Châu Âu tính mua chung khí đốt rồi phân phối như vaccine

Liên minh châu Âu (EU) đang tính toán phương án mua chung khí đốt, sau đó tự phân chia giữa các thành viên giống như mô hình phân chia vaccine ngừa COVID-19.

New York Times cho biết, lãnh đạo các nước châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh EU hôm 25/3 đã thống nhất sẽ cùng nhau mua và tích trữ khí đốt, hydro và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong bối cảnh căng thẳng Ukraine tiếp tục leo thang.

Châu Âu quyết mua chung khí đốt rồi phân phối như vaccine -0

Một trạm trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu thuộc dự án đường ống Nord Stream 1. Ảnh: Reuters

Để trợ giúp các quốc gia ngoài EU, khối cũng cho phép Ukraine, Gruzia, Moldova cũng như các nước Tây Bankan tham gia mua khí đốt tập thể nếu có nhu cầu. Theo kế hoạch mới, EU sẽ không áp giá trần năng lượng như đề xuất trước đó mà nỗ lực ổn định nguồn cung để giảm giá.

"Chúng ta có sức mua rất mạnh mẽ. Do đó, chúng ta sẽ sử dụng sức mạnh thương lượng tập thể của mình. Thay vì trả giá cao hơn, đẩy giá lên, chúng ta sẽ gộp nhu cầu của mình lại", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen giải thích, RT trích lời.

Khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên ở châu Âu nhập khẩu từ Nga. Khối đã mua khoảng 155 tỷ mét khối khí đốt vào năm 2021.

Theo lộ trình giảm phụ thuộc năng lượng Nga được EU thông qua, khối đặt mục tiêu giảm 30 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu từ Nga ngay trong năm 2022.

Trong đó, 1/3 sẽ được thay thế bằng nguồn khí đốt vận chuyển thông qua đường ống nối với các nhà cung cấp Na Uy và Azerbaidjan, phần còn lại sẽ được thay thế bằng nguồn khí LNG của Mỹ và Qatar vận chuyển bằng đường biển.

Quốc gia đầu tàu kinh tế của EU là Đức cho biết, từ nay đến giữa năm sẽ giảm một nửa lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, trước khi dừng mua hoàn toàn vào cuối năm 2022. Đức cũng tuyên bố sẽ không sử dụng than đá của Nga từ mùa Thu tới.

Riêng với khí đốt của Nga hiện đang chiếm 55% sản lượng tiêu thụ tại Đức, mục tiêu giảm phụ thuộc hoàn toàn sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn với thời hạn sớm nhất đặt ra là từ giữa năm 2024.

Chưa rõ liệu năng lực dự trữ của EU có đủ đáp ứng nhu cầu của các nước trong mùa Đông tới hay không. Các nước EU, nhất là Đức đang đẩy mạnh việc xây dựng các trạm dự trữ năng lượng quy mô lớn.

Sau khi mua và tích trữ tập thể, EU sẽ phân bổ năng lượng cho các thành viên theo nhu cầu, một mô hình giống như họ đã từng làm với vaccine ngừa COVID-19, theo chuyên gia Simone Tagliapietra.

Quyết định nói trên của châu Âu được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố sáng kiến hợp tác mới, trong đó hai bên sẽ thành lập một lực lượng đặc trách về an ninh năng lượng do đại diện của Nhà Trắng và đại diện của châu Âu điều hành.

Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và EU nhằm chuẩn bị cho mùa Đông tới và giai đoạn sau đó. Trong năm 2022, Mỹ cam kết cung cấp thêm cho EU 15 tỷ mét khối LNG, và dần dần nâng lên mức 50 tỷ mét khối vào năm 2030.

Giá khí đốt tự nhiên trên toàn cầu đang ở vùng đỉnh lịch sử, trong bối cảnh các nước tăng cường dự trữ trước lo ngại nguồn cung của Nga bị gián đoạn liên quan đến chiến sự ở Ukraine.

Cách đây vài ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu doanh nghiệp Nga bán khí đốt bằng đồng tiền ruble. Tuy nhiên, Đức, Pháp và một loạt quốc gia châu Âu đã bác bỏ khả năng này. Theo RT, trong trường hợp hai bên không đạt đồng thuận, Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu.

Thiện Nhân

Đức cam kết từ bỏ hoàn hoàn khí đốt Nga vào năm 2024 Đức cam kết từ bỏ hoàn hoàn khí đốt Nga vào năm 2024
Mỹ - EU chuẩn bị ký thỏa thuận khí đốt tự nhiên hóa lỏng? Mỹ - EU chuẩn bị ký thỏa thuận khí đốt tự nhiên hóa lỏng?
Tổng thống Putin: Các nước "không thân thiện" phải mua khí đốt bằng đồng rúp Tổng thống Putin: Các nước "không thân thiện" phải mua khí đốt bằng đồng rúp

/ cand.com.vn