Các nhà đầu tư trong nước có thể đáp ứng được tiêu chí về tài chính, song khó đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm tham gia các dự án giao thông khác.
Có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Với những tiêu chí khắt khe quy định đối với các nhà đầu tư tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam, cơ hội cho các nhà đầu tư vẫn mở, tuy nhiên, nhà đầu tư trong nước không có lợi thế so với doanh nghiệp nước ngoài.
“Cửa hẹp” cho nhà đầu tư nội
Khẳng định việc đấu thầu các dự án cao tốc Bắc-Nam là cách làm mới của Bộ Giao thông Vận tải, giúp cho việc đấu thầu công khai minh bạch, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định công tác huy động vốn tại các dự án này là rất khó khăn.
Lý giải điều này, theo ông Kiên, dự án có tổng mức đầu tư 118.000 tỷ đồng trong đó được bố trí vốn ngân sách 55.000 tỷ và ưu tiên hơn 20.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, số tiền còn lại chia ra một số đoạn có lưu lượng xe thấp, không đảm bảo phương án hoàn vốn cho nhà đầu tư.
“Hình thức đấu thầu PPP cao tốc Bắc-Nam có thể nhìn nhận như chìa khóa trao tay dựa trên cơ sở thiết kế kỹ thuật đã có, mặt bạch sạch, khi đã bỏ thầu thì nhà đầu tư có quyền tiết kiệm chi phí nhờ việc cải tiến công nghệ, được hưởng giá trị gia tăng về kinh tế,” ông Kiên nói.
Ông Nguyễn Văn Lợi, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông cho hay, các nhà đầu tư trong nước có thể đáp ứng được tiêu chí về tài chính, song khó đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm.
Ví dụ, với quy định "nhà đầu tư phải thực hiện dự án trước đó có tổng mức đầu tư đạt 50% tổng mức đầu tư của các dự án đang xét," nhiều doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được do chưa làm dự án nào lớn như vậy.
"Với quy định như vậy thì rõ ràng nhà đầu tư trong nước không có lợi thế so với doanh nghiệp nước ngoài," ông Lợi đánh giá.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ quan Nhà nước vẫn phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia.
Phân tích, ông Lộc dẫn chứng, nhiều quốc gia dành một tỷ lệ nhất định trong các dự án lớn cho các doanh nghiệp trong nước, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài liên danh với doanh nghiệp trong nước trong khi thực hiện dự án, đó là cách để các đơn vị trong nước tham gia.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP-Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, các nhà đầu tư trong nước chiếm hơn một nửa, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 45%, bao gồm các quốc gia như Anh, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Ông nhấn mạnh, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần đưa ra được một bộ hồ sơ mời thầu cũng như một hợp đồng quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng để đảm bảo tất cả các nhà đầu tư khi tham gia vào phải cung cấp được dịch vụ tốt nhất, đảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng cho toàn bộ dự án.
Những băn khoăn của nhà đầu tư ngoại
Bày tỏ cam kết rủi ro đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam đã được Chính phủ nhận diện và xử lý, ông Huy cho biết, Nhà nước cam kết cơ bản giao mặt bằng sạch trước khi triển khai dự án.
"11 dự án cao tốc đến ngày 20/5 tới sẽ giao cắm mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương thực hiện, đang triển khai quyết liệt và mạnh mẽ,” ông Huy tiết lộ.
Một vấn đề tiên quyết để thu hút nhà đầu tư ngoại “nhảy” vào dự án cao tốc Bắc-Nam quan tâm đó chính là bảo lãnh ngoại tệ và bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết tăng phí đúng lộ trình.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đối với bảo lãnh ngoại tệ, pháp luật nước ta ban hành đầy đủ hướng dẫn nhà đầu tư kinh doanh Việt Nam có quyền mua ngoại tệ mà nhà đầu tư được quyền chuyển lợi nhuận vốn hợp pháp về nước họ.
“Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng sẽ bảo lãnh ngoại hối, điều hành tỷ giá duy trì ổn định, chứng tỏ năng lực điều hành của Chính phủ và Nhà nước,” ông Bắc quả quyết.
Đối với việc các nhà đầu tư ngoại lo lắng tỷ giá biến động sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư, ông Bắc cho rằng, theo quy định, giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện bằng VND. Vì thế, các nhà đầu tư khi xem xét cân nhắc đầu tư tính đến rủi ro tỷ giá.
Tuy vậy, ông Bắc cũng trấn an các nhà đầu tư bởi pháp luật Việt Nam có chính sách dự phòng cho các rủi ro trong đó có tỷ giá là đối tượng được hưởng chính sách dự phòng. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước theo đuổi chính sách ổn định kinh tế vĩ mô để nhà đầu tư ổn định làm ăn.
Phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Về bảo lãnh doanh thu tối thiểu dự án, theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khi ban hành hồ sơ sơ tuyển, bảo lãnh doanh thu là mục tiêu khó, cơ chế này đã được áp dụng tại Hàn Quốc từ năm 1999 nhưng đến năm 2009 ở Hàn Quốc cũng đã dừng lại. Với tư cách đơn vị giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối giúp Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật PPP, Cục cũng đang nghiên cứu nội dung này.
Đặt câu hỏi về phương án tài chính, lộ trình tăng phí và cam kết của của Chính phủ đối với nhà đầu tư dự án giao thông, ông Bắc cho hay, vấn đề không đạt doanh thu tại một số dự án BOT trước đây không được tăng theo đúng lộ trình do Chính phủ có Nghị quyết hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nên ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp dự án.
Đối với dự án đầu tư cao tốc Bắc-Nam, lộ trình tăng phí đã được quy định rõ ràng, không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng PPP. Các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm về chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thu hút đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam.
Cũng theo ông Huy, về quản lý nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm cần hỗ trợ nhà đầu tư dự án BOT hụt doanh thu, để đảm bảo hiệu quả tài chính, cũng tránh các khoản vay tín dụng thành nợ xấu, ảnh hưởng đến toàn hệ thống tín dụng. Bộ sẽ tổng hợp các dự án BOT sụt giảm doanh thu, đề xuất giải pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho rằng, với dự án cao tốc Bắc-Nam, từ ngày 1/1/2018 được điều chỉnh theo Luật Giá. Trong nghị quyết của Quốc hội xác định rõ lộ trình tăng phí tối đa lên 3.400 đồng/xe tiêu chuẩn/km, cam kết của Chính phủ được Quốc hội thông qua, vấn đề tăng phí của BOT đã được giải quyết./.
Cao tốc Bắc-Nam: Đừng đẩy doanh nghiệp trong nước ra ngoài
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan không tin doanh nghiệp tư nhân trong nước không làm được cao tốc Bắc-Nam. |
11 dự án trên tuyến cao tốc Bắc-Nam ngốn 102,5 nghìn tỷ
Trong số này có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư khoảng 14.279 tỷ đồng. |