Phát ngôn “tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo” đang tiếp tục gây sóng trong dư luận. Nhiều nhà kinh tế đã đồng loạt lập luận, lí giải phản bác lại quan điểm của Thứ trưởng Bộ Tài chính, thậm chí còn chứng minh ngược lại.
Công nhân sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên khi tăng thuế VAT (ảnh: PK). |
Mới là dự thảo, dự kiến từ cấp bộ, quyết định có tăng thuế VAT từ 10% hiện nay lên 12% từ ngày 1.1.2019 hay không, còn phải được Quốc hội xem xét. Song, nếu dư luận cứ tin vào lập luận của Thứ trưởng Bộ Tài chính, một người có trọng trách cao trong bộ máy công quyền về lĩnh vực thuế, tài chính… và có đủ dữ liệu, sở cứ để phát ngôn về vấn đề này, thì nguy cơ người nghèo ở Việt Nam sẽ… nghèo hơn khi tăng thuế VAT.
Đành rằng như thứ trưởng đã nói, nhiều mặt hàng thiết yếu không tăng thuế VAT, nhưng không có nghĩa là những hàng hóa, dịch vụ đó không tăng giá!
Đơn cử mớ rau, con cá, cân thịt…, không bị tăng thuế VAT trực tiếp khi bán đến tay người tiêu dùng (mà ở Việt Nam đa phần là người nghèo và có thu nhập trung bình). Tuy nhiên, giá của các mặt hàng này vẫn có thể tăng vì các khâu đầu vào bị tăng thuế VAT và tăng giá, như giá nhân công, thuế VAT vận chuyển… Nói như một chuyên gia kinh tế, thực ra việc tăng thuế VAT người dân không phải ai cũng am tường cốt lõi của vấn đề, nhưng người tiêu dùng sẽ cảm nhận được ngay khi họ phải móc túi nhiều hơn chi cho cũng với một dịch vụ, sản phẩm hay mặt hàng đó bởi vì giá tăng. Tất cả chi phí, thuế cũng có thể xem là một thứ chi phí, sẽ đều được tính vào giá.
Trên thực tế, với những người giàu, thì việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, hay thậm chí mức tăng là 5% đi nữa, thì cũng không khiến họ nghèo đi. Bất quá, họ chỉ cần tiết giảm chi tiêu cho những món xa xỉ hay những thứ ngoài nhu cầu thiết yếu, là đã có thể “bảo toàn” được hầu bao. Nhưng với người nghèo, cán bộ - công nhân – viên chức – lao động có đồng lương và thu nhập hạn hẹp (hầu hết chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu), thì mỗi mức tăng thuế VAT là thêm một gánh nặng.
Theo phân tích của tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) dựa trên báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế Giới tại Việt Nam (Báo cáo Điểm lại, tháng 7.2014 của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam): 20% hộ giàu nhất có mức thu nhập trung bình cao hơn tới 8,5 lần so với 20% hộ nghèo nhất tuy nhiên mức đóng thuế VAT thì chỉ cao hơn chưa tới 4,5 lần, như vậy với số liệu này thì gánh nặng thuế VAT của 20% hộ nghèo nhất sẽ bằng 1,9 lần so với nhóm 20% hộ giàu nhất.
Vậy không biết thứ trưởng đứng ở đâu, dựa vào sở cứ nào, mà nói rằng “tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo”? Bởi với lời khẳng định rất chung chung như vậy, đặc biệt là từ một người có trọng trách cao như thứ trưởng, sẽ rất dễ gây ra hiểu nhầm ảnh hưởng đến lá phiếu biểu quyết đối với việc tăng thuế.
Những người sống ở tầng nấc cao, thì khó mà hiểu được nỗi khổ của dân nghèo. Những người mà quyết định tăng thuế VAT nếu xảy ra cũng không “hề hấn” gì đối với cuộc sống của họ, thì chắc chắn sẽ không hiểu được người dân nghèo sẽ phải xoay xở ra sao trong cuộc sống chật vật hàng ngày.
Thưa thứ trưởng, dù thuế VAT chưa tăng nhưng phát ngôn của thứ trưởng đã gây ảnh hưởng tới bao dân nghèo, khiến họ cảm thấy bất an rồi đấy!
(https://laodong.vn/dien-dan/chua-tang-thue-nguoi-ngheo-da-bi-phat-ngon-cua-thu-truong-gay-anh-huong-562624.ldo)