Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Trong công văn số 9019/VPCP-CN, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu và xử lý thông tin Báo điện tử VTC News phản ánh về việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu và xử lý thông tin Báo điện tử VTC News phản ánh về việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. (Ảnh minh họa: VGP) |
VTC News có các bài viết: “Doanh nghiệp Việt xây cao tốc Bắc - Nam: Vốn ở đâu và làm sao tránh nạn sân trước sân sau” và “Không để doanh nghiệp trong nước vì tư lợi “ôm” doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu làm cao tốc Bắc – Nam”.
Trong các bài viết này, VTC News dẫn ý kiến từ các chuyên gia uy tín, hoan nghênh việc Bộ Giao thông Vận tải có quyết định được dư luận ủng hộ là hủy việc sơ tuyển nhà thầu quốc tế cho 8 đoạn của Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và thay bằng tổ chức đấu thầu trong nước.
Đồng thời, khẳng định doanh nghiệp Việt đủ năng lực để làm tốt đường cao tốc Bắc – Nam nhưng phải có phương án huy động vốn hợp lý và nhà quản lý cần cảnh giác với nạn "quân xanh quân đỏ".
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng lựa chọn phương thức thực hiện Dự án cao tốc Bắc – Nam không chỉ là phải tính đến các tác động trước mắt mà còn là công tác nhìn nhận tổng thể trong phát triển lâu dài và tương lai của đất nước. Do đó, việc thay đổi phương thức lựa chọn nhà thầu cho thấy nhiều ý nghĩa tích cực.
Ông Thành nói: “Đối với những dự án đầu tư quan trọng mình phải tính đầy đủ các yếu tố, từ hiệu quả dự án về kinh tế, môi trường và cả an ninh quốc phòng. Tôi cho rằng việc Bộ Giao thông Vận tải tính toán như thế là cần thiết”.
Công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu và xử lý vấn đề VTC News phản ánh về dự án cao tốc Bắc - Nam. |
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ - để làm tốt dự án, Việt Nam phải thay đổi rất nhiều về đấu thầu, về quản trị, nếu không lại rơi vào tình trạng “quân xanh quân đỏ”, chia chác với nhau, bố trí “sân trước sân sau”.
Ông Thiên đặc biệt nhấn mạnh rằng các nguyên tắc của việc hợp tác phải được thiết kế sao cho bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên “nếu không sẽ gây ra những câu chuyện rất phức tạp, giống như BOT, tổn hại cả nhà đầu tư, cả người sử dụng, cả ngân sách nhà nước”.
Theo TS Lê Đăng Doanh, cao tốc Bắc - Nam là dịp để các nhà thầu trong nước thể hiện năng lực cạnh tranh và năng lực kỹ thuật. Do đó, doanh nghiệp Việt cần tham gia với chất lượng tốt nhất, hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, ông Doanh nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là cái gì người Việt làm được sẽ để người Việt làm nhưng trong quá trình triển khai cần có sự tham gia giám sát của các chuyên gia độc lập để công trình được hoàn thành với chất lượng cao nhất.
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, cần đặt ra các cảnh báo mạnh mẽ về vấn đề doanh nghiệp nước ngoài giả mạo doanh nghiệp tư nhân Việt Nam để tham gia đấu thầu, đầu tư vào các dự án công.
“Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị chức năng liên quan phải có trách nhiệm giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp phải thật minh bạch, chính trực trong việc công khai các tiêu chí. Vốn ở đâu, vay của ai, điều kiện như thế nào, công nghệ thiết bị ra sao, hợp tác liên doanh với đối tác nào cần phải làm thật rõ.
Không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vì cái lợi riêng mà ôm nhà thầu nước ngoài vào. Nhất định Nhà nước phải cương quyết xử lý nghiêm và nếu doanh nghiệp nào cố tình vi phạm thì phải loại ra khỏi thị trường, không cho tham gia bất cứ dự án nào nữa”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.