Cảnh giác với bệnh cúm

Ngành Y tế vừa xác nhận, lần đầu tiên nước ta ghi nhận ca mắc cúm A(H9) trên người, là nam bệnh nhân 37 tuổi tại tỉnh Tiền Giang.

Kết quả điều tra dịch tễ đối với nam bệnh nhân mắc cúm A(H9) có một điểm đáng lưu ý là, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm, đồng thời trước cửa nhà bệnh nhân có buôn bán gia cầm.

Thực tế cho thấy, diễn biến dịch cúm gia cầm trên bình diện thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Trong đó, một số quốc gia giáp biên giới với Việt Nam tiếp tục ghi nhận các ca cúm gia cầm trên người, bao gồm H5N1, H9N2.

Còn ở khu vực Tây Thái Bình Dương, từ năm 2015 đến nay, đã ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A(H9N2) và có hai trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, từ năm 2003 đến nay, có 129 người nhiễm cúm gia cầm độc lực cao - cúm A(H5N1), trong đó 65 người tử vong. Gần đây nhất có một trường hợp tử vong tại tỉnh Khánh Hòa vào tháng 3-2024 do mắc cúm A/H5N1.

Các nghiên cứu thời gian qua chỉ ra rằng, một số chủng vi rút cúm A có khả năng gây bệnh trên người, động vật được biết đến phổ biến như: H5N1, H1N1, H3N2, H5N6, H7N9… Đáng quan ngại là các loại cúm gia cầm lây sang người vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu; tỷ lệ mắc bệnh tử vong rất cao, khoảng 50%.

Cần lưu ý thêm, nước ta có đàn gia cầm rất lớn, hiện vào khoảng 558 triệu con. Trong khi đó, có rất nhiều thách thức trong kiểm soát dịch bệnh cho đàn gia cầm, như: Chăn nuôi và giết mổ phần lớn ở quy mô nhỏ lẻ; việc xâm nhập dịch bệnh trên đàn gia cầm qua đường biên giới rất phức tạp… Chưa kể, biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường và giai đoạn chuyển mùa như hiện nay... là điều kiện lý tưởng cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng virus cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú và con người.

Với thực tế hiện nay cùng những thách thức đặt ra, rõ ràng, nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm gia cầm sang người luôn tiềm ẩn. Do vậy, chúng ta phải thường xuyên cảnh giác cao độ với bệnh cúm. Theo đó, trước hết, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh của cơ quan chuyên môn.

Cụ thể là, không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy. Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời…

Các cơ quan chức năng và địa phương cần tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Cùng với đó, tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…

Đặc biệt, các địa phương có mật độ chăn nuôi gia cầm lớn, cần chú trọng thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất tại các khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm…

Về lâu dài, cơ quan chức năng và các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh.

https://hanoimoi.vn/canh-giac-voi-benh-cum-663106.html

Bắc Vũ / HNM.com.vn