump ám chỉ rằng ông có thể sẵn sàng nhẹ tay về vấn đề thương mại nếu Bắc Kinh tăng cường kiềm chế Triều Tiên. "Nếu Trung Quốc giúp chúng tôi, tôi sẽ cảm thấy rất khác về vấn đề thương mại", ông nói.
"Hành động cứng rắn của Trung Quốc đối với Triều Tiên có thể giúp giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung", một cố vấn chính phủ Trung Quốc giấu tên nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi, Nhà Trắng và Trung Quốc đều tách biệt vấn đề thương mại Mỹ - Trung với vấn đề Triều Tiên.
Stephen Noerper, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia, cảnh báo căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể nhanh chóng leo thang một lần nữa, vì các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc sắp bắt đầu vào tuần tới.
"Chúng ta không nên quá lạc quan", ông nói. "Tại bán đảo này, mọi thứ có thể leo thang rất nhanh. Vấn đề này có thể nóng trở lại".