- Mỹ cảnh báo cao độ an ninh đối với tàu chở LNG đến châu Âu
- Châu Âu và Nga đều cho rằng đường ống Nord Stream 1 bị cài thuốc nổ
Khu vực đồng euro dường như đang sắp lâm vào một cuộc khủng hoảng nợ công, khi danh sách các quốc gia gặp khó khăn tài chính ngày càng tăng lên.
h bản này.
(Ảnh minh họa)
Vấn đề ở Rome
Nếu trong quá khứ, khủng hoảng nợ châu Âu bắt đầu với những xu hướng suy thoái kinh tế ở Hy Lạp thì hiện tại nguy cơ đang "nhen nhóm" ở Italia.
Theo chuyên gia Megan Greene, nghiên cứu sinh cao cấp tại Trường Chính phủ John F. Kennedy, Đại học Harvard, khu vực đồng euro đang hướng tới một cuộc khủng hoảng mới, mặc dù có thể chưa xảy ra trong tương lai gần.
“Dự án đồng euro sống hay chết luôn được quyết định ở Rome”, Greene nói. Chính phủ mới của Italia, bên cạnh việc có thể không nhận được sự ủng hộ từ các nhà đầu tư (vì gốc rễ phát xít của đảng cầm quyền) cũng không có nhiều không gian kiểm soát nợ.
“Bất kỳ không gian tài chính nào cũng sẽ phải được sử dụng để giảm chi phí năng lượng và giảm bớt khủng hoảng chi phí sinh hoạt”, theo chuyên gia.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần như là bên mua nợ duy nhất của Italia kể từ khi đại dịch xảy ra. Với sự hỗ trợ của ngân hàng này, các nhà đầu tư đã có thể tránh bị ảnh hưởng từ các vấn đề tài chính ở Italia. Nhưng ECB không hỗ trợ cho các chính sách như thuế phẳng hay giảm tuổi nghỉ hưu. Và việc sử dụng chính sách bảo vệ của ECB để giảm chênh lệch giá ở Italia sẽ yêu cầu chính phủ Italia phải tuân thủ các quy tắc tài khóa của EU, nếu không muốn đối mặt với nguy cơ mất khả năng tiếp cận thị trường.
Việc nhà lãnh đạo cực hữu Giorgia Meloni chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Italia khiến các cơ quan xếp hạng tài chính quốc tế lo lắng do các chính sách tiền tệ của bà. Các kế hoạch của bà Meloni bao gồm tăng chi tiêu công và làm tăng thêm nợ.
Thiếu liên minh tài chính
Greene nhận định, vấn đề của EU là vẫn còn thiếu các liên minh tài chính, ngân hàng và chính trị, và vẫn chưa đủ sự ủng hộ để các liên minh này được hình thành. Vì vậy, một cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro khác sẽ luôn có thể xảy ra.
Một cách để tránh một cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro là xã hội hóa thâm hụt tài chính của các quốc gia bằng cách thực hiện NextGenerationEU dài hạn. Đây vốn là chương trình tài trợ khẩn cấp được tạo ra để giúp đối phó với những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Các chuyên gia nhận định, việc thúc đẩy các nguồn tài chính trung tâm của EU hàng năm lên khoảng 3% GDP - 450 tỷ euro (445 tỷ USD) vào năm 2022 - có thể giúp thực hiện chương trình này. Nhưng phương án khó xảy ra về mặt chính trị.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể tiếp tục mua nợ của các quốc gia thành viên yếu kém về tài chính và không tăng lãi suất chính sách lên mức cần thiết để đạt được mục tiêu lạm phát.
Lịch sử lặp lại?
Theo chuyên gia Daniel Gros, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu, cuộc khủng hoảng đồng euro năm 2011-2012 khó lặp lại vì năm 2022 chưa hội tụ đủ những yếu tố cơ bản.
“Câu phù hợp để mô tả tình hình là: Lịch sử không lặp lại chính nó, nhưng có sự tương đồng với hiện tại”, Gros nói.
Theo ông Gros, một thập kỷ trước, các quốc gia phía nam trong khu vực đồng euro có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, dẫn đến cần dòng vốn lớn, và khi các dòng chảy này dừng lại, nền kinh tế của họ suy giảm và các lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng lộ ra. Trong khi đó ngày nay, Italia đang có thặng dư tài khoản vãng lai khá lớn, vị thế tài sản nước ngoài ròng (NFA) ở mức dương, và các ngân hàng đã mạnh hơn nhiều.
Sàn giao dịch ở Italia.
Còn sự tương đồng là, các nước như Italia đang được yêu cầu một khoản bù rủi ro đáng kể cho các khoản nợ. Trong thời kỳ suy thoái, phí bảo hiểm rủi ro không tăng với những người vay có xếp hạng tốt (AAA), nhưng với tỷ lệ nợ trên GDP hơn 150%, Italia có xếp hạng BBB.
Trong năm ngoái, lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn của Italia tăng tương đương với lãi suất của những người vay BBB ở khu vực tư nhân. Trong khi đó Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có mức nợ thấp hơn, do đó được hưởng phần bù rủi ro thấp hơn nhiều.
“Phần bù rủi ro vừa phải đối với nợ dài hạn không báo hiệu một cuộc khủng hoảng. Ở khủng hoảng một thập kỷ trước, hồi chuông cảnh báo vang lên khi các nhà đầu tư yêu cầu một khoản bù rủi ro đáng kể cho các khoản nợ ngắn hạn. Hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy điều này đang xảy ra”, Gros nói.
Các tác động bất định
Ngoài ra, theo chuyên gia Paola Subacchi, giáo sư kinh tế quốc tế tại Học viện chính sách toàn cầu Queen Mary, Đại học London, khu vực đồng euro đang phải đối mặt với một mùa đông khó khăn do sự không chắc chắn lan rộng - bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó có cuộc chiến ở Ukraine - khiến nhiều chỉ số của nền kinh tế có xu hướng giảm đáng kể.
Bất chấp những tiến bộ trong việc giảm bớt hạn chế từ nguồn cung, châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga, chiếm 40% lượng khí đốt nhập khẩu và 27% lượng dầu nhập khẩu vào năm 2021. Hơn nữa, Nga đã quyết định đóng cửa vô thời hạn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1.
Các ngành công nghiệp phụ thuộc vào năng lượng ở khu vực đồng euro đang phải vật lộn với tình trạng giá cao và tắc nghẽn nguồn cung. Tháng trước, giá năng lượng tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và lạm phát hàng năm đạt 9,1%, tăng so với 8,9% trong tháng 7. Người tiêu dùng và các chính phủ đang phải chịu nhiều áp lực hơn đối với nhu cầu những tháng mùa đông, khi mức tiêu thụ năng lượng tăng lên.
Tuy nhiên, nhìn chung, nền kinh tế khu vực đồng euro vẫn ở trong tình trạng khá khả quan, theo Subacchi.
Bất chấp sự suy thoái đáng kể trong hoạt động kinh tế kể từ đầu năm 2022, GDP khu vực được dự báo sẽ tăng 2,8-2,6% trong năm nay, sau khi đã tăng 5,3% vào năm 2021. OECD dự kiến GDP thực tế sẽ tăng 1,6% vào năm 2023 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán mức tăng 1,2%.
Tác động của việc đóng cửa Nord Stream 1, đặc biệt là đối với lĩnh vực sản xuất của Đức và Italia, có thể khiến triển vọng này xấu đi. Và sự suy yếu của đồng euro, vốn đã chìm xuống gần tương đương với USD, sẽ khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Đồng thời, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ chỉ thắt chặt chính sách tiền tệ dần dần và tác động lên tăng trưởng kinh tế có thể sẽ không được như mong đợi. Các công ty có nợ phải trả đáng kể cũng có thể gặp khó khăn về thanh khoản, nhưng điều này sẽ không gây ra tác động hệ thống.
Nhưng các chính sách nhằm kiểm soát chi phí sinh hoạt và cung cấp mạng lưới an toàn cho các công ty nói trên sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho cuộc suy thoái tồi tệ hơn ở châu Âu.
https://vtc.vn/chau-au-bi-day-vao-khung-hoang-no-cong-ar703964.html