Câu chuyện đồ chơi

"Nhà em có bán cái quay tay kêu tạch tạch vui tai, chỉ 5k/cái nhé mọi người. Mua ủng hộ mẹ em bán đồ chơi Trung Thu đắt khách nhé". 

 

 

"Toàn đồ chơi dân gian truyền thống thôi ạ", đấy là đoạn quảng cáo trên một trang bán hàng online qua mạng xã hội. Bạn đọc, xin đừng đọc dòng tiếp theo vội, nếu chỉ đọc nội dung quảng cáo ấy thì bạn có đoán ra món đồ chơi đó là gì không?

Tất nhiên là khó rồi. Nó là cái trống bỏi. Nếu tả thế thì thật cũng khó hình dung. Đến người bán cũng còn không biết nó là cái gì. Tôi đã làm một khảo sát nho nhỏ, đưa ảnh chiếc trống bỏi cho nhiều người và hỏi đó là gì. 80% không biết, mà người lớn tuổi nhất đã U40. Dĩ nhiên, trẻ con dưới 10 tuổi thì không biết 100%.

Tại sao cái đồ chơi bé xinh đó lại có tên là trống bỏi? Đó là vì trẻ nam khi nhỏ đôi khi bị sưng ở đầu bộ phận sinh dục, dân gian xưa gọi là bệnh tầm bỏi. Cách chữa dân gian, là lấy cọng rơm hoặc sợi lá chuối đo bằng chiều dài chim, rồi gấp làm 7 (theo quan niệm trai 7 vía, nữ 9 vía), sau đó đem đốt hoặc cắt vụn ra, thì khỏi. Bởi vì cái trống nhỏ xinh, chỉ vừa cho trẻ em 5-6 tuổi cầm chơi, nên được gọi là trống bỏi, ý chỉ đồ chơi rất nhỏ dành cho trẻ nít. Cũng bởi vậy, tục ngữ còn có câu "Già chơi trống bỏi", để ám chỉ những người ham chơi những thứ không phù hợp với tuổi của mình, hoặc yêu đương chênh lệch quá nhiều tuổi.

Ngần ấy câu chuyện quanh một đồ chơi Trung Thu bé tí. Mà còn những đèn ông sao, đèn cù, đèn kéo quân, còn bánh nướng bánh dẻo, còn tò he ngũ quả, còn chú Tễu chú Cuội chị Hằng... Biết bao nhiêu câu chuyện. Nhà xuất bản Kim Đồng đã ra hẳn một bộ sách Chú Tễu kể chuyện Tết (Trung Thu, Nguyên Đán, Vu Lan, Đoan Ngọ, Thanh Minh), với rất nhiều sự tích, điển cố, mà chắc nhiều bậc phụ huynh cũng không biết chứ đừng nói đến trẻ em.

Nếu tìm hiểu rộng ra, từng món đồ chơi truyền thống của Việt Nam, không chỉ riêng Trung Thu, đều có những câu chuyện cực kỳ hấp dẫn. Học giả Nguyễn Đổng Chi từng dày công hoàn thiện công trình "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam", với phần khảo dị mở rộng đối chiếu với các hệ thống truyện cổ tích dân gian nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Đọc tác phẩm này, mới kính phục cha ông xưa, bởi khả năng đúc kết các kinh nghiệm đời sống, cách đối nhân xử thế, cũng như trí tưởng tượng, cơ bản là không thua kém bất cứ dân tộc nào.

Nhà văn Tô Hoài, ngoài "Dế mèn phiêu lưu ký" nổi tiếng được trẻ em nhiều thế hệ yêu thích, còn chấp bút viết nên bộ "Một trăm cổ tích", dùng lối văn dung dị và ngôn từ chắt lọc, ghi lại 100 truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam.

Đấy là kho báu vô cùng quý giá, mà chưa cần phải sáng tạo, chỉ cần chịu khó đào sâu, thì từ các bậc phụ huynh, cho đến những người làm công tác giáo dục, bảo tồn và phát triển văn hóa, thậm chí kinh doanh... đều có thể khai thác, thông qua những trò chơi, đồ chơi dân gian.

Thế nhưng, đa phần mọi người bỏ qua. Để rồi chép miệng nhìn con trẻ chọn những món đồ chơi nhựa xanh đỏ, những mặt na siêu nhân, những robot biến hình, những súng đạn cung kiếm nhựa, những bộ đồ hóa trang ma quỷ rùng rợn, bắt mắt và hợp trào lưu.

30 năm trước, trẻ con từ nông thôn tới thành thị chưa chênh lệch lắm về không gian vui chơi và trò chơi (trẻ ở phố vẫn có thể chơi ở nhiều bãi đất, và đồ chơi thì khan hiếm nên chủ yếu là tự chế). Chúng tôi chơi, và học hỏi qua những trò chơi đó. Hạt bưởi, vỏ bưởi có tinh dầu, nên phơi khô đốt lên thì thơm. Cái thuyền máy cho dầu hỏa vào đốt lên thành sức nóng quay chân vịt thì chạy vòng quanh chậu nước. Con tò he kêu được vì có cái lưỡi gà bằng tre cản luồng hơi thổi vào. Cái trống bỏi kêu liên hồi vì lực đàn hồi của đoạn dây xoắn. Vậy đấy, đó không chỉ là đồ chơi, đó là những phát minh nho nhỏ, chúng thực sự truyền cảm hứng khám phá và sáng tạo – cái lõi đáng giá nhất mà mọi món đồ chơi đều hướng tới, dù chúng được tạo ra ở đâu và vào thời đại nào.

Tôi lại nhớ, khi phố đi bộ quanh Hồ Gươm mới hoạt động, ở khu vực đền Bà Kiệu thường có những nhóm thanh niên bày các trò chơi dân gian cho mọi người cùng tham gia. Đó là Rồng rắn lên mây, Ô ăn quan, Nhảy sạp, Nhảy dây, Que chuyền... Những trò chơi miễn phí, có thể chơi đối kháng hoặc tập thể, với luật chơi vừa dễ học vừa biến hóa sinh động đến mức chơi cả buổi không chán. Rất nhiều trẻ em đã háo hức tham gia, rất nhiều phụ huynh đã gật gù, Ừ đấy hồi xưa bố mẹ chơi thế này, chả cần ipad với cả điện thoại cả ngày như chúng mày bây giờ...

Thế rồi dần dần, những nhóm chơi dân gian ấy biến mất. Bây giờ ở góc ấy, người ta dựng lên một dãy kiosk san sát, bán toàn đồ lưu niệm xanh đỏ của Tàu. Trẻ con cũng xúm đông xúm đỏ.

Một mạch chảy văn hóa nghìn đời (trò Ô ăn quan chẳng hạn, tương truyền đã từng được Trạng nguyên Mạc Hiển Tích bàn về các thuật toán từ thế kỷ 11), đến thời đại của chúng ta, đột nhiên mai một và biến mất. Phải nói là đột nhiên đấy, bởi vì chính thế hệ 8X, thậm chí đầu 9X, vẫn còn biết một vài trò chơi, đồ chơi dân gian, để chơi cùng chúng bạn. Nhưng bây giờ, hỏi một đứa bé chừng 10 tuổi trở xuống về trò chơi, đồ chơi dân gian, e rằng khó hơn nhiều so với thử thách tìm kiếm phim hoạt hình trên Youtube hay gắn hoàn thành mẫu Lego phiên bản Star War hơn 1.000 mảnh.

Đó là bởi, những lõi câu chuyện, lõi văn hóa trong các trò chơi, đồ chơi dân gian của chúng ta đã không còn được lưu truyền. Mà đó thì nào có phải là lỗi của ngành giáo dục hay các cơ quan quản lý văn hóa đâu?

Trung Thu đã qua rồi, và hầu hết bọn trẻ đều thừa mứa những bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi, thậm chí thừa mứa cả những buổi "phá cỗ trông trăng" được tổ chức liên miên ở cơ quan bố, mẹ, tới trường học, và tổ dân phố. Nhưng chị Hằng nghìn đời vẫn ngóng xuống nhân gian cùng chú Cuội, chờ đợi một kết nối huyền diệu qua những câu chuyện kể từ thuở xa xưa, qua một chiếc mặt nạ chú Tễu bằng giấy bồi nằm buồn thiu trong góc.

Gia Hiền

Người biểu tình Hong Kong đón trung thu trên núi
Trung thu tình yêu
Trung Quốc gửi bánh trung thu cho cảnh sát Hong Kong
/ vnexpress.net