Châu Á: Những thách thức hợp tác đa phương

Châu Á, khu vực của nhiều căng thẳng, nơi tập trung không ít rủi ro truyền thống và phi truyền thống, cùng những cơ hội kinh tế, là trọng tâm của những vấn đề chiến lược tác động trực tiếp đến Liên minh châu Âu (EU). Những vấn đề này cũng liên quan đến tính bền vững của các hình thức đa phương vốn tạo nên một mạng lưới hết sức dày đặc ở khu vực châu Á.

Tất cả các quốc gia châu Á, cũng như EU, đều có quan điểm về việc tăng cường chủ nghĩa đa phương như một nhân tố của ổn định, hòa bình và thịnh vượng, về dân chủ và tôn trọng các quy tắc của luật pháp quốc tế. Đây là mục tiêu được xác định trong “La bàn chiến lược” của EU do chuyên gia Josep Borrell trình bày. Cụ thể hơn, đối với EU, 3 thách thức chính: Y tế, sự tôn trọng các quy tắc của luật pháp quốc tế và an ninh của các tuyến đường thủy chính trên biển có thể trở thành trọng tâm của chủ nghĩa đa phương kiểu mới.

Nhiều quốc gia châu Á đã tham gia Liên minh vì chủ nghĩa đa phương do Pháp và Đức khởi xướng nhân dịp Diễn đàn vì hòa bình đầu tiên vào năm 2019.

Châu Á: Những thách thức hợp tác đa phương -0
Eu có những triển vọng hợp tác ở châu Á trong nhiều lĩnh vực.

Năm 2020, quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở cùng đề cao chủ nghĩa đa phương thực dụng đã được ký kết giữa ASEAN và EU; năm 2022 là năm đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai bên và là cơ hội để tăng cường hợp tác dựa trên sự đồng thuận ngày càng tăng trong việc phân tích những thách thức chiến lược lớn ở châu Á cùng vai trò của cường quốc Trung Quốc.

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng, yếu tố nan giải nhất liên quan đến sự hội nhập là Trung Quốc. Cường quốc này có vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết nhiều thách thức toàn cầu nhưng đồng thời cũng là khởi thủy của phần lớn căng thẳng cả ở khu vực lẫn toàn cầu. Một thách thức khác, đặc biệt ở châu Á, nơi những căng thẳng không ngăn cản được đối thoại và tìm kiếm sự đồng thuận nhất định, là sự gia tăng các thể thức đa phương.

Vậy, đâu là những trở ngại đối với chủ nghĩa đa phương ở châu Á? Chiến lược toàn cầu và khu vực của Trung Quốc có vẻ như đang khiến việc triển khai một chủ nghĩa đa phương thực sự ở châu Á và với châu Á trở nên khó khăn hơn.

Trong nhiều tình huống đã xảy ra, người ta thấy rằng cường quốc này ưa thích đưa ra yêu sách song phương hơn. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 tác động đến toàn bộ hành tinh, đã thúc đẩy các nước thu mình lại, đặc biệt là các nước châu Á. Các nước ASEAN, bị ảnh hưởng nhiều hơn Đông Bắc Á và có nguồn lực hạn chế hơn, đã và vẫn tập trung vào những khó khăn mà họ đang phải đối mặt về y tế và kinh tế, cùng với sự sụp đổ của nguồn tài nguyên du lịch như chúng ta đã thấy ở trường hợp Thái Lan hay Indonesia.

Trung Quốc, rõ ràng là trung tâm của các thách thức an ninh ở châu Á và toàn cầu. Nước này cũng đang cố gắng - cho dù chỉ đạt được thành công hạn chế - áp đặt mạng lưới các thể thức đa phương của riêng mình như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) hay Con đường tơ lụa.

Trung Quốc đang tỏ ra là một đối tác khó có thể hợp tác bởi nước này dường như chỉ coi trọng lợi ích quốc gia. Nói cách khác, trọng tâm của chủ nghĩa đa phương là tìm kiếm những giải pháp tập thể đối với những thách thức chung, tuy nhiên những thách thức toàn cầu, dù nghiêm trọng đến đâu, chưa chắc đã khiến Trung Quốc lưu tâm hơn những ưu tiên chiến lược của họ.

Khái niệm chủ nghĩa đa phương “mang màu sắc Trung Quốc” cũng đã được nhắc đến. Thực vậy, Trung Quốc luôn sẵn sàng ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào của EU mà họ nhận thấy có thể cho phép họ cân bằng lại tương quan lực lượng với Mỹ. Chủ nghĩa đa phương “mang màu sắc Trung Quốc” sẽ là một công cụ hoặc cho phép nước này củng cố vị thế trên trường quốc tế, hoặc xây dựng các liên minh để lôi kéo các nước đang phát triển tẩy chay hệ thống tự do quốc tế.

Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam là những nhân tố còn lại được nhắc đến. Một cách rõ ràng, Nhật Bản là một đối tác lớn ở châu Á và ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà người ta có thể tìm thấy trong các chiến lược cùng tên của EU, đã được cố Thủ tướng Shinzo Abe đề cập đến từ năm 2007. Trong một số lĩnh vực như y tế, viện trợ phát triển, nâng cao năng lực và an ninh hàng hải, Nhật Bản có vai trò rất tích cực, đặc biệt ở Đông Nam Á. Không chỉ vậy, Nhật Bản còn là một đối tác có vai trò quyết định và hữu ích trong một số lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như y tế, phát triển, an ninh hàng hải, không gian vũ trụ hay không gian mạng và Tokyo luôn mở cửa cho tất cả các quan hệ đối tác góp phần nâng cao tầm vóc quốc tế của Nhật Bản, kể cả thông qua việc củng cố các thể thức đa phương.

Trong số những đối tác cho phép củng cố mạng lưới chủ nghĩa đa phương ở châu Á thì Indonesia và Việt Nam chiếm vị trí đặc biệt. Cả hai nước đều là thành viên ASEAN và là trung tâm của những căng thẳng hàng hải chiến lược ở châu Á cần được giải quyết.

Trong một bối cảnh chiến lược căng thẳng, chủ nghĩa đa phương ở châu Á về cơ bản vẫn là một khía cạnh bộc lộ những đối đầu và tương quan lực lượng. Ở châu Á, EU có thể có ảnh hưởng trong một số thể thức đa phương, thông qua việc huy động sức mạnh kinh tế và năng lực ảnh hưởng chiến lược của mình. Tuy nhiên, vẫn còn đó trở ngại do những khác biệt về thế giới quan.

Ở cấp độ địa phương, chắc chắn EU có những triển vọng hợp tác ở châu Á và lĩnh vực tiềm năng như sản xuất vaccine, an ninh hàng hải, hợp tác công nghệ, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng... là những điểm mạnh trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/chau-a-nhung-thach-thuc-hop-tac-da-phuong-i669527/

Huy Thông / Công an nhân dân