Trung thu tình yêu

Lúc vừa đặt chân đến Việt Nam, 10 năm trước, tôi thấy bánh trung thu không hề ngon một chút nào. Nó khá giống một loại bánh mì ở Canada, ăn vào dịp Giáng Sinh, toàn vỏ bánh, ít ngọt, không có chút sô cô la nào. 

 

Lúc vừa đặt chân đến Việt Nam, 10 năm trước, tôi thấy bánh trung thu không hề ngon một chút nào. Nó khá giống một loại bánh mì ở Canada, ăn vào dịp Giáng Sinh, toàn vỏ bánh, ít ngọt, không có chút sô cô la nào.

Tôi hay bị mẹ và bà ngoại ép phải ăn nó. Tôi còn thầm nghĩ, có khi đây là âm mưu của họ, để tôi ăn thật no đến lúc không chịu nổi nữa, phải nằm ra sàn không đi chơi được.

Bây giờ tôi lại thích ăn bánh trung thu, nhâm nhi cùng tách trà. Năm ngoái, vào thời điểm này, tôi cùng một đài truyền hình ghé thăm nhà cô Tuyết ở khu phố Tây, Sài Gòn, quay chương trình cô nấu bánh trung thu. Không ai cho tôi biết trước là cô Tuyết làm bánh từ thiện cho trẻ em nghèo. Vậy nên tôi đã có một phen ngượng ngùng khi hỏi, "cô bán bao nhiêu tiền một chiếc?".

"Trà Mỹ là nơi nghèo nhất Việt Nam đó, người dân khổ lắm, cô làm bánh trung thu như một món quà bất ngờ để tặng cho 700 em bé ở đó", cô Tuyết tâm sự. Cứ đến mùa này, cô và một nhóm người tình nguyện cùng làm bánh trung thu cho người nghèo miền Trung. Mỗi năm mỗi chỗ khác nhau, hầu hết những nơi cô chọn tặng bánh là những chỗ hay gặp thiên tai, nghèo khổ, rừng núi xa xôi - nơi người dân thực sự cần được quan tâm. Cô muốn họ cảm nhận được không khí vui vẻ, yêu thương của ngày Tết Trăng rằm.

Cô Tuyết chỉ cho tôi cách làm bánh. Tôi phụ cô nhào bột, làm nhân, lao động trong nửa ngày. Cô làm tôi nghĩ tới nhiều người, sống bất chấp như cách họ thích, rồi đến các dịp lễ lại vội vàng gửi tiền cho những tổ chức từ thiện với hy vọng xí xoá được chút "nghiệp" của họ. Cách cô làm từ thiện, với tôi, nó gọi là lan toả tình yêu thì đúng hơn. Đó chính xác là những gì mà tôi học được từ cô.

Tôi đã lạnh lùng trong gần 40 năm cuộc đời, đặc biệt là những năm mới đến Việt Nam. Ngày bước chân xuống sân bay, tôi đã nghĩ: "Sao ở đây không giống như ở Nhật vậy?". Vài tháng sau, một người mẫu tên Hằng hỏi tôi làm thầy giáo dạy kèm tiếng Anh. Đó là một cô gái Khmer tốt bụng, mời tôi tham gia các buổi họp mặt gia đình, xuống thăm quê hương Cà Mau của cô, giúp tôi hiểu thêm nhiều sự khác biệt về văn hoá giữa Việt Nam, Khmer và Canada.

Nhưng vì bị mắc kẹt trong niềm tin của chính mình, khi gặp xung đột, tôi đã không muốn nói chuyện và gặp lại họ nữa. Tôi tham gia vào cộng đồng của cô, gặp nhiều người nổi tiếng và quyền lực. Tôi thực sự cảm thấy không phù hợp, văn hoá khác biệt với tôi quá, mọi người tập trung vào chủ nghĩa giai cấp, vị trí trong xã hội, và sự tôn trọng sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào đại từ được gọi.

Rồi tôi đã ngã xuống, tức giận với mọi người, cả cô ấy. Đứng lên trong một nhà hàng, tôi lớn tiếng: "Tôi xong việc ở đây rồi. Hy vọng sẽ không bao giờ gặp lại bạn một giây phút nào nữa".

Bạn từng nghe chuyện về con voi và ông chủ chưa? Con voi đôi khi bướng bỉnh và từ chối di chuyển. Ông chủ, không thể đẩy một con voi nặng 6 tấn về phía trước, nên tất cả những gì ông có thể làm là sử dụng tình yêu, sự khích lệ để cả hai cùng đi đến đích. Hằng hiểu điều đó và kiên nhẫn hoà giải, chờ đợi cho đến khi tôi bình tĩnh lại và bỏ qua. Không chỉ một lần mà rất nhiều lần, cô không bao giờ chấp nhận "không" cho câu trả lời.

Hằng gọi tôi lại. Tôi, lúc đó tức giận với chính bản thân mình hơn là vì người khác bởi thấy mình không thể thích nghi, xin lỗi cô ấy. Cô như một người em gái, dễ dàng tha thứ: "Thôi, không có gì đâu Jesse".

Bây giờ thì tôi hiểu và dễ chấp nhận hơn mỗi khi gặp người nào suy nghĩ khác mình. Tôi phải cảm ơn Hằng vì điều đó. Bài học này không biết bao nhiêu tiền mới trả đủ. Đâu phải người nước ngoài nào cũng có thể gần gũi được với người Việt như tôi.

Tình yêu là chủ đề ưa thích của các nhà triết học, nhà thơ, nhà văn và cả nhà khoa học trong nhiều thế kỷ. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng tình yêu ngụ ý những cảm xúc mạnh mẽ, nhưng vẫn có vô vàn ý kiến bất đồng về định nghĩa chính xác của nó.

Với cá nhân tôi, điều quan trọng nhất của tình yêu là thứ bạn làm cho người khác, hoàn toàn là từ "lòng tốt của trái tim bạn". Nó không mang lại bất cứ lợi ích gì cho bạn ngoại trừ cảm giác hạnh phúc có thể nhận được sau khi giúp ai đó và được đáp lại.

Tôi đi bộ trên đường, thấy một nụ cười thân thiện, đó là dấu hiệu của tình yêu.

Tôi xem video du khách nước ngoài nhặt rác, tôi nghĩ đó là cách họ thể hiện tình yêu với Việt Nam.

Tôi đã thấy một người bạn không bỏ cuộc khi cố gắng giúp đỡ người khác, dù điều đó gần như vô vọng.

Tình yêu là món quà tuyệt vời nhất mà ta có thể tự do trao gửi đến người khác, người khác cũng có quyền tự do nhận nó. Tự do yêu người khác là quyền lớn nhất của mỗi chúng ta. Và ngược lại, lấy đi sự tự do bằng áp lực từ cha mẹ, gia đình, xã hội là một kiểu áp bức. Nhiều năm trước, tôi biết một cuộc hôn nhân gượng ép. Người mẹ, một hiệu trưởng, đã buộc con gái mình phải kết hôn với người mà cô không yêu. Người mẹ đã lầm tưởng rằng bà đang bảo vệ tương lai cho cô. Không đâu, bà thực sự đã tước đoạt món quà tuyệt vời nhất của con mình.

Tình yêu cần phải được lan toả khắp nơi. Giống như tôi, tôi có một món nợ tình yêu với Việt Nam và gia đình tôi ở Canada.

Nếu có thể quay ngược lại ấu thơ, tôi sẽ ăn những cái bánh dở tệ kia không một lời phàn nàn, ngồi ngay ngắn cho dù không thoải mái, chỉ để thể hiện tình yêu của tôi với bạn bè và gia đình - như một món quà cần trao tặng.

Jesse Peterson (Nguyên tác tiếng Việt)

Trung Quốc gửi bánh trung thu cho cảnh sát Hong Kong
Bánh trung thu “thịt nhân tạo” gây tranh cãi tại Trung Quốc
"Chiếc đèn ông sao" - khúc ca đêm rằm
Cảnh đáng sợ trong xưởng làm bánh trung thu ở Trung Quốc
Phố Hàng Mã rực rỡ sắc màu trong chiều Trung thu

 

/ vnexpress.net