- Giao tranh bùng phát trở lại ở Sudan, thêm nhiều người bỏ chạy
- Mỹ: Các bên tham chiến ở Sudan đồng ý ngừng bắn trong 3 ngày
Đây là cảnh báo khẩn được đưa ra bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong bối cảnh các tay súng ở Sudan đã giành quyền kiểm soát phòng thí nghiệm quốc gia ở Thủ đô Khartoum, lệnh ngừng bắn bị vi phạm và nhiều nước khác đang chạy đua với thời gian trong các nỗ lực sơ tán công dân, CNN ngày 26/4 cho biết. Theo các nguồn thạo tin, phòng thí nghiệm quốc gia Khartoum đang giữ nhiều mẫu bệnh phẩm khác nhau và không thiếu những loại có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và mức độ lây lan lớn.
CNN ngày 26/4 dẫn lời đại diện WHO tại Sudan Nima Saeed Abid thông tin: "Tồn tại một mối nguy sinh học quy mô lớn liên quan đến việc chiếm đóng phòng thí nghiệm y tế công cộng quốc gia ở Thủ đô Khartoum, bởi một trong các bên tham chiến".
Cụ thể, các tay súng đã "trục xuất toàn bộ các chuyên viên khỏi phòng thí nghiệm và biến đây thành căn cứ quân sự". Dù Tiến sĩ Nima Saeed Abid từ chối cho biết lực lượng nào chiếm giữ phòng thí nghiệm, nhưng mô tả thực tế này cực kỳ nguy cấp, vì phòng thí nghiệm nêu trên chứa các chủng phân lập bệnh bại liệt, chủng phân lập bệnh sởi và các chủng phân lập dịch tả - những loại virus có khả năng gieo rắc chết chóc.
Giới chuyên gia nhận định, bên cạnh các nguy cơ hóa học, nguy cơ xảy ra thảm họa sinh học ở Sudan đang ở mức rất cao. Có ba nguyên nhân chính có thể dẫn tới kịch bản tồi tệ này. Thứ nhất, cuộc giao tranh đã khiến hệ thống điện bị cắt và có rất ít các máy phát điện có thể sử dụng được. Thứ hai, khi những người có trình độ không thể tiếp cận phòng thí nghiệm sẽ chẳng có ai có thể quản lý đúng cách các vật liệu sinh học được lưu trữ nhằm sử dụng cho mục đích nghiên cứu. Thứ ba, nguy cơ lớn nhất đến từ việc lệnh ngừng bắn bị vi phạm liên tiếp.
Một nguồn tin y tế nhận định với CNN: "Mối nguy kinh hoàng nằm ở việc bất kỳ lúc nào cũng có khả năng xảy ra đối đầu vũ trang tại phòng thí nghiệm này. Điều đó sẽ biến nơi đây thành một quả bom virus theo đúng nghĩa đen".
Hiện nhiều nhà hoạt động đang tích cực kêu gọi sự can thiệp khẩn cấp của quốc tế để khôi phục mạng lưới điện tại Khartoum nhằm bảo vệ phòng thí nghiệm này. Một khi xảy ra thảm họa sinh học ở Sudan, các nước trong khu vực như Ai Cập, Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Ethiopia, cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ nghĩa đa phương, Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt bạo lực, nhấn mạnh xung đột tại Sudan tiềm ẩn hệ lụy nghiêm trọng đối với toàn bộ khu vực. Tổng Thư ký Guterres đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang tại Sudan có thể "nhấn chìm toàn bộ khu vực", trong bối cảnh giao tranh tại nước này đã leo thang sang tuần thứ 2 liên tiếp.
Ông Guterres cũng tái khẳng định cam kết duy trì hiện diện của Liên hợp quốc tại Sudan, sau khi đưa ra thông báo về việc người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất Volker Perthes sẽ tiếp tục công việc của mình tại đây. "Liên hợp quốc sẽ sát cánh cùng người dân Sudan vào thời điểm khủng hoảng và hỗ trợ họ trong mục tiêu khôi phục an ninh và hòa bình đất nước", ông Guterres nhấn mạnh.
Giao tranh giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) nổ ra từ hôm 15/4 đến nay đã khiến nhiều khu vực dân cư thành vùng chiến sự, cướp đi sinh mạng của ít nhất 459 người và khiến hơn 4.000 người bị thương. Hôm 25/4, Anh đã tiến hành một cuộc sơ tán công dân quy mô lớn, sử dụng các chuyến bay quân sự từ một sân bay phía Bắc Khartoum. Pháp và Đức cũng sơ tán hơn 700 công dân của các nước khác nhau. Nhiều người dân địa phương lo sợ, giao tranh tại Sudan sẽ trầm trọng hơn sau khi những người nước ngoài rời đi.
Cơ quan về người tị nạn của Liên hợp quốc ước tính, hàng trăm nghìn người dân Sudan có thể sẽ tháo chạy sang các nước láng giềng. Được biết, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho hay, tình trạng thiếu thực phẩm, nước uống, thuốc men và nhiên liệu ở Sudan là "không thể diễn tả được" khi giá bán tăng vọt trong khi cơ quan này phải giảm quy mô hoạt động vì lý do an toàn.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Nội vụ Sudan ngày 26/4 cáo buộc RSF đã tấn công 5 nhà tù trong khoảng thời gian từ 21-24/4, thả nhiều phạm nhân, trong đó có tổng thống bị lật đổ Omar Hassan al-Bashir. Ngoài ra, Ahmed Haroun - lãnh đạo đảng Đại hội Quốc gia cầm quyền, một trong hàng chục quan chức bị bắt năm 2019 sau cuộc đảo chính lật đổ ông Bashir, cũng được thả.
Ahmed Haroun bị Tòa Hình sự quốc tế (ICC) truy tố với hơn 40 tội danh và tội ác chống lại loài người. Những hành vi bị cáo buộc của Haroun được cho là xảy ra đầu những năm 2000, khi ông là Bộ trưởng Nội vụ Sudan. Theo một nguồn thạo tin, Ahmed Haroun và các cựu quan chức khác đã được chuyển đến nơi an toàn và sẽ ra trình diện cơ quan chức năng khi tình hình trở lại bình thường. RSF đến nay chưa bình luận về thông tin này.
Sudan nằm ở khu vực Đông Bắc châu Phi, giáp biển Đỏ, có dân số khoảng 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông nhưng các cuộc xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế. Năm 2011, Nam Sudan tách khỏi Sudan để thành một nước độc lập khiến Sudan mất đi nguồn thu từ dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu.
Cú sốc này đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng, châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực năm 2013. Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng thúc đẩy quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích.