Chính phủ nghe Bộ Y tế báo cáo tình hình, giải pháp phòng chống COVID-19

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu năm 2021, Chính phủ sẽ nghe Bộ Y tế báo cáo về tình hình, giải pháp phòng chống COVID-19 và nhiều nội dung quan trọng.

Sáng 2/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2021, trong bối cảnh còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán và dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh.

Diễn ra sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa bế mạc (ngày 1/2), phiên họp Chính phủ thường kỳ mở đầu của năm 2021 dự kiến sẽ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2021; về kịch bản, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, kết quả thực hiện chương trình hành động về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; về định hướng công tác điều hành giá năm 2021.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ nghe Bộ Y tế báo cáo về tình hình, giải pháp phòng chống COVID-19, khi mà những ngày cuối tháng 1 vừa qua đã phát hiện các ca lây nhiễm virus biến thể mới trong cộng đồng ở một số địa phương (Quảng Ninh, Hải Dương…).

Tại phiên họp, Chính phủ cũng sẽ nghe các báo cáo tổng hợp về những nội dung: Công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 theo Chỉ thị 44 của Thủ tướng, về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021; về tình hình thực hiện nhiệm vụ, kết quả hoạt động của Tổ công tác tháng 1/2021 và một số nội dung khác.

Chính phủ nghe Bộ Y tế báo cáo tình hình, giải pháp phòng chống COVID-19 - 1
Thủ tướng sẽ chủ trì phiên họp Chính phủ đầu năm 2021.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Dễ thấy nhất, đó là sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 ước tính tăng tới 22,2% so với tháng 1/2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%. Đây là con số tăng trưởng khá tích cực.

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2021 ước tính đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ở một góc độ khác, từ “khởi sắc” cũng được sử dụng nhiều để nói về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1/2021. Khởi sắc bởi vì doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động.

Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp tăng 10,5% so với tháng 1/2020. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 10.100 doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khác cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế so với tháng đầu năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt 53,9 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, tăng 46,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,9 tỷ USD, tăng 43,7%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 100 triệu USD.

Chính phủ ủng hộ đề xuất dán tem phân biệt đào rừng Chính phủ ủng hộ đề xuất dán tem phân biệt đào rừng

Chính phủ ủng hộ đề xuất dán tem để truy xuất nguồn gốc đào trồng, phân biệt với đào rừng, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm ...

Chính phủ ban hành loạt giải pháp phát triển kinh tế 2021 Chính phủ ban hành loạt giải pháp phát triển kinh tế 2021

Các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 vừa được ...

/ vtc.vn